Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết cây nghể có thể dùng để chữa những bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?
Đỗ Thị Thanh Mai, Quan Hóa, Thanh Hóa
Đáp:
Nghể là thứ cây mọc hoang ở khắp nơi, đặc biệt ở những nơi ẩm thấp, có nước ngập. Cây còn có tên là "thủy liễu", "rau nghể", tên khoa học là Polygonum hydropiper L., họ Rau răm (Polydonaceae).
Nghể là một loại cỏ mọc hoang, sống hằng năm, cao 30-60cm, có thể cao tới 70-80cm, thân màu hồng hay xanh lục, chỗ mấu phình to ra, phân nhiều cành, lá mọc so le, có cuống ngắn, phiến lá hình mác, mép nguyên, dài 4-6cm, rộng 1-1,3cm, những lá ở phía trên nhỏ và hẹp hơn lá phía dưới, gân giữa nổi rõ, với gân hai bên hình chữ "nhân" màu xám. Bẹ chìa mỏng và phát triển. Hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá gần ngọn. Quả nhỏ, hình tam giác, khi chín màu nâu.
Để dùng làm thuốc, khi cây đang ra hoa thì hái cả cành hay toàn cây, rửa sạch đất cát, dùng tươi hoặc phơi khô trong bóng râm, bảo quản ở nơi khô mát để dùng dần. Khi còn tươi, toàn cây có mùi thơm, vị cay nóng, nếu phơi ở ngoài nắng, sẽ bị mất mùi.
Lưu ý: Ngoài cây "nghể" mô tả ở trên, dân gian còn dùng 2 cây "nghể" khác, là "nghể chàm" (Polygonum tinctorium Lour) và "nghể bông" (Polygonum orientale L. var. pilosum Meissn), cùng thuộc họ Rau răm, nhưng với tác dụng khác, không nói ở đây.
Theo Đông y: Nghể có vị cay, tính bình, không độc. Có tác dụng hóa thấp, tiêu tích trệ, khử phong, tiêu thũng. Dùng chữa viêm ruột cấp đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, kiết lỵ, phong thấp, cước khí, lở ngứa, đòn ngã tổn thương.
Dân gian thường dùng thân và lá cây nghể làm thuốc chữa giun, nhuận tràng, thông tiểu, chữa rắn cắn. Các nghiên cứu gần đây còn phát hiện thấy, nước ngâm nghể có tác dụng diệt dòi (sinh ra ruồi) và bọ gậy (sinh ra muỗi).
Như vậy, còn có thể dùng nghể như loại thuốc sát trùng thiên nhiên, để diệt ruồi muỗi, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Một số bài thuốc có sử dụng cây nghể:
(1) Thủy liễu ẩm: Nghể răm tươi toàn cây 60g (cắt ngắn), hương nhu tươi 60g (cắt ngắn), cho vào nồi đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3 cm; sắc lấy 3 bát, chia 3 lần uống khi còn ấm. Có tác dụng chữa ỉa chảy do cảm nắng mùa hè, với biểu hiện ỉa chảy, nôn khan, toàn thân vã mồ hôi lạnh, chân tay vật vã.
(2) Chữa ỉa chảy ra toàn nước: Nghể răm 30g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống khi còn ấm.
(3) Trục đỉa chui vào bụng: Nghể răm 80g, sắc đặc uống, hoặc uống nhiều mật ong (Nam dược thần hiệu).
(4) Chữa chốc ghẻ, lở ngứa ngoài da: Nghể răm nấu nước tắm rửa, bã xát chỗ ghẻ ngứa.
(5) Chữa rắn cắn: Nghể 25 ngọn, lá phèn đen 25 lá, thuốc lào 1 điếu (viên tròn bằng hạt ngô), hồng hoàng 1 cục bằng hạt đậu xanh; cả 4 vị giã nhỏ, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước, cho vài hạt muối vào rồi uống, chia làm 3 lần trong ngày; bã đắp vào nơi rắn cắn; thời gian điều trị chừng 3 ngày (Kinh nghiệm dân gian).
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.