Hỏi:
Tôi là một độc giả ham mê chuyên mục "Thuốc vườn nhà". Xin cho phép tôi được hỏi: Vườn nhà tôi có nhiều cây nghệ đen, nhưng tôi không biết dùng để chữa bệnh gì và chế biến thế nào? Nay tôi viết thư cho "Thuốc vườn nhà", mong được chỉ dẫn giúp về vấn đề này.
Đình Lâm, Hà Nội
Đáp:
Nghệ đen
Cây nghệ đen còn có tên là "nghệ xanh", "nghệ tím", "ngải tím", "tam nại", "bồng truật", "hắc tâm khương" (gừng lõi đen), ... tên khoa học là Curcuma zedoaria. Rosc. (Curcuma zerumbet Roxb.); thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Nghệ đen là một loại cỏ (thảo), cao chừng 1-1,5m, có thân rễ hình nón, có khía chạy dọc; củ tỏa ra theo hình chân vịt, cây mẫm và chắc. Vỏ củ màu vàng nhạt; ngoài những củ chính ra, còn có những củ phụ, có cuống hình trứng hay hình quả lê, màu trắng. Lá có bẹ ôm vào thân cây ở phía dưới, dài 30-60cm, rộng 7-8cm, dọc theo gân chính giữa có những đốm màu đỏ, cuống lá ngắn hay hầu như không có. Cụm hoa mọc ngang, dài 15-20cm, thường xuất hiện trước khi ra lá, bao gồm một cuống dài 15-20cm. Lá bắc phía dưới hình trứng hay hình mác tù, màu xanh lục nhạt, mép đỏ; lá bắc phía trên màu vàng nhạt, đầu lá màu đỏ, không mang hoa. Hoa màu vàng. Đài có thùy hình mác tù, dài 15mm, thùy giữa nhọn; cánh môi hẹp ở phía dưới, hơi mở rộng ở phía trên.
Cây nghệ đen mọc hoang và được trồng ở Việt Nam để làm thuốc. Còn mọc ở Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Đài Loan, Vân Nam - tức là những vùng gần Việt Nam), Xrilanca và những nước nhiệt đới khác.
Củ thu hoạch vào mùa Đông. Khi thu hái, cắt bỏ rễ con, đồ chín rồi phơi khô. Có khi thái mỏng rồi mới phơi khô, lại có khi trước lúc thái mỏng, đem củ ngâm giấm (600g nghệ đen ngâm trong 160g giấm, 160g nước), đun cho đến cạn, đem ra thái mỏng, rồi phơi khô.
Nghệ đen - nga truật, là một vị thuốc được dùng cả trong Đông y và Tây y.
Theo Đông y: Nghệ đen có tác dụng tán huyết ứ, hành huyết trệ, tiêu tích hòn, thông kinh bế, lợi tràng vị, trừ thấp nhiệt. Dùng chữa ngực bụng đau tức, ăn uống không tiêu. Còn có tác dụng chữa ho, kinh nguyệt bế không đều.
Cách dùng và liều dùng: Sắc uống 3-15g; chế với giấm có thể tăng cường tác dụng khư ứ chỉ thống; dùng ngoài lượng thích hợp.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai và kinh nguyệt quá nhiều kiêng dùng.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng nghệ đen:
(1) Điều hòa kinh nguyệt: Dùng nghệ đen 15g, ích mẫu 15g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa hành kinh máu đông thành cục, thấy kinh đau bụng, hoặc rong kinh, huyết rỉ ra đặc dính.
(2) Chữa u, hạch, tích tụ: Dùng nghệ đen, ngưu tất, củ rẻ quạt - mỗi vị 10g; sắc uống.
(3) Chữa tích trệ: Dùng nghệ đen 6g, hột muồng trâu 4g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ cam tích, biếng ăn, bụng căng, ỉa lắt nhắt, phân thối khẳn; hoặc người lớn đau dạ dày, táo bón, ợ hơi.
(4) Chữa đau bụng: Dùng nghệ đen 200g, mộc hương 100g; tán nhỏ; mỗi lần uống 2g với nước giấm nhạt. Có tác dụng chữa bỗng dưng đau bụng do nhiễm lạnh, hoặc bụng thường chợt đau từng cơn.
(5) Nga truật tán: Dùng nghệ đen 8g, xuyên khung 5g, thục địa 10g, bạch thược 10g, bạch chỉ 10g; tất cả tán mịn, trộn đều; ngày uống 3 lần, mỗi lần 9g, chiêu thuốc bằng nước muối nhạt. Có tác dụng chữa bụng đau do bế kinh, đới hạ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.