Hỏi:
Tôi được ông bạn hướng dẫn lấy rễ cây ngũ gia bì (rễ nổi) rửa sạch, để khô, sao nhẹ. Cứ một lạng rễ ngâm với 2 lít rượu, sau một tháng có thể uống vào buổi tối để bồi bổ sức khỏe. Vậy xin được hỏi "Thuốc vườn nhà" rễ cây ngũ gia bì và rượu ngâm ngũ gia bì có tác dụng gì?
Cao Xuân Minh, Đông Anh, Hà Nội
Đáp:
Ngũ gia bì - Chân chim
Trước hết cần nói rõ, họ "Ngũ gia bì" bao gồm nhiều loài.
Cây "ngũ gia bì" bác đề cập, chỉ là một loài trong số đó. Loài này mới được trồng làm cảnh tại Hà Nội và nhiều địa phương khác những năm gần đây.
Cây này còn có rất nhiều tên khác, như "cây đáng", "cây lá lằng", "cây lá lắng", "sâm nam", "may tảng" (Tày), "co tan" (Thái), ... tên khoa học là Schefflera octophylla (Lour.) Harms, (Aralia octophylla Lour.), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Thứ ngũ gia bì - cây cảnh nói trên, trước đây trong sách thuốc thường gọi là "ngũ gia bì chân chim", để phân biệt với cây ngũ gia bì "kinh điển" tức "ngũ gia bì gai" có tên khoa học là Acanthopanax aculeatus Seem. Acanthopanax aculeatum Hook. Acanthopanax trifoliatus (L). Merr.), cùng họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Ở nước ta, ngũ gia bì chân chim vốn mọc hoang, rải rác khắp nơi, thường gặp ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang, từ 100-1500m, từ vùng núi từ Lạng Sơn đến Lâm Đồng. Trong điều kiện tự nhiên, ngũ gia bì chân chim có thể cao từ 2-8m. Lá kép hình chân vịt, mọc so le, có 6-8 lá chét, cuống lá dài 8-30cm, lá chét nguyên hình trứng, đầu nhọn hay hơi tù, dài 7-17cm, rộng 3-6cm, cuống lá chét ngắn 1,5-2,5cm. Cuống lá chét giữa, dài hơn đo được 3-5cm. Cụm hoa mọc thành chùy hoặc chùm tán ở đầu cành. Hoa nhỏ màu trắng, số cánh hoa và nhị bằng nhau, thường là 5, bao phấn 2 ngăn, bầu hạ có 5-6 ngăn. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4mm; có núm nhọn. Khi chín có màu tím sẫm đen, trong có 6-8 hạt.
Để làm thuốc có thể dùng vỏ thân, vỏ rễ và rễ nhỏ (không chỉ sử dụng rễ nổi, như ông bạn bác nói). Dược liệu khai thác về, rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu lá rễ nhỏ, rồi phơi hay sấy khô. Ngoài vỏ thân và rễ, lá cũng có thể làm thuốc, chữa sưng đau do đòn ngã tổn thương, bỏng, lở loét ngoài da.
Theo Đông y: Vỏ ngũ gia bì chân chim có vị đắng chát, tính mát. Có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi để giải cảm), trừ phong thấp. Dùng chữa cảm sốt, sưng họng, phong thấp đau xương và bị thương sưng đau. Tại một số địa phương, dân gian thường đào rễ về, rửa sạch, thái mỏng phơi khô, pha hoặc sắc với nước uống, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ, chữa đau nhức xương, thông tiểu tiện, ...
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số cách sử dụng cụ thể:
(1) Rượu bổ ngũ gia bì chân chim: Ngâm vỏ ngũ gia bì chân chim với rượu trắng theo tỷ lệ 1/10 (100g vỏ rễ ngâm với 1000ml rượu trắng), sau 1 tháng có thể sử dụng. Để bồi bổ, hàng ngày có thể uống 2-3 lần, mỗi lần 15-20ml; trong bữa cơm và buổi tối trước khi đi ngủ.
(2) Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Dùng 15-20g vỏ ngũ gia bì chân chim, sắc nước uống trong ngày; có thể phối hợp thêm dây đau xương, rễ cỏ xước, mỗi thứ 12-15g.
(3) Chữa cước khí, chân sưng đau: Dùng ngũ gia bì chân chim, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, tử tô, chỉ xác, ké đầu ngựa - mỗi vị 8-16g; sắc nước uống.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.