Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Sử dụng "dây vẩy ốc" chữa bệnh thông thường

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/04/2014 09:53 SA

Hỏi:

Trên tường bao quanh ngôi chùa cổ ở gần nhà tôi, có mọc rất nhiều dây vẩy ốc. Tôi nghe các cụ nói, đó là thứ thuốc chữa các chứng đau nhức rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Có thể dùng cây vẩy ốc chữa bệnh gì? Uống vào có gây tác dụng phụ gì không? Mong được tư vấn giúp, vì đó là một "kho thuốc không mất tiền" ở ngay gần nhà.

Trần Minh Tuấn, Ứng Hòa, Hà Nội

Đáp:

mộc màn thầu, bị lệ thực, lương phấn quả, bị lệ đằng, dây vẩy ốc, cây xộp, cây trộp, xộp xộp, trâu cổ, cơm lênh, mộc liên, mộc màn thầu, bị lệ, sung thằn lằn, Ficus pumila L.

Dây vẩy ốc

Dây vẩy ốc còn có tên là "cây xộp", "cây trộp", "xộp xộp", "trâu cổ", "cơm lênh", "mộc liên", "mộc màn thầu", "bị lệ", ở miền Nam gọi là "sung thằn lằn"; tên khoa học là Ficus pumila L.

Dây vẩy ốc có thể dài tới hàng chục mét, đường kính thân có thể tới 1cm. Vỏ thân xù xì, có từng đốt dài ngắn không đều, từ đốt mọc ra các rễ khí. Cây có hai loại cành, là cành non không mang hoa, lá nhỏ nhìn giống như như vẩy ốc (do đó cây có tên là "vẩy ốc"); loại cành đã trưởng thành mang hoa có lá to và dày. Thân và lá non khi bẻ có nhựa mủ trắng. Hoa nhiều, đơn tính, đế hoa lõm. Thứ thường gọi là "quả" thực ra là "quả giả". Vì thực chất đó là "đế hoa", hình dạng như quả vả, quả sung, dài chừng 4cm, đường kính 3cm. Trong "quả giả" có nhiều "hạt"; "hạt" này mới chính là "quả" theo đúng nghĩa. "Quả" non có màu lục, lúc chín có màu đỏ, có nhiều nhựa mủ trắng. Mùa quả vào tháng 8-9.

Cây xộp cho các vị thuốc sau đây:

    - "Mộc màn thầu", còn gọi là "bị lệ thực", "lương phấn quả", là "quả giả" được bổ dọc phơi khô, có khi nhúng vào nước sôi khoảng một phút, rồi mới phơi khô, cho dễ bảo quản hơn.

    - "Bị lệ đằng" là cành mang lá phơi hoặc sấy khô của dây vẩy ốc.

    - Ngoài ra, trong dân gian còn dùng nhựa để bôi vào những chỗ ghẻ lở, hắc lào, lang ben, ...

Theo Đông y:

    - "Mộc màn thầu" có vị ngọt, tính bình; vào huyết phận của các kinh Thủ thái dương và Túc dương minh. Có tác dụng thông nhũ, lợi thấp, hoạt huyết và tiêu thũng. Dùng chữa phụ nữ đẻ xong sữa không xuống, di tinh, lâm trọc, đái dưỡng chấp, lỵ lâu ngày, trĩ huyết, trường phong hạ huyết, ung thũng, đinh sang. Trong dân gian, quả vẩy ốc (thường gọi là qủa xộp) được coi là một vị thuốc bổ, dùng để chữa di tinh, liệt dương, đau lưng, lỵ lâu ngày, thoát giang (lòi dom), tắc tia sữa. Ngoài tác dụng dùng để chữa bệnh, quả xộp còn có thể dùng làm mứt, hạt giã nát ngâm nước làm thạch ăn. Liều lượng, uống trong từ 6-15g, sắc với nước hoặc làm viên uống; dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước rửa.

    - "Bị lệ đằng" (cành và lá vẩy ốc) có vị chua, tính bình. Có tác dụng trừ phong, lợi thấp, hoạt huyết, giải độc. Dùng chữa phong thấp tê đau, tả lỵ, lâm bệnh, trật đả tổn thương, ung thũng sang tiết. Liều lượng, uống trong từ 6-15g khô (60-90g tươi), sắc với nước, giã vắt lấy nước cốt, ngâm rượu hoặc nghiền thành bột mịn; dùng ngoài giã vắt lấy nước cốt bôi hoặc nấu nước rửa.

"Thuốc vườn nhà" xin được giới thiệu một số đơn thuốc thông dụng có sử dụng dây vẩy ốc, để bạn tham khảo:

    (1) Chữa cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh: Dùng dây vẩy ốc 120g, nấu với thịt lợn ăn.

    (2) Chữa phong thấp, khớp xương chân tay đau nhức: Dùng dây vẩy ốc 10-15g, sắc nước uống.

    (3) Chữa đau lưng, đau khớp xương: Dùng dây vẩy ốc tươi 60g, sắc với một nửa nước một nửa rượu, pha thêm đường đỏ vào, uống mỗi ngày 1 thang.

    (4) Rượu bổ chữa di tinh, liệt dương: Dùng cành lá dây vẩy ốc phơi khô 100g, đậu đen 50g, ngâm vào 500ml rượu, sau 10 ngày có thể lọc lấy rượu uống; khi uống có thể pha thêm đường; có tác dụng như thuốc bổ, chữa đau lưng, đau người, di tinh, liệt dương; ngày uống 10-30ml.

    (5) Chữa trống ngực: Dùng quả xộp (sao), bạch khiên ngưu tử (hạt bìm bìm trắng) - 2 vị bằng nhau; tán thành bột mịn, mỗi lần uống 6g, chiêu thuốc bằng nước cơm.

    (6) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, đau buốt: Dùng dây vẩy ốc 30g, cam thảo 3g; sắc nước uống.

    (7) Chữa kiết lỵ: Cành lá cây xộp, lá mơ lông, lá lốt, nụ sim - mỗi thứ 10-15g; sắc nước uống.

    (8) Chữa tắc tia sữa, sưng vú, ít sữa:

        - Dùng quả xộp 40g, bồ công anh 15g, lá mua 15g; sắc nước uống trong ngày. Đồng thời, dùng lá bồ công anh giã nát, thêm chút giấm, chưng nóng đắp lên vú.

        - Hoặc dùng quả xộp 7 trái, chân giò lợn 1 cái; nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, ăn chân giò và uống nước canh.

    (9) Chữa quáng gà: Dùng quả xộp, nấu với gan lợn ăn.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]