Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng câu đằng chữa cao huyết áp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/03/2012 09:35 SA

Hỏi:

Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, bị bệnh cao huyết áp đã hơn 3 năm. Mỗi khi huyết áp tăng, thấy chóng mặt, đau đầu, ... tôi uống reserpin vào cảm thấy rất dễ chịu. Có điều, gần đây tôi được biết, dùng reserpin lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm, liệt dương, ... Vì vậy mong "Thuốc vườn nhà" chỉ giúp cho bài thuốc Nam chữa cao huyết áp, có thể sử dụng lâu dài mà không gây nên tác dụng phụ có hại như reserpin.

Trần Chính, Ngô Quyền, Hải Phòng

Đáp:

câu đằng

Trong Đông y, bệnh cao huyết áp được chia thành một số loại hình, như "Can dương thượng cang", "Đàm thấp nội trở", "Huyết ứ nội đình", ...

Trường hợp của bác, nhiều khả năng thuộc loại hình "Can dương thượng cang" theo cách phân loại của Đông y. "Can dương thượng cang" có nghĩa là phần "dương" của tạng can quá thịnh, bốc lên trên (thượng cang), dẫn tới những chứng trạng bệnh lý ở phần trên cơ thể (đầu mặt).

Người cao huyết áp thuộc loại "Can dương thượng cang" thường có những biểu hiện: Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, váng đầu, tai ù, phiền táo, dễ nổi giận, đêm ngủ không yên giấc, nằm mơ nhiều, mặt đỏ, miệng khô đắng, lưng gối yếu mỏi; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, ...

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu do "Can thận âm hư" (can âm và thận âm hư tổn), dẫn tới âm dương trong tạng can bị mất cân bằng; dương khí từ tạng can bốc lên trên, gây nên tăng huyết áp, cùng những triệu chứng như váng đầu, hoa mắt, tai ù, cảm giác "đầu nặng chân nhẹ", ...

Để chữa trị, cần dùng phép "Bình can tiềm dương", nghĩa là điều hòa tạng can, đưa dương khí xuống phía dưới, để tiêu trừ trạng thái quá hưng phấn ở trên đầu mặt.

Reserpin là thuốc có tác dụng ức chế thần kinh giao cảm, Tây y thường sử dụng để làm hạ huyết áp và trấn tĩnh, an thần. Xét theo Đông y học, cơ chế tác dụng của reserpin là "Bình can tiềm dương". Nói cách khác, reserpin có tác dụng tương tự như những vị thuốc "Bình can tiềm dương" trong Đông y, do đó có thể sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp thuộc loại hình "Can dương thượng cang".

Để thay thế cho reserpin, bác có thể dùng thử vị thuốc "Câu đằng", một loại cây mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Có thể dễ dàng mua được với giá rất bình dân, ở các hàng lá và cửa hàng Đông Nam dược.

Cây câu đằng là một thứ dây leo, cao 1-3m, thường mọc nơi mát. Thân có mấu, cành nhỏ hình vuông, có rãnh dọc, ở đốt có gai cong xuống trông như lưỡi câu, do đó có tên "câu đằng". Lá mọc đối, hình trứng đầu nhọn, dài độ 9cm, rộng 5cm, cuống dài 0,8-1,2cm, mặt trên bóng, màu lục, mặt dưới như có phấn mốc. Hoa nhỏ màu vàng trắng, tụ thành hình cầu, mọc ở kẽ lá hay đầu cành, trên một cuống dài, nở vào mùa Hạ. Quả dẹt, nhiều hạt. Rễ mập màu vàng nhạt, chất mềm, vị hơi đắng the, ngậm thấy khé họng.

Theo Đông y: Câu đằng có vị ngọt, tính hàn, vào 2 kinh Can và Tâm bào. Có tác dụng thanh nhiệt, bình can, trấn kinh. Thời xưa câu đằng thường được sử dụng chữa trẻ nhỏ kinh giản, người lớn bị nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt. Hiện nay thường được dùng làm thuốc trấn tĩnh, trấn kinh (chống co giật), chữa bệnh cao huyết áp thể "Can dương thượng cang", trẻ nhỏ kinh giật, khóc đêm, phụ nữ xích bạch đới. Ngoài ra nhân dân nhiều nơi còn dùng cây câu đằng làm nguồn chất chát để ăn trầu.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Thành phần có tác dụng hạ huyết áp chủ yếu trong câu đằng là Rhynchophiline. Cơ chế hạ huyết áp của câu đằng là, ức chế trung khu thần kinh vận mạch, chẹn thần kinh giao cảm và nút thần kinh, làm giãn mạch ngoại vi, khiến lực cản giảm và huyết áp hạ xuống. Câu đằng còn có tác dụng ức chế sự hưng phấn thần kinh giao cảm, gây hưng phấn trung khu hô hấp, chống rối loạn nhịp tim, bảo vệ tế bào não trong điều kiện thiếu ô-xy, chống hình thành huyết khối, ức chế cơ trơn, làm dịu sự co thắt của cơ trơn ở ruột và phế quản.

Trong điều kiện gia đình, bác có thể sử dụng câu đằng dưới dạng trà thuốc, để chữa bệnh cao huyết áp thay thế cho reserpin theo những cách sau:

    (1) Câu đằng 15-20g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Câu đằng 15g, kim ngân hoa 10g, bạc hà 6g, cúc hoa 10g; sắc uống trong ngày.

    (3) Câu đằng, cúc hoa - mỗi thứ 15g, kỷ tử 10g, trần bì 10g, cam thảo 3g; sắc uống trong ngày.

    (4) Câu đằng 15g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 8g, hạ khô thảo 8g; sắc uống trong ngày.

    (5) Câu đằng 15g, huyền sâm 10g, bạch truật 10g, ngưu tất 12g, đan bì 10g; sắc uống.

Câu đằng tuy là vị thuốc chuyên trị cao huyết áp thể "Can dương thượng cang", nhưng nếu phối hợp với những vị thuốc khác, cũng có thể dùng để chữa cao huyết áp thuộc loại  hình khác.

Lưu ý đặc biệt: Thành phần có tác dụng làm hạ huyết áp trong câu đằng sẽ bị phá hủy nếu đun sôi quá lâu. Vì vậy, khi sử dụng câu đằng để chữa cao huyết áp, không nên đun sôi quá 20 phút. Với 5 loại trà thuốc nói trên, chỉ cần đun sôi, sau đó giữ nhỏ lửa khoảng 5-10 phút là được.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]