Hỏi đáp

Tác dụng chữa bệnh của con đỉa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/09/2012 09:09 CH

Hỏi:

Thời gian gần đây, chung quanh con đỉa có rất nhiều tin đồn đáng sợ. Tuy nhiên, tôi cũng nghe một số người nói, con đỉa có thể dùng làm thuốc. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, con đỉa có độc không? Có thể dùng để chữa bệnh gì?

Nguyễn Hải, Hà Nội và một số bạn đọc khác

Đáp:

con đỉa, đỉa xám, Hirudo medicinalis L., đỉa xanh lục, Hirudo offcinalis Mop., đỉa trâu, Hirudo troctina Mop., thủy điệt tục, thủy điệt, mã hoàng

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Đỉa dùng làm thuốc có nhiều loài, nhưng thông dụng nhất là 3 loài - đỉa xám (Hirudo medicinalis L.), đỉa xanh lục (Hirudo offcinalis Mop.) và đỉa trâu (Hirudo troctina Mop.).

Đỉa là một trong số những vị thuốc thuộc loại cổ nhất của Đông y. Tác dụng chữa bệnh của đỉa được ghi chép đầu tiên trong sách "Thần Nông bản thảo kinh", bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y Trung Quốc, thành thư cách nay đã 2000 năm.

Sách thuốc kinh điển ở nước ta cũng có những ghi chép về tác dụng làm thuốc của đỉa:

    - Như sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ tĩnh viết: Thủy điệt là con đỉa. Khi dùng phơi khô, xắt thật nhỏ, sao vàng sậm mà dùng. Vị mặn, tính lạnh, có độc; có tác dụng phá hòn cục, tiêu tích, trị kinh bế, mụn nhọt, phong lở, lợi tiểu tiện.

    - Còn sách "Lĩnh Nam bản thảo" của Hải Thượng Lãn Ông viết:

                "Thủy điệt tục gọi là con đỉa

                Vị mặn tính bình, lại độc thay.

                Phá trưng tiêu tích, nguyệt kinh bế,

                Nhiệt độc, phong lở, lợi thủy hay."

Vị thuốc từ con đỉa, trong Đông y gọi là "thủy điệt" hoặc "mã hoàng". Trong sách thuốc Đông y hiện đại, thủy điệt được xếp trong nhóm thuốc "Phá huyết tiêu trưng", thuộc loại thuốc "Hoạt huyết hóa ứ", cùng với những vị thuốc như tam lăng, nga truật, ban miêu, xuyên sơn giáp, ...

Để sử dụng làm thuốc, người ta thường bắt đỉa vào các tháng cuối hè và mùa thu. Đỉa bắt về rửa sạch, cho vào nước sôi, đỉa chết đem phơi hoặc sấy khô, gọi là "sinh thủy điệt"; thường cho vào vại cùng vôi bột hoặc cùng hoa tiêu, đặt ở nơi khô mát, để khỏi bị mọt. Khi dùng nghiền mịn, hoặc nướng vàng, hoặc bào chế theo nhiều cách, tùy theo mục đích chữa bệnh, như chế với giấm (thố chế), với mật ong, ...

Theo Đông y: Thủy điệt có vị mặn, đắng; tính bình, có độc; đi vào kinh Can. Có tác dụng phá huyết (hoạt huyết mạnh, làm tan huyết khối), trục ứ. Chủ trị kinh bế, trưng hà tích tụ, tổn thương do đòn ngã, ...

Từ xưa, Đông y đã biết đỉa là một vị thuốc có độc, nên chỉ sử dụng với liều nhỏ: Sắc uống chỉ dùng từ 3-6g; sấy khô nghiền mịn uống chỉ dùng 0,3-0,5g/một lần.

Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": Quanh miệng con đỉa có những tuyến nước bọt tiết ra chất hirudin có tác dụng làm cho máu không đông lại. Hirudin là một chất men có trọng lượng phân tử khoảng 20.000, tan trong nước, trong nước muối sinh lý, không tan trong cồn, ête, axêton, gồm rất nhiều axit amin hợp thành... Người ta dùng đỉa làm nguyên liệu chiết men hirudin dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu hay đông tắc, viêm mang bao tim, trĩ, tụ máu nội tạng, tụ máu ở các vết thương, ...

Theo các tài liệu của Trung Quốc, những năm gần đây, trên lâm sàng đỉa thường được sử dụng để chữa trị các bệnh tim mạch đạt kết quả tốt. Xin đơn cử một vài ví dụ:

    (1) Chữa chứng mỡ máu cao: Dùng bột đỉa sấy khô; mỗi tối uống 3-5g, dùng nước sôi chiêu thuốc; liệu trình 30 ngày.

        Theo tạp chí "Tân trung y": Đã thử nghiệm điều trị 25 ca. Sau khi uống thuốc, các chứng trạng như váng dầu, nặng ngực, hồi hộp, đau ngực đều mất hoặc giảm. Thuốc có tác dụng hạ mỡ máu rất tốt, đặc biệt tỷ lệ hạ triglycerid rất cao. Đối với chức năng gan, thận, hồng cầu, huyết sắc tốt, thời gian đông máu, đều không có ảnh hưởng.

    (2) Chữa xuất huyết não: Dùng thủy điệt phấn (đỉa sấy khô tán mịn); ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g; liệu trình 1 tháng.

        Thử nghiệm chữa 48 ca xuất huyết não: Khỏi hoàn toàn 16 ca, có hiệu quả rõ rệt 20 ca, chuyển biến tốt 8 ca, tử vong 4 ca (Theo "Trung y tạp chí").

    (3) Chữa viêm tắc mạch máu: Dùng sinh thủy điệt 4 phần, địa long (giun đất) 1 phần; cùng tán mịn, trộn đều; mỗi lần uống 3-5g, ngày 3 lần, uống sau bữa ăn, chiêu bằng nước ấm đã đun sôi.

        Thử nghiệm điều trị 11 ca viêm tắc tĩnh mạch chân, đạt kết quả hết sức khả quan (Theo "Tứ Xuyên Trung y").

Nhân tiện xin nói thêm:

    - Con đỉa cấu tạo bởi 33 đốt. Có mắt ở mặt lưng và giác miệng ở phần bụng. Phần đầu đỉa gồm 4-5 đốt, sau phần đầu là phần trước đai, gồm 4-5 đốt. Tiếp đó là đai sinh dục gồm 3 đốt, có lỗ sinh dục ở mặt bụng, ...

    - Đỉa là loài động vật lưỡng tính: Trứng phát triển trong kén, do đai sinh dục tiết ra. Nếu cắt đỉa ra nhiều khúc, trong môi trường thuận lợi, chỉ có khúc có đai sinh dục, chứa  trứng, mới có khả năng phát triển thành những con đỉa khác,...

    - Đỉa đã tán thành bột mịn, trứng đã bị phá hủy, thì nói chung không thể tái sinh.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]