Hỏi:
Tôi là một độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com. Tôi viết thư mong quý báo cho biết cách chế biến và công dụng của sừng hươu nai. Rất mong được nhiệt tình giúp đỡ.
Trần Trung, Thái Nguyên
Đáp:
Sừng hươu, nai còn gọi là gạc hươu, nai là nhung để già, cứng lên thành gạc hay sừng. Hàng năm vào cuối hạ, hươu nai cọ đầu vào cây cho sừng rụng.
Trong gạc hươu nai, huyết đã khô kiệt, chỉ còn trơ gạc sáng bóng, màu vàng hay hơi đỏ hoặc trắng ngà. Phần trên sừng nhẵn và nhọn, phần dưới sừng phình to, có nhiều u nhỏ tròn nổi lên. Về chất lượng, gạc lấy ở những con còn sống được coi là tốt hơn. Còn gạc tự rụng, nhặt ở rừng về, thuộc loại kém hơn.
• Sừng hươu cho ta 3 vị thuốc: Lộc giác, Lộc giác giao và Lộc giác sương.
1. Lộc giác:
- Là sừng hươu (hoặc sừng nai) được cưa thành từng khúc ngắn, phơi khô. Khi sử dụng thường sao vàng, hay tẩm với mật ong sao vàng, hoặc đốt qua, đốt thành than, sau đó tán thành bộ mịn.
- Theo Đông y: Lộc giác có vị mặn, tính ấm, vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng hành huyết, tiêu thũng, ích thận. Dùng chữa cơ thể suy nhược nặng, xương sống và thắt lưng đau nhức, các loại ung nhọt độc, các chứng đau nhức do ứ huyết, ...
2. Lộc giác giao:
- Còn gọi là "Bạch giao", "Lộc giao", ở Việt Nam thường gọi là "Cao ban long", "ban long" có nghĩa là con rồng có đốm.
- Theo Đông y: Lộc giác giao có vị ngọt mặn, tính ấm, vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ huyết, ích tinh. Dùng chữa thận khí bất túc, cơ thể gầy yếu suy nhược nặng; nam giới liệt dương, hoạt tinh; nữ giới tử cung hư lãnh không thụ thai được, băng lậu, đới hạ.
3. Lộc giác sương:
- Là bã sừng còn lại sau khi đã nấu cao. Một số người do không biết tác dụng của bã sừng, thường đổ bỏ đi hay chỉ để bón cây. Thực ra, trong bã sừng vẫn còn rất nhiều hoạt chất sinh học quý, có thể sử dụng để bồi bổ cơ thể và chữa nhiều loại bệnh.
- Theo Đông y: Lộc giác sương có tác dụng bổ hư (chữa suy nhược), trợ dương. Dùng để điều trị các chứng suy nhược, ho, ho lao, tiểu tiện ra huyết, đi tiểu ra tinh dịch (niệu tinh), mụn nhọt, ...
• Chế cao ban long: Nấu cao sừng hươu (cao ban long), cũng như các loại cao khác, là dùng nước đun sôi để chiết lấy các hoạt chất, sau đó lọc bỏ tạp chất và cô đặc lại. Để cao ban long có chất lượng tốt, cần chú ý một số vấn đề như sau:
1. Chọn sừng, sơ chế:
- Để nấu cao ban long, người ta thường chọn những loại sừng to, nặng 0,8-1kg mỗi sừng, mặt ngoài sừng có màu vàng đỏ là tốt. Những loại khác cho hiệu suất thấp và chất lượng của cao cũng kém.
- Trước khi nấu, cần đem sừng chất thành một đống, thường xuyên tưới nước để giữ ẩm; hoặc dùng bao tải sạch dấp nước đắp lên cho nước thấm vào sừng. Thường phải tẩm một đêm, để vỏ ngoài của sừng được mềm. Sáng hôm sau, đem cạo hết lớp có đốm đen ở ngoài sừng. Cạo xong đem cưa thành từng khúc dài 5-6cm, loại bỏ đế và xương trán.
- Tiếp đó chẻ sừng thành từng miếng nhỏ. Những miếng sừng có tủy đen cần bỏ đi, chỉ lấy những miếng có tủy trắng và vàng. Chẻ xong cho vào rổ (rá) rửa sạch 2-3 lần bằng nước lã, rồi phơi cho thật khô; ngày phơi nắng, tối phơi sương. Sau 2-3 ngày gạc trắng đẹp thì cho vào nấu.
2. Nấu cao:
- Cho 50kg sừng đã sơ chế vào thạp, đổ 5 lít rượu trắng vào trộn đều. Đậy kín thạp. Cứ nửa giờ lại trộn một lần. Chừng sau 3 giờ sẽ bắt đầu nấu. Trước khi cho sừng vào thạp, cần đặt một chiếc rọ tre đan vào giữa thạp, sau đó xếp sừng đã chẻ nhỏ vào chung quanh. Xếp như vậy để vừa nấu, vừa có thể múc nước cao ra được. Sau khi nhóm lửa, bắc thạp lên lò, đổ nước vào cho đủ ngập gạc chừng 7-10cm. Cần có sẵn một lò ở bên cạnh để đun nước sôi. Khi nước trong thạp cao bị cạn, thì cho thêm nước sôi vào. Đun cho đều lửa để giữ cho sôi đều. Sau khi nấu như vậy một ngày một đêm, thì múc nước ra; gọi là nước nhất. Nước múc ra được lọc qua vải lọc đặt trên chiếc phên đan bằng tre. Nước lọc hứng vào một chảo đồng to, để cô đặc. Khi cô dùng đũa tre to quấy đều, cho tới khi đưa thanh tre lên thổi vài ba hơi, thấy cao đóng cục không chảy nữa là được.
- Sau khi múc hết nước, lại đổ nước sôi vào thạp cho ngập gạc như trước và tiếp tục đun trong 24 giờ như trên. Múc nước ra lọc và cô lại sẽ được cao của nước nhì. Thường người ta nấu đến nước thứ ba, mỗi lần một ngày một đêm, tổng cộng 3 ngày, 3 đêm. Sau khi nấu lấy nước ba, đem cao của nước nhất và nước nhì thái thành từng miếng nhỏ, bỏ vào chảo có nước ba đánh cho tan, rồi cô thành cao.
- Giai đoạn cô cao quan trọng nhất, vì quyết định chất lượng của cả mẻ cao. Cần giữ lửa cho đều và nhỏ, cô đến khi cao để nguội không cứng quá mà cũng không mềm quá. Nếu cứng quá hiệu suất sẽ thấp, nhưng nếu mềm quá cao sẽ hay bị chảy và mốc. Sau khi cô xong, đổ cao ra khay đã bôi mỡ cho khỏi sát. Sau 1-2 ngày, bóc cao ra cắt thành từng miếng, nặng từ 70-100g (2-3 lạng ta), hiện nay thường cắt thành từng miếng 100g một. Nói chung, từ 100kg sừng có thể nấu được 20-25kg cao. Để tăng phẩm chất của cao, nhiều khi trong một thạp cao, người ta cho thêm vào một cặp nhung. Cao chế được gọi là "cao nhung" - giá gấp hai cao thường.
• Một số cách sử dụng tương đối đơn giản:
(1) Chữa phụ nữ bị khí hư, bạch đới: Lộc giác sao vàng, tán nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Nếu uống được rượu thì dùng rượu chiêu thuốc.
(2) Nhị long ẩm (bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông):
- Cao ban long 40g, long nhãn 40g; long nhãn cho vào nước sắc kỹ, vắt lọc lấy nước, cắt nhỏ cao ban long vào khuấy và đun cho tan; uống khi còn nóng.
- Tác dụng: Lãn Ông dùng thuốc này làm thuốc chữa các trường hợp mất ngủ, đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, khát nước, đại tiện táo bón, miệng lở, mắt vàng, ăn uống không được.
(3) Lộc giác sương phương:
- Lộc giác sương nghiền thành bột mịn, uống trước bữa ăn sáng và bữa chiều, lúc đói bụng, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu ấm.
- Tác dụng: Chữa các loại đau lưng, tiểu đêm nhiều, bàng quang lạnh.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.