Hỏi:
Tôi nghe nói, hiện tại rất nhiều loại tân dược chữa các bệnh tim mạch đều sử dụng lá cây ngân hạnh để làm nguyên liệu chính. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết: Cây ngân hạnh có hình dạng như thế nào, thường mọc ở đâu và trong điều kiện gia đình có thể sử dụng ngân hạnh để chữa bệnh như thế nào?
Nguyễn Hoàng Long, Yên Châu, Sơn La
Đáp:
Cây ngân hạnh mọc hoang và được trồng ở một số tỉnh miền núi nước ta.
Cây còn có tên là "công tôn thụ", "áp cước thụ", "áp cước tử", "phi nga
thụ", "phi nga tử", "bạch quả", "hoạt hóa thạch", tên khoa học là
Ginkgo biloda, thuộc họ bạch quả Ginkgoaceae.
Ngân hạnh là cây
to, cao 20-30m, cành dài, gần như mọc vòng. Trên cành có những nhánh
ngắn, mang lá cuống dài, phiến lá hình quạt, mép phía trên tròn, giữa
hơi lõm chia phiến lá thành 2 thùy tựa như chân con vịt, nên có tên là
"áp cước thụ" (cây chân vịt). Hạt (tử) dùng làm thuốc nên còn gọi là "áp
cước tử". Hoa nở vào tháng 4-5. Hoa đực có cuống nhụy ngắn, mọc thành
từng bó 4-6 bông, rủ xuống. Hoa cái có cuống dài, noãn lộ ra ngoài. Quả
chín vào tháng 10. Quả ngân hạnh tựa như quả mơ, nhưng bên ngoài có lớp
phấn trắng như bạc phủ kín. Cho nên mới gọi là "ngân hạnh" (trái mơ
trắng như bạc) hoặc là "bạch quả" (quả màu trắng).
Thực ra,
dưới giác độ thực vật học, gọi là "ngân hạnh" hay "bạch quả" đều không
chính xác. Quả ngân hạnh, nhìn bề ngoài tựa như quả mơ, nhưng thực ra
lại khác hoàn toàn. Vì "bạch quả" thực chất không phải là "quả". Khi ăn
quả mơ, ta chỉ ăn phần "thịt" và bỏ phần "hạt", còn "bạch quả" hoàn toàn
là "hạt". Cho nên, ăn bạch quả, thực chất là ăn "hạt", vì chỉ có "hạt"
mà không có "thịt quả". Mơ thuộc loại thực vật "quả đóng" (bế tử), còn
ngân hạnh thuộc loài thực vật "quả trần" (khỏa tử), tương tự như tùng,
thông, ... Trong loài quả trần, bộ phận sinh sản cái (noãn) và hạt lộ
ngay ra ngoài, không đóng kín như loài quả đóng. Hạt ngân hạnh trông rất
giống quả hạch, như đào, mơ, mận; bên ngoài cũng có một lớp "thịt",
nhưng thực ra đó là lớp vỏ ngoài của hạt.
Đông y cổ truyền thường dùng quả, ít khi dùng lá.
Theo Đông y:
Bạch quả có tính bình, vị đắng ngọt. Có tác dụng liễm phế, định suyễn,
chỉ di niệu, bạch đới, ... Dùng chữa các chứng ho, hen, viêm khí quản
mạn tính, lao phổi, đi tiểu nhiều lần, đái dầm, đái són, tiểu tiện không
tự chủ, di tinh, bạch đới, ... Dùng bên ngoài để trị lở ngứa. Thời xưa,
khi còn chế độ khoa cử cũ, trước khi đi thi sĩ tử thường luộc một số
bạch quả, ăn để ngăn chặn tiểu tiện khi vào phòng thi.
Tác dụng chữa bệnh của ngân hạnh được ghi chép sớm nhất trong "Nhật dụng bản thảo"
của Ngô Thụy (một thầy thuốc Trung Hoa, sống cách nay hơn 6 thể kỷ).
Hiện tại, ở các nước Âu Mỹ, cao lá ngân hạnh thường được sử dụng dưới
dạng thuốc ống hay viên nang, với mục đích dự phòng và phục hồi đột qụy,
phòng ngừa nghẽn động mạch vành tim, phòng suy giảm tuần hoàn não, chữa
giãn tĩnh mạch và viêm nghẽn tĩnh mạch, ...
Ngân hạnh vốn là
một vị thuốc của Đông y, nhưng hiện nay được sử dụng trong Tây y nhiều
hơn. Với người phương Tây, "Ginko bibola" đã trở nên hết sức quen thuộc,
vì mỗi tháng có hàng triệu bệnh nhân được các bác sĩ kê những đơn thuốc
chế từ ngân hạnh.
Trong điều kiện gia đình, có thể dùng ngân hạnh để chữa trị một số bệnh thường gặp như sau:
(1) Chữa cảm lạnh, ho có đờm, thở suyễn, cổ có tiếng khò khè: Bạch quả bọc trong lá ngải cứu nướng chín; ngày ăn 3-4 quả.
(2) Chữa đi đái luôn, tiểu tiện quá nhiều, nước tiểu trắng đục: Bạch quả 10 quả 5 để sống, 5 nướng chín; gom cả hai thứ vào ăn trong ngày.
(3) Chữa mộng tinh: Dùng bạch quả 3-5 hạt, đun với rượu; uống liền 4-5 ngày.
(4) Trị đới hạ (khí hư, huyết trắng): Dùng bạch quả, khiếm thực, sơn dược, xa tiền tử - mỗi vị 9g; sắc uống 2 lần trong ngày.
(5) Chữa sơn ăn gây sưng, ngứa: Dùng lá ngân hạnh và lá kim ngân - 2 thứ bằng nhau, đun nước rửa.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.