Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Củ thiên môn hỗ trợ chữa lao phổi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/04/2015 07:24 SA

Hỏi:

Sân vườn nhà tôi có trồng cây thiên môn làm cảnh đã từ nhiều năm. Khi xới đất làm cỏ, tôi thấy ở dưới gốc có rất nhiều củ. Tôi nghe nói, củ thiên môn chữa ho khan, ho ra máu ở những người bị lao phổi rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết thêm về những tác dụng chữa bệnh của củ thiên môn và hướng dẫn cho cách sử dụng để chữa ho ra máu. Xin trân thành cảm ơn và mong được hồi âm sớm.

Lê Duy Thông, Hà Tĩnh

Đáp:

thiên môn đông, thiên đông, dây tóc tiên, co sin sương, sùa sú tung, Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. (Asparagus lucidus Lindl.), họ Hành tỏi, Liliaceae

Thiên môn

Thiên môn đông còn có tên là "thiên đông", "dây tóc tiên", "co sin sương" (đồng bào Thái), "sùa sú tung" (H’Mông), ... tên khoa học là Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. (Asparagus lucidus Lindl.), thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).

Thiên môn là một loại dây leo, mọc thành bụi, sống lâu năm. Thân mang nhiều cành 3 cạnh, dài nhọn, biến đổi, trông như lá. Lá (thật) rất nhỏ trông như vẩy. Mùa Hạ ở kẽ lá mọc hoa trắng nhỏ. Quả là một quả mọng màu đỏ khi chín. Dưới gốc, có rất nhiều rễ củ hình thoi mẫm.

Thiên môn mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta. Thường trồng để lấy rễ của làm thuốc hoặc để làm cảnh.

Để làm thuốc, vào tháng 9-10, người ta đào rễ về, tẩm nước cho mềm (hay đồ chín cho mềm) rồi rút bỏ lõi, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Cần chú ý không tẩm nước quá lâu, sẽ giảm chất lượng, tác dụng kém. Rễ củ lúc đầu có vị ngọt, sau hơi đắng. Loại củ béo mẫm, vàng là thuộc loại tốt.

Củ thiên môn là vị thuốc bổ âm kinh điển trong Đông y học.

Theo Đông y: Thiên môn có vị ngọt đắng, tính hàn; vào 3 kinh Phế, Thận và Vị. Có tác dụng dưỡng âm, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đờm. Dùng chữa phế ung hư lao, thổ huyết, ho ra máu, tiêu khát, nhiệt bệnh tân dịch hao tổn, tiện bí.

Dân gian thường sử dụng làm thuốc bổ, chữa ho, lợi tiểu tiện, chữa sốt, ...

Liều dùng từ 10g-15g một ngày; dưới dạng thuốc sắc hoặc nấu thành cao.

Kiêng kỵ: Những người tỳ vị hư hàn, tiết tả không dùng được.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Thiên môn đông cao: Củ thiên môn chần qua nước sôi, bóc bỏ vỏ, phơi khô, bổ đôi bỏ lõi, giã nhuyễn; cho vào nồi đất, nấu thành hồ loãng, lọc lại, thêm mật ong vào, trộn đều, nấu cho quánh lại; ngày uống 3 lần, mỗi lần 9-15g, chiêu bằng nước sôi hoặc bằng rượu. Có tác dụng nhuận phế, bổ phế; dùng hỗ trợ trị liệu đối với những người mắc bệnh lao phổi, có những biểu hiện "âm hư táo nhiệt".

    (2) Chữa ho đờm, thổ huyết, hơi thở ngắn: Dùng thiên môn 500g, mạch môn 500g, ngũ vị tử 50g; sắc lấy nước, cô đặc thành cao, luyện với mật làm viên; mỗi ngày uống 4-5g. Hoặc hàng ngày dùng thiên môn 10g, mạch môn 10g, ngũ vị tử 5g; sắc nước uống. Có tác dụng dưỡng âm, nhuận phế; chữa ho đờm, ho ra máu ở những người mắc bệnh lao phổi.

    (3) Tam tài thang: Nhân sâm 4g, thiên môn đông 10g, thục địa 10g, nước 600ml; sắc còn 200ml; chia làm 3 lần uống trong ngày. Có tác dụng bổ toàn thân, bổ tinh khí.

    (4) Miệng lở loét lâu năm: Thiên môn, mạch môn đều bỏ lõi, huyền sâm - cả 3 vị bằng nhau; tán nhỏ, luyện với mật, viên bằng hạt táo; mỗi lần ngậm 1 viên.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]