Hỏi:
Ở quê tôi, trên khắp các bãi hoang, bờ ruộng, hàng rào, ven đường, ...
có rất nhiều cây "rau má lá rau muống". Tôi nghe nói cây này có thể dùng
làm thuốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cung cấp thông tin về cây này. Xin
cảm ơn.
Trần Đình Minh, Bình Lục, Hà Nam
Đáp:
Đúng là thứ cây bạn hỏi có thể dùng làm thuốc. Cây còn có tên là "muống
cuống rau răm", "tiết gà", "tam tróc", "rau chua lè", "hoa mặt trời",
"lá mặt trời", ... Đông y Trung Quốc (Trung Y) gọi là "dương đề thảo",
"nhất điểm hồng", "hồng bối diệp", ... Tên khoa học là Emilia
sonchifolia (L) DC., thuộc họ Cúc.
Khi sử dụng làm thuốc người ta thường hái toàn bộ phần cây trên mặt đất, có thể dùng tươi, hay phơi hoặc sấy khô.
Theo Đông y:
Rau má lá rau muống có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt giải
độc, lợi thủy, lương huyết. Có thể dùng chữa lỵ, tiêu chảy, đại tiện ra
máu, thủy thũng, viêm tai, viêm họng, mụn nhọt, ...
Theo kinh nghiệm dân gian ở nước ta:
Thường dùng toàn cây tươi, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sắc uống để chữa
ho lâu ngày, hoặc ho lao và chữa sốt. Nước sắc dùng nhỏ mắt chữa đau
mắt, nhỏ vào tai bị viêm, rửa mụn nhọt. Có nơi dùng ăn như rau, vị đặc
biệt, hơi chua và hơi đắng.
Tại Trung Quốc: Sử dụng để chế thuốc tiêm, chữa viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ, đạt kết quả tốt.
Liều dùng hàng ngày: Dùng 15-25g cây khô (hoặc 30-60g tươi) sắc uống; dùng ngoài nấu nước rửa, giã đắp.
Kiêng kỵ: Phụ nữ đang có thai sử dụng cần thận trọng.
Một số cách sử dụng rau má lá rau muống làm thuốc:
(1) Chữa viêm họng sưng đau: Dùng rau má lá rau muống tươi, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) - mỗi thứ 30g; sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa viêm phổi nhẹ: Dùng rau má lá rau muống, sài đất - mỗi thứ 15g; sắc uống trong ngày.
(3) Chữa viêm thận cấp: Dùng rau má lá rau muống 15g, lá diễn 15g, xa tiền thảo (mã đề) 12g; sắc lấy nước, chia ra 3 lần uống trong ngày.
(4) Chữa viêm ruột ỉa chảy: Dùng rau má lá rau muống 12g, lá ổi 12g; sắc lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày.
(5) Chữa viêm tai giữa: Dùng rau má lá rau muống tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, nhỏ vào tai bị viêm; ngày nhỏ 3-4 lần, mỗi lần 1-2 giọt.
(6) Chữa chín mé (sưng buốt đầu ngón tay): Hái một nắm rau má lá rau muống tươi, giã nát với chút đường kính, đắp lên chỗ sưng đau, băng cố định lại.
(7) Chữa hậu bối, nhọt độc, sưng vú: Hái một nắm rau má lá rau muống tươi, giã nát với chút đường đỏ, đắp lên chỗ sưng đau, dùng băng dính cố định lại.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.