Hỏi:
Trong
đợt khám sức khỏe định kỳ gần đây, khi làm siêu âm ổ bụng, bác sĩ cho
biết trong túi mật của tôi có sỏi. Theo như tôi biết, Tây y hiện tại vẫn
chưa tìm ra được loại thuốc đặc trị sỏi mật và biện pháp chữa chủ yếu
là làm phẫu thuật. Vì vậy, tôi rất mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn giúp
cho một số bài thuốc Nam có tác dụng làm tan sỏi mật để áp dụng thử. Xin
chân thành cảm ơn và mong được hồi âm sớm nhất.
Trần Đình Cát, Bắc Ninh
Đáp:
Bệnh sỏi mật là hiện tượng hình thành sỏi ở trong túi mật hoặc ống dẫn
mật. Dịch mật do gan sản xuất ra và sỏi mật có liên quan đến sự lắng
đọng dịch mật, nhiễm khuẩn ống dẫn mật, rối loạn chuyển hóa cholesterol,
... Lúc đầu dịch mật lắng đọng ở dạng bùn, sau dần trở thành hạt nhỏ,
rồi thành viên sỏi.
Bệnh sỏi mật hay gặp ở những người ăn
uống không điều độ (no đói thất thường), người béo phì, người cao tuổi
và phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Sỏi mật có khi diễn biến rất "âm thầm", nhất
là trường hợp sỏi túi mật, không có biểu hiện gì khác thường và chỉ được
phát hiện nhờ siêu âm ổ bụng.
Sỏi mật có liên quan
mật thiết với chế độ ăn uống. Để phòng ngừa sỏi mật, cũng như khi đã bị
sỏi mật, ăn uống cần tuân thủ 3 nguyên tắc chủ yếu sau đây:
1. Hạn chế các loại thức ăn có nhiều cholesterol, như óc, gan, và thận động vật, trứng cá, ...;
2. Hạn chế các món ăn béo ngậy để tránh dẫn đến co thắt mật, nên dùng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật;
3. Bữa sáng cần ăn no, bữa trưa ăn đủ, bữa tối ăn ít; tuyệt đối không
được nhịn ăn sáng, tránh ăn uống no say vào buổi tối, tránh để bụng đói
quá lâu.
Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, ngoài việc tuân thủ các
nguyên tắc về ăn uống như trên, còn cần chú ý phòng ngừa các bệnh nhiễm
khuẩn đường tiêu hóa, nhất là các bệnh ký sinh trùng đường ruột.
Đúng
như bạn viết, khả năng điều trị sỏi mật bằng nội khoa (dùng thuốc)
trong Tây y hiện tại vẫn còn rất hạn chế. Đối với sỏi cholesterol ở túi
mật, hiện tại đã có một số loại thuốc làm tan sỏi, nhưng thời gian dùng
thuốc phải lâu dài và kết quả cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 20-30% đối
với sỏi nhỏ, còn đối với sỏi lớn chỉ có thể thu nhỏ hoặc kìm hãm sự phát
triển của sỏi, nghĩa là sỏi vẫn tồn tại và nguy cơ biến chứng vẫn còn.
Đối với sỏi sắc tố hoặc sỏi hỗn hợp lại càng hạn chế. Khi có biểu hiện
nhiễm khuẩn, trong khi chờ đợi can thiệp bằng thủ thuật nội soi hay phẫu
thuật, Tây y chỉ sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.
Kinh
nghiệm thực tế cho thấy, Đông dược có tác dụng phòng ngừa và chữa trị
sỏi mật khá tốt. Để nâng cao hiệu quả trị liệu, cần căn cứ vào chứng
trạng cụ thể của bản thân, mà áp dụng phép chữa, bài thuốc hay món ăn
thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:
1. Thể khí trệ:
Thỉnh thoảng thấy trướng đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị đầy tức,
đau; miệng đắng, ợ hơi; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền
(căng như dây đàn).
- Phép chữa: Sơ can, lý khí và lợi đởm.
- Trường hợp bệnh nhẹ, có thể dùng:
(1) Cháo sơn tra: Sơn tra 30g, gạo tẻ 100g, đường trắng 20g; cùng nấu thành cháo; chia thành 2 lần ăn vào buổi sáng và buổi tối.
(2) Trà chỉ thực kim tiền thảo: Chỉ thực 10g, kim tiền thảo 30g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
- Trường hợp bệnh nặng, cần dùng bài thuốc: Sài
hồ 10g, chỉ thực 10g, mộc hương 6g, bạch thược 10g, diên hồ sách 10g,
kim tiền thảo 30g, cam thảo 6g; dùng 1200ml nước, sắc còn 600ml; chia
thành 3 phần uống (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối).
2. Thể thấp nhiệt:
Người lúc nóng lúc lạnh (vãng lai hàn nhiệt) hoặc sốt cao, sợ lạnh, hạ
sườn phải trướng đau liên tục, thỉnh thoảng đau kịch liệt, có khi đau
xuyên lên vai và cánh tay phải; miệng đắng, lợm giọng buồn nôn, bụng và
dạ dày đau tức, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng đỏ, mặt và mắt vàng,
chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày và nhớt, mạch huyền hoạt sác.
- Phép chữa: Thanh nhiệt hóa thấp.
- Trường hợp nhẹ có thể dùng:
(1) Trà râu ngô rễ cỏ tranh:
Râu ngô 30g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, hồng táo (táo tầu) 8 quả;
tất cả đem ngâm trong nước lạnh 1 giờ, sau đó đun sôi nhỏ lửa trong 40
phút; chia thành 2 lần ăn táo và uống nước.
(2) Bài thuốc:
Nhân trần 30g, chi tử (quả dành dành), kim tiền thảo 30g, chỉ thực 15g;
sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 450ml; chia thành 3 lần uống vào lúc
đói bụng (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối).
(3) Món ăn - bài thuốc:
Kim tiền thảo tươi100g (khô 40g), kim ngân hoa tươi 70g (khô 20g), thịt
lợn nạc 500g, rượu trắng 2 thìa canh; kim tiền thảo và kim ngân hoa
dùng vải bọc lại, cùng với thịt (đã thái thành miếng nhỏ) cho vào nồi,
thêm nước lạnh vào ngâm cho nước ngấm đều vào các vị thuốc; đun sôi,
thêm rượu vào rồi đun nhỏ lửa khoảng 2 giờ, thêm mắm muối vào cho vừa
miệng là được; chia thành 2 phần ăn hết trong ngày (bỏ bã thuốc, ăn thịt
và uống nước hầm).
- Trường hợp nặng, cần dùng bài thuốc:
Sài hồ 10g, hoàng cầm 10g, nhân trần 30g, chỉ thực 15g, sinh sơn chi
10g, sinh đại hoàng 6g, xuyên luyện tử 10g, diên hồ sách 10g, kim tiền
thảo 30g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia thành 3 lần uống
trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.