Hỏi:
Tôi mắc bệnh tiểu đường đã nhiều năm. Sử dụng những thức ăn mát, như bột sắn, mướp đắng, đậu nành, ... tuy một số triệu chứng có giảm, nhưng vẫn phải sử dụng tân dược và rất tốn kém. Gần đây có người mách, cây hẹ cũng có tác dụng tốt đối với tiểu đường, đặc biệt là với những người mắc bệnh lâu ngày. Tôi rất muốn áp dụng thử, nhưng còn phân vân vì sợ rau hẹ nóng. Vì vậy, đề nghị "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết: Hẹ có tác dụng chữa bệnh tiểu đường hay không? Nếu có, thì cần sử dụng như thế nào?
Lê Văn An, Ba Đình, Hà Nội
Đáp:
Trước hết, xin nhắc lại dược tính của rau hẹ.
Theo Đông y:
- Lá hẹ: Để sống có tính nhiệt (nóng), nấu chín thì ôn (ấm), vị cay; vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ăn vào lại nôn mửa lộn trở ra (phản vị), thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra huyết, tiểu đường, trĩ lậu, thoát giang, ngã chấn thương, ...
- Củ hẹ (gốc hẹ): Có tính ấm, vị cay. Có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, hồi dương cứu nghịch. Thường dùng chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, thổ huyết, các chứng ngứa, ...
- Hạt hẹ: Có tính ấm, vị cay ngọt; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương, cố tinh. Thường dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, đái són, mộng tinh, di tinh, ỉa chảy, kiết lị, lưng gối yếu mềm.
Tiểu đường (đái tháo đường, Diabetes Mellitus) là bệnh thiếu insulin, tuyệt đối hoặc tương đối; dẫn tới những rối loạn chuyển hóa chất đường, chất béo, chất đạm, nước và điện giải. Insulin là chất nội tiết tố (hormone) được tạo ra ở tuyến tụy. Bình thường, chất đường bột trong thức ăn được hấp thu từ ruột vào máu. Dưới tác động của insulin, chất đường được đưa tới các tế bào và tạo ra năng lượng. Nếu chất đường trong máu không được sử dụng để tạo ra năng lượng, hàm lượng đường trong máu sẽ tăng lên cao, và nước tiểu cũng ngọt (nên thấy kiến bâu). Năng lượng tạo ra từ chất đường không đủ đáp ứng các nhu cầu, cơ thể sẽ phải dùng chất mỡ làm nguồn năng lượng để thay thế, gây mất cân bằng, dần dần dẫn tới hàng loạt những rối loạn khác về trao đổi chất, gây mất cân bằng acid - kiềm, ketone tích tụ trong máu gây ngộ độc, ...
Đặc điểm lâm sàng của bệnh tiểu đường là uống nhiều, đái nhiều, ăn nhiều mau đói, mệt mỏi, thể trọng giảm, nồng độ đường glucose trong máu tăng cao dị thường, ... Do đó Đông y mới gọi đó là bệnh "tiêu khát" - "tiêu" nghĩa là tiêu hao (đái nhiều, gầy mòn - giảm thể trọng), "khát" hàm nghĩa là đói khát (mau đói ăn nhiều, khát uống nước nhiều).
Kinh nghiệm thực tế, cũng như kết quả quan sát lâm sàng cho thấy: Sử dụng rau hẹ trong bữa ăn hàng ngày có tác dụng hỗ trợ điều trị đái tháo đường khá tốt, nhất là đối với những người mắc bệnh lâu ngày.
Theo y học hiện đại: Trong mỗi 100g rau hẹ có 2,1g protein, 0,6g lipit, 3,2g gluxit, 48mg canxi, 46mg lưu huỳnh, 1,7mg sắt, 3,21mg caroten, 0,03mg vitamin B1, 0,09mg vitamin B2, 0,9mg vitamin PP, 39mg vitamin C; ngoài ra còn có một lượng lớn chất xơ và sunfit (sulfide); vị cay đặc biệt của hẹ có liên quan đến sự có mặt của các hợp chất sunfit. Chất xơ có tác dụng tăng độ nhạy cảm với insulin, làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, bảo vệ tuyến tụy (nơi sản sinh ra insulin). Do đó, rau hẹ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhất định đối với bệnh tiểu đường.
Còn Đông y lý giải điều đó như sau: Sự phát sinh của bệnh tiêu khát (tiểu đường) có quan hệ mật thiết với 3 cơ quan nội tạng là Phế, Vị và Thận, chủ yếu là Thận. Y gia thường căn cứ vào đặc điểm uống nhiều, ăn nhiều, đái nhiều mà chia bệnh thành 3 loại hình là Thượng tiêu (liên quan mật thiết với Phế), Trung tiêu (liên quan mật thiết với Vị) và Hạ tiêu (liên quan mật thiết với Thận). Bệnh tuy chia ra thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, nhưng bản chất chỉ là một, đó là "âm suy dương cang" do tạng Thận bị hư tổn.
Những triệu chứng xuất hiện trên lâm sàng, như phiền khát uống nhiều, ăn nhiều mau đói, ... thực chất chỉ là những biểu hiện bên ngoài - triệu chứng "trên ngọn", do "Thận hư âm suy" gây nên. Dùng những vị thuốc hay thức ăn đắng, lạnh, như mướp đắng, trà xanh, ... để giải trừ những triệu chứng trên, mới chỉ là "chữa ngọn". Để chữa một cách triệt để, trị tận gốc bệnh, cần dùng những vị thuốc có tác dụng "tư âm bổ thận" (nuôi dưỡng âm dịch và bổ thận), kết hợp thêm một số vị thuốc có tác dụng ích khí, thanh nhiệt.
Rau hẹ là vị thuốc đi vào tạng Thận và có tác dụng cải thiện chức năng tạng Thận. Có thể sử dụng để chữa trị tiểu đường mắc lâu ngày, đã chuyển sang loại hình "hạ tiêu", với những biểu hiện chủ yếu như: Tiểu tiện nhiều lần; nước tiểu ngọt hoặc đục như trộn mỡ, phiền khát uống nhiều - nặng thì uống bao nhiêu đái ra bấy nhiêu, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, họng khô lưỡi háo, sắc mặt tiều tụy, vành tai khô, da mặt đen xạm, lưng gối mỏi yếu, chân tay rã rời vô lực, sợ lạnh, dương nuy, di tinh, hoạt tinh, ...
Cách sử dụng cụ thể:
(1) Hàng ngày sử dụng từ 100-200g rau hẹ, nấu cháo, nấu canh hoặc xào ăn. Chú ý: Không dùng muối hoặc chỉ dùng một chút muối khi chế biến món ăn. Theo sách "Chính hòa bản thảo", nói chung sử dụng như vậy khoảng 10-15 ngày thì bệnh tình bắt đầu cải thiện.
(2) Dùng củ hẹ 150g, thịt sò 100g, nấu canh ăn thường xuyên. Có tác dụng tốt đối với bệnh tiểu đường đã mắc lâu ngày, cơ thể đã suy nhược, âm dịch và dương khí đều bị hư tổn (âm dương lưỡng hư).
Hẹ rất dễ trồng và ít phải chăm sóc. Chỉ cần gieo hoặc trồng bằng cây con một lần, là có thể thu hoạch nhiều lứa, nhiều năm. Cây phát triển tốt quanh năm, vừa có thể làm rau ăn, vừa có thể dùng làm thuốc những khi cần thiết. Mỗi gia đình nên trồng lấy vài khóm ít hẹ. Trong thành phố, nhà không có vườn có thể trồng trong chậu hay trong thùng đất.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.