Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng cải lão hoàn đồng của Quả hòe

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/01/2012 08:23 CH

Hỏi:

Tôi đọc cuốn sách "Liệu pháp ăn uống phòng trị bệnh cho người già", trang 181 có toa thuốc "Trà hoàn đồng", ghi là: hòe giác (quả hòe) vừa đủ dùng, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-3g hòe giác với nước sôi để nguội. Uống lâu ngày có tác dụng bổ thận, sáng mắt, chống béo phì, lão suy, nên có tên là "hoàn đồng trà". Xin được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn về cách bào chế và sử dụng hòe giác. Vì hàng ngày tôi vẫn uống trà "cúc hòe", cảm thấy rất tốt. Mà quê tôi lại trồng rất nhiều hòe, dùng nụ hoa không hết, quả còn lại trên cây để chín khô đen ... 

Ông V.,  Ba Đình, Hà Nội

Đáp:

hòe mễ, hòe hoa, quả hòe, hòe giác, thiên đậu, hòe thực, hòe tử, cửu liên đăng

Hoa hòe và quả hòe đều là những vị thuốc thanh nhiệt và chỉ huyết (cầm máu) đã được sử dụng từ lâu đời trong Đông y học. Trong sách thuốc, nụ hòe thường gọi là "hòe mễ", hoa mới nở gọi là "hòe hoa". Quả hòe thường gọi là "hòe giác", còn có những tên khác như "thiên đậu", "hòe thực", "hòe tử", "cửu liên đăng", ...

Về mặt lịch sử, quả hòe được sử dụng làm thuốc sớm hơn hoa hòe. Tác dụng chữa bệnh của hòe giác được ghi chép sớm nhất trong sách "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y học (viết thời Tần Hán cách đây hơn 2000 năm). Hòe hoa được sử dụng làm thuốc muộn hơn rất nhiều (khoảng từ thời nhà Tống cách đây khoảng 1000 năm) mới bắt đầu thấy có những ghi chép về tác dụng chữa bệnh của hoa hòe. Hiện tại hoa hòe được sử dụng nhiều hơn, nên người ta cũng biết rõ về tác dụng chữa bệnh của hoa hòe hơn là quả hòe.

Nụ hòe (hòe mễ), hoa hòe (hòe hoa) và quả hòe (hòe giác) có tác dụng gần như tương đồng, nhưng cũng có một số khác biệt nhất định.

Về mặt tính năng theo Đông y:

    - Hòe mễ và hòe hoa có vị đắng, khí mát (tính mát). Có tác dụng lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu), thanh can (trừ nhiệt ở tạng can). Thường dùng chữa các chứng xuất huyết như tiện huyết (đại tiện xuất huyết), trĩ huyết (trĩ xuất huyết), lỵ huyết (kiết lỵ phân lẫn máu), băng lậu, thổ huyết, khạc huyết, nục huyết (chảy máu cam), can nhiệt mục xích (mắt đỏ do tạng can nóng), đầu thống huyễn vựng (đau đầu choáng váng), còn dùng để dự phòng trúng phong (tai biến mạch máu não).

    - Hòe giác có vị đắng, khí hàn (tính lạnh). Có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, nhuận can, thanh nhiệt tả hỏa. Thường dùng chữa trường phong tả huyết (viêm ruột ỉa chảy phân lẫn máu), trĩ huyết, băng lậu, huyết lâm (tiểu tiện nhỏ giọt lẫn máu), huyết lỵ, tâm hung phiền muộn (vùng tim ngột ngạt khó chịu), phong huyễn dục đảo (choáng váng muốn ngã lăn), âm sang thấp dương (lở ngứa ở hạ bộ).

Hiện tại y gia nói chung cho rằng, tác dụng lương huyết (mát máu) và chỉ huyết (cầm máu) của hòe hoa và hòe mễ mạnh hơn hòe giác. Nhưng tác dụng thanh nhiệt tả hỏa và giáng huyết áp của hòe giác mạnh hơn hòe hoa (hòe mễ).

Hòe hoa và hòe giác còn khác biệt về "khí": Hòe hoa khí mát, còn hòe giác khí hàn. Do đó về vấn đề kiêng kỵ cũng không giống nhau. Theo y thư cổ, đối với hòe mễ và hòe hoa, người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa suy yếu do hàn) cần thận trọng trong khi sử dụng. Trong khi đó đối với hòe giác, người tỳ vị hư hàn và phụ nữ có thai thì không nên dùng (kỵ dụng). "Kỵ dụng" nên hiểu là không dùng độc vị, trường hợp cần thiết vẫn có thể sử dụng nhưng cần phối hợp với các vị thuốc khác.

Theo các nghiên cứu về dược lý hiện đại, hòe mễ, hòe hoa và hòe giác đều có tác dụng tốt với hệ tim mạch: Tăng sức co bóp của cơ tim, giảm nhịp tim, giảm lượng ô-xy tiêu hao của cơ tim, tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, tăng độ bền của thành mạch, dự phòng tai biến mạch máu não, ...

Như vậy, tác dụng "hoàn đồng" của hòe hoa (hòe mễ) và hòe giác cần hiểu là: Kiềm chế quá trình lão hóa trên cơ sở cải thiện chức năng hệ tim mạch, dự phòng và chữa trị một số chứng bệnh.

Trong y thư cổ, thường nói tới tác dụng kéo dài tuổi xuân của hòe giác. Thí dụ, sách "Danh y biệt lục" viết: "Cửu phục minh mục ích khí, đầu bất bạch, diên niên" - nghĩa là uống lâu sáng mắt, tăng sức lực, tóc không bạc, kéo dài tuổi thọ. Sách "Phổ tế phương" viết: "Hái quả hòe, bóc bỏ vỏ, nhét hạt vào mật bò, âm can (phơi trong bóng mát) 100 ngày. Mỗi ngày lúc tảng sáng bụng đang đói, ăn một hạt. Dùng lâu ngày tóc bạc biến thành đen, răng đã rụng lại mọc răng mới, nhẹ người, kéo dài tuổi thọ". Sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân có ghi lại trường hợp: "Có người tên là Dữu Kiên Ngô thường ăn trái hòe, tuổi đã ngoài 70 râu tóc vẫn đen, mắt vẫn đọc được chữ nhỏ li ti". Sách "Bản kinh phùng nguyên" viết: "Hòe giác có tác dụng "ích thận thanh hỏa, uống lâu râu tóc không bạc". Có điều trong các kết quả nghiên cứu hiện đại, chưa thấy có cứ liệu khẳng định tác dụng "hoàn đồng" đặc biệt của hòe giác so với hòe hoa và hòe mễ.

Về cách chế biến và sử dụng hòe giác: Khi quả chín, hái về bỏ cuộng và tạp chất, phơi hoặc sấy khô, bảo quản nơi khô mát. Khi dùng bóc bỏ vỏ, lấy nhân (hạt) bên trong. Khi dùng với mục đích thanh nhiệt tả hỏa thì để sống; để cầm máu thì sao tồn tính (ngoài cháy đen trong vẫn còn nguyên màu thuốc).

Một số bài thuốc có sử dụng hòe giác:

(1) Hòe tử ẩm:

    - Hòe giác một lượng đủ dùng; mỗi ngày dùng 8-10g, giã vụn, hãm nước uống thay trà trong ngày; hoặc tán thành bột mịn, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1-3g bột thuốc, hòa với nước đã đun sôi. Phụ nữ và người tỳ vị hư hàn kỵ dùng.

    - Tác dụng: Phòng xơ vữa động mạch ở người cao tuổi, chữa cao huyết áp, bệnh mạch vành tim, thần kinh suy nhược, viêm gan (Ích thọ trung thảo dược tuyển giải).

(2) Nhất túy bất lão đan:

    - Hòe giác, liên tu (tua nhụy hoa sen), sinh địa hoàng, ngũ gia vì - mỗi thứ 60g; tất cả các vị thuốc cho vào trong cối đá dùng chày gỗ giã vụn, dùng vải lụa bọc lại ngâm trong 5 lít rượu trắng. Mùa đông, mùa xuân ngâm 1 tháng; mùa thu 20 ngày; mùa hạ 10 ngày. Ngâm đủ số ngày, rót ra uống tùy hứng, tới khi ngà ngà say, chú ý uống hàng ngày cho hết rượu.

    - Tác dụng: Làm đen tóc và kéo dài tuổi thọ (Y Giám).

(3) Chữa ung thư đại tràng:

    - Dùng hòe giác 15g, mã xỉ hiện (rau sam) 15g, tiên hạc thảo (Agrimonia nepalensis D. Don) 15g, bạch anh (cây "cà đắng ngọt" - Solanum lyratum Thunb.) 15g, hoàng tinh 15g, câu kỷ tử 15g, kê huyết đằng 15g, hoàng kỳ 30g; sắc nước uống mỗi ngày một thang.

    - Tác dụng: Chữa ung thư đại tràng (Kháng thũng lựu trung dược đích lâm sàng ứng dụng).

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]