Hỏi:
Gần đây, tôi đọc báo thấy nói, một số người đã dùng củ Tam thất vũ điệp để làm giả Sâm Ngọc Linh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết: Tam thất vũ điệp có hình dạng như thế nào, thường mọc ở đâu, có những tác dụng gì và có độc không?
Câu hỏi của một số bạn đọc
Đáp:
Tam thất vũ diệp
Trước hết, do "tam sao thất bản", vị thuốc bạn quan tâm đã bị viết sai.
Cụ thể: Chữ "diệp" (lá) bị đọc chệch là "điệp" (con bướm). Thực ra, vị thuốc có tên chính thức là "Tam thất vũ diệp" ("diệp" = lá; "vũ diệp" = "lá dạng lông vũ"), chứ không phải "Tam thất vũ điệp".
Cây còn có tên là "vũ diệp tam thất", "tam thất hoang", "tam thất lá xẻ", "hoa diệp tam thất", "trúc căn tam thất", "thổ tam thất", "hoàng liên tam thất", "vũ diệp trúc tiết sâm", ... tên khoa học là Panax bipinnatifidus Seem. (P. japonicus C.A. Mey. var. bipinnatifidus (Seem.) C. Y. Wu et Feng ex C. Chow et all), thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).
Tam thất vũ diệp là loại cây thảo sống nhiều năm. Thân mảnh cao 10-20cm, tới 50cm, thường lụi vào mùa khô. Lá kép chân vịt, mọc vòng 3 cái một, mang 3-7 lá chét mỏng, không lông, mép có răng đôi cạn hay sâu dạng thùy. Hoa màu trắng lục xếp 20-30 cái thành tán đơn trên một trục dài 15-20cm ở ngọn thân, cuống hoa cỡ 1cm. Quả mọng, khi chín màu đỏ, chứa 1-2 hạt. Ra hoa tháng 7-9.
Tam thất vũ diệp có rễ củ dài, nạc, có nhiều đốt và những vết sẹo do thân rụng hằng năm để lại. Hình dạng rất giống với rễ củ của sâm Ngọc Linh (Panax articulatus K.L. Dao). Vì vậy, thời gian gần đây, một số người đã sử dụng rễ tam thất vũ diệp để làm giả rễ sâm Ngọc Linh.
Ngoài cây tam thất vũ diệp, theo "Thuốc vườn nhà" nghĩ còn hai cây khác:
- Thứ nhất là cây "trúc tiết tam thất" (tam thất đốt trúc), còn có tên là "trúc tiết sâm", "thổ tinh", "thổ sâm", "huyết sâm", "trúc căn thất", tên khoa học là Panax pseudo - ginseng Wall. var. japonicus (C.A. Mey.) Hoo & Tseng.; phân bố ở các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc, Thiểm Tây và Cam Túc (Trung Quốc).
- Thứ hai là cây "hiệp diệp trúc tiết thất" (tam thất đốt trúc lá hẹp", còn có tên là "trúc tiết thất", "hiệp diệp giả nhân sâm", ... tên khoa học là Panax pseudo - ginseng Wall. var. angustifolius (Burkill) Li.; phân bố ở các tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu (Trung Quốc).
Hai cây này cũng có rễ củ rất giống tam thất vũ diệp, nên không loại trừ khả năng bị một số người xấu thu gom để sử dụng làm giả sâm Ngọc Linh.
Tam thất vũ diệp phân bố ở các tỉnh phía Nam, Tây Nam của Trung Quốc và phía Bắc nước ta. Cây mọc ở độ cao 1900-2400m trên mặt nước biển, trong các rừng ẩm. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở vùng núi cao, lạnh, thuộc tỉnh Lào Cai. Vũ diệp tam thất có tác dụng tương tự tam thất, nên cũng được trồng làm dược liệu và cây cũng phát triển trong điều kiện nhân tạo tốt như tam thất. Cũng thu hoạch rễ củ ở những cây lâu năm; rửa sạch, phơi khô hay sấy khô.
Theo Đông y: Tam thất vũ diệp có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm. Có tác dụng tư bổ cường tráng, tiêu viêm giảm đau, khư ứ sinh tân và cầm máu.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Về thầnh phần hóa học, tam thất vũ diệp có thành phần hóa học tương tự tam thất; bao gồm các chất Bipinnatifidusoside F1 và F2; chikusetsusaponin V, IV, IVa; zingibroside R1; Ginsenosides F1, F2, F3, Rb1, Rb3, Rd, Re, Rg1, 24(S) - psudo ginsenoside F11, ginsenfoavone, majoroside F1, ...
Theo sách "Trung Quốc dược thực chí": Vũ diệp tam thất có tác dụng chữa thương tổn, cầm máu, có thể sử dụng để thay thế tam thất.
Trên lâm sàng rễ củ tam thất vũ diệp dược dùng để cầm máu các loại vết thương và xuất huyết. Cũng được dùng như tam thất làm thuốc bổ chữa thiếu máu, xanh xao gầy còm, nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ, còn có tác dụng kích thích sinh dục và được dùng trong điều trị vô sinh. Liều dùng 4-8g thuốc bột hoặc rượu thuốc.
Tại Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ củ chữa thổ huyết, chảy máu mũi, đòn ngã tổn thương, thương tổn bên trong gây đau lưng, ...
Thực ra, "tam thất vũ diệp", cũng như "trúc tiết sâm", "hiệp diệp giả nhân sâm" đều là những vị thuốc quý, độc tính rất thấp. Chỉ có điều là giá bán trên thị trường rẻ hơn sâm Ngọc Linh rất nhiều. Điều nguy hại nhất đối với người tiêu dùng là, để làm giả sâm Ngọc Linh, một số người xấu đã đem những dược liệu nói trên ngâm trong chất bảo quản không rõ nguồn gốc, hoặc cũng không loại trừ khả năng sử dụng cả những chất tạo màu, hương liệu, gia vị, ... độc hại.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.