Hỏi:
Gần chỗ tôi ở có rất nhiều cây "gai chống" còn gọi là "gai sầu", "gai yết hầu" ... mọc hoang. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, cây này có sử dụng làm thuốc được không? Tác dụng chữa những bệnh gì? Cách sử dụng?
Võ Minh Tâm, Núi Thành, Quảng Nam
Đáp:
Cây "gai chống" còn có tên là "gai ma vương", vì quả có gai, giẫm phải thường sinh bệnh, thối thịt, như bị "ma vương" ám vào. Tên khoa học của cây là Tribulus terrestris L. (T. lanuginosus L.).
Gai chống là loại cây bò lan trên mặt đất, nhiều cành dài 30-60cm. Lá mọc đối dài 2-3cm, kép lông chim lẻ, 5-6 đôi lá chét đều, phủ lông trắng mịn ở mặt dưới. Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống ngắn, 5 lá đài, 5 cánh hoa, 10 nhị, bầu 5 ô. Hoa nở vào mùa hè. Quả nhỏ, khô, gồm 5 vỏ cứng, trên có gai hình 3 cạnh, dưới lớp vỏ dày là hạt có phôi không nội nhũ.
Đông y thường sử dụng quả gai chống làm thuốc, gọi là "Tật lê" hoặc "Bạch tật lê". Vào các tháng 8-9, khi quả chín, đào cả cây hay cắt lấy phần trên, phơi khô, dùng gậy cứng đập cho quả rụng xuống, chọn lấy những quả già, phơi khô, để dùng làm thuốc.
Theo Đông y: Tật lê có vị dắng, cay, tính ấm, vào hai kinh Can và Phế. Có tác dụng bình can, tán phong, thắng thấp, hành huyết. Dùng chữa các bệnh đầu nhức, mắt đỏ, nhiều nước mắt, phong ngứa, tích tụ, tắc sữa. Trong dân gian, thường dùng tật lê chữa đau mắt, nhức vùng mắt, chảy nước mắt. Còn dùng làm thuốc bổ thận, trị dau lưng, gầy yếu, xuất tinh sớm, chảy máu cam, loét miệng, ... Mỗi ngày 12-16g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Một số cách sử dụng tương đối đơn giản:
(1) Chữa đau mắt: Cho 10-15g tật lê sống vào chén nước, đun sôi, hứng mắt vào hơi nước bốc lên để xông; ngày xông 2-3 lần, mỗi lần 3-5 phút.
(2) Chữa mụn cơm (mụn cóc): Dùng tật lê tươi, giã nát, đắp lên mụn cơm, sau đó dùng ngón tay xát đi xát lại trên mặt mụn, cho đến khi có cảm giác nóng rát và hơi đau thì ngừng; mỗi ngày hoặc cách ngày thay thuốc 1 lần.
(3) Chữa ngứa da: Dùng tật lê 100g, cam thảo 100g, ngâm trong 300ml cồn 75 độ trong 7 ngày, lọc bỏ bã; lấy cồn thuốc bôi vào những chỗ da bị ngứa ngày 2-3 lần.
(4) Chân răng chảy máu, răng lung lay, đau nhức: Tật lê nghiền mịn, xát nhiều lần vào chân răng.
(5) Chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng: Tật lê (sao vàng) 12g, đương quy 12g, nước 400ml, sắc còn 200ml; chia 2 lần uống trong ngày.
Lưu ý: Theo Đông y, tật lê "hữu tiểu độc" (hơi độc). Nếu để sống (không sao chế gì), thường chỉ dùng chữa bệnh ngoài da, không nên uống trong. Nếu uống trong, để chữa đau đầu, đầu choáng mắt hoa, tắc sữa, sưng vú, mắt đỏ đau, ... cần sao kỹ, loại bỏ gai, để làm giảm độc tính. Khi dùng để bồi bổ, chữa xuất tinh sớm, ... cần tẩm muối sao, để tăng tắc dụng bổ can thận.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.