Hỏi:
Bình thường, mỗi khi trong nhà có người bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ỉa chảy, tôi lại ra hiệu thuốc mua béc-bê-rin về cho uống là khỏi. Có điều gần đây tôi cho con trai uống lại không có tác dụng. Xin hỏi "Thuốc vườn nhà" vì sao lại như vậy? Có thể sử dụng cây cỏ quanh nhà để chữa hay không? Xin chân thành cám ơn.
Văn Bùi, Hòa Bình
Đáp:
Mộc hoa trắng
Hiện tượng đau bụng, đại tiện nhiều lần, lượng phân ít, mót rặn, phân lẫn máu, mũi, ... y học hiện đại gọi là "hội chứng lỵ"; dân gian thường gọi là "kiết lỵ", còn Đông y gọi là "lỵ tật". Đúng là, đối với bệnh này, không phải lúc nào béc-bê-rin cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.
"Hội chứng lỵ" chia thành 2 loại, theo chủng loại vi khuẩn gây bệnh: Lỵ trực khuẩn (do trực khuẩn Shigella) và lỵ amip (do ký sinh trùng amip).
Cả hai loại lỵ, khi phát tác cấp tính, đều có những biểu hiện chung, là "đau quặn bụng", "mót rặn", "phân lẫn mủ, máu" và "đại tiện nhiều lần"; chỉ khác nhau ở chỗ, lỵ trực khuẩn thường phát tác đột ngột và triệu chứng nghiêm trọng ngay từ lúc khởi đầu; còn lỵ amip khi mới phát, thì triệu chứng bộc lộ nhẹ hơn, nhưng dễ chuyển biến thành mạn tính, gây nên nhiều biến chứng phức tạp.
Biến chứng hay gặp nhất là bệnh viêm ruột non và viêm đại tràng mạn tính; trong trường hợp này, tuy không còn triệu chứng mót rặn và phân lẫn máu mũi nữa, nhưng vẫn còn đau bụng, phân bóng, sệt, không thành khuôn, mỗi ngày đại tiện tới 5-6 lần, nhất là về buổi sáng, khiến cho người bệnh rất mệt nhọc. Sau vài tháng hay vài tuần, do bị lạnh hay ăn uống không điều độ, lại xuất hiện một đợt cấp diễn.
Béc-bê-rin là thuốc kháng khuẩn, có tác dụng tiêu diệt trực khuẩn Shigella và một số loại vi khuẩn khác, thường được dùng để chữa viêm ruột, ỉa chảy và hội chứng lỵ. Nhưng với amip thì tác dụng lại tương đối yếu.
Amip là loại khuẩn nguyên sinh, đơn bào, có thể tồn tại ở những dạng khác nhau, như "tiên bào" (hystolytica), tiểu thể (minuta) hoặc nang kén (kyste); nên còn có tên là "vi khuẩn biến thể" và rất khó diệt trừ tận gốc. Khi khu trú trong ruột, ở thể nang kén, amip thường không gây nên những triệu chứng rõ ràng ở ruột, nhưng lại có thể di chuyển, xâm nhập vào các mô, gây ra ap-xe. Hay gặp nhất là ap-xe gan, rồi đến ap-xe phổi.
Với những trường hợp nhiễm amip nặng, để chữa trị triệt để, thường sử dụng kháng sinh dài ngày. Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt amip tốt, nhưng thường gây nên tác dụng phụ bất lợi. Thí dụ, Emitin, loại thuốc thường được sử dụng để chữa lỵ amip, có thể gây buồn nôn, chảy nước bọt, chóng mặt, đau bắp thịt ở chân tay, khiến tim đập yếu, huyết áp tụt, khó thở, rối loạn cử động, liệt cơ, ...
Từ xưa, dân gian đã phát hiện nhiều loại thảo dược, có tác dụng chữa lỵ hữu hiệu. "Thuốc vườn nhà" đã có bài viết giới thiệu cách dùng hạt sầu đâu cứt chuột (nha đạm tử) chữa lỵ amip (tham khảo bài viết "Dùng hạt sầu đâu chữa bệnh lỵ"), nay xin giới thiệu thêm một cây khác, một cây cũng mọc hoang khắp nơi, từ Bắc chí Nam, là cây "mức".
Cây "mức" ở nước ta có nhiều loài, để chữa lỵ thường dùng loài hoa trắng, sách thuốc gọi là "mộc hoa trắng".
"Mộc hoa trắng" còn có tên là "mức hoa trắng", "cây sừng trâu", "cây mức lá to", "thừng mực to lá", "mộc vài", "míc lông", "chỉ tả mộc" (Đông y Trung Quốc); tên khoa học là Holarrhena antidysenteria Wall., thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).
Mộc hoa trắng là loài cây thân gỗ, có thể cao tới 10-12m. Cành non nhẵn hoặc có lông màu nâu đỏ, trên mặt có nhiều bì khổng trắng rõ. Lá mọc đối, gần như không cuống, hình bầu dục, dài từ 12-15cm, rộng từ 4-8cm, với 18-20 cặp gân phụ; mặt lá bóng, màu xanh lục nhạt, mặt dưới có lông. Hoa trắng, mọc thành xim hình ngù ở kẽ lá hay đầu cành. Quả màu nâu, có vân dọc, dài 15-30cm, rộng 5-7mm, với rất nhiều hạt màu nâu nhạt. Cây nở hoa từ tháng 3 đến tháng 7, kết quả từ tháng 6 tới tháng 12.
Trong dân gian nước ta, mộc hoa trắng thường được sử dụng để chữa bệnh lỵ và một số các chứng bệnh tiêu hóa. Tại Trung Quốc, người ta đặt tên cây là "chỉ tả mộc" - nghĩa là "loài cây cầm đi tả", chứng tỏ tác dụng chữa rối loạn đại tiện đã từng được biết tới từ xưa.
Ngay tên khoa học - Holarrhena antidysenteria Wall., cũng nói về tác dụng chữa lỵ của cây, vì "antidysenteria" có nghĩa là "chống bệnh kiết lỵ".
Từ vỏ và hạt mộc hoa trắng, đã chiết xuất được các ancaloit, như Conesin, Norconesin, Conesimin, Isoconesimin, Conesinidin, Conkurchin, Holarhenin, ... Trong số đó, Conesin là một ancaloit có tác dụng diệt vi khuẩn amip mạnh và rất ít độc.
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi: "Trên lâm sàng, người ta dùng conesin clohydrat hay bromhydrat chữa lỵ amip. Hiệu lực như emetin, lại hơn emetin ở chỗ ít độc và tiện dùng. Nó tác dụng cả đối với kén và amip, còn emetin chỉ tác dụng đối với amip. Hiện tượng không chịu thuốc rất ít hoặc không đáng kể".
Trong điều kiện gia đình, để chữa bệnh lỵ amip: Có thể lấy 10-15g vỏ cây, thái nhỏ, sắc nước uống trong ngày. Hoặc lấy vỏ về phơi khô, thái nhỏ, tán mịn, cất vào lọ nút kín dùng dần; sử dụng với liều 10g/ngày; chia ra 3 lần uống, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
2 Ý kiến bạn đọcNếu có bán thì bán cho e với ạ. 01264384xxx. E cám ơn.
Anh/ chị có bán cây này và hướng dẫn cách sử dụng không ạ? Nếu có thì thông tin lại cho tôi vì tôi đang tìm mua. 0982.583.xxx. Cám ơn anh/chị.