Hỏi:
Khoảng giữa năm 2013, tôi có viết thư hỏi "Thuốc vườn nhà" về tác dụng của cây lan gấm, mà những người khai thác gọi là "cây kim cương"; và đã được "Thuốc vườn nhà" giải đáp cụ thể. Gần đây, tôi phát hiện thấy, ngoài cây lan gấm trên, còn một loại lan lá gấm khác, thân không bò lan mà mọc đứng, cao đến vài chục phân, bị khai thác đem bán sang Trung Quốc. Tôi rất muốn biết loài cây lan gấm mọc đứng này, có những tác dụng gì? Rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.
Đào Thế Vinh, Tây Hồ, Hà Nội
Đáp:
Lan gấm đất cao
Thứ cây bạn hỏi, trong sách thuốc ở nước ta thường gọi là "lan gấm đất cao"; trong sách thuốc Trung Quốc, cây có tên là "thạch phong đan", "thạch phượng đan", "lan hoa thảo", "hổ đầu tiêu", "thạch tiêu", "khê tiêu", "quan âm trúc", "truy phong thảo", "sơn thạch trúc", "tế ba tiêu", "tiểu ba tiêu", ... tên khoa học là Goodyera procera (Ker- Gawl.) Hook., thuộc họ Lan (Orchidaceae).
Lan gấm đất cao cao đến 50cm; mang lá từ gốc lên đến giữa thân. Lá có phiến thon nhọn, dài 10-15cm. Cụm hoa gần như dạng bông hẹp, mang hoa xếp dày đặc, dài 2-4cm. Lá đài giữ dính với cánh hoa làm thành mũ; môi dài 2mm, gốc có u, gần như 3 thùy, có lông mặt trong; bầu không lông, dài 4-5mm.
Loài cây này phân bố rộng; từ Xri Lanca, Ấn Độ, Miama, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippin, Inđônêxia, ... đến các nước Đông Dương. Ở nước ta, cây mọc rải rác trong các rừng ẩm thưa, nhiều mùn, từ Bắc chí Nam; từ vùng núi cao, đến các vùng trung du, đồng bằng; có thể gặp từ Lào Cai, Hà Giang, qua Thừa Thiên Huế, tới Ninh Thuận.
Để làm thuốc, sử dụng toàn cây (phần trên mặt đất và rễ); có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa Đông.
Theo Đông y: Lan gấm đất cao có vị đắng cay (khổ tân), tính ấm (ôn), không độc; vào 2 kinh Túc quyết âm Can và Thủ thái âm Phế. Có công năng hành khí hoạt huyết, khư phong trừ thấp, dưỡng huyết thư cân, chỉ khái bình suyễn, ... Chủ trị phong hàn thấp tý (đau nhức, hạn chế vận động do phong hàn), than hoán (liệt), bán thân bất toại (liệt nửa người), điệt đả tổn thương (đòn ngã tổn thương), khái suyễn (ho suyễn), vị thống (đau dạ dày), thủy thũng (phù thũng).
Cách dùng và liều dùng: Sắc nước uống từ 9-15g; hoặc ngâm rượu uống.
Nghi kỵ: Phụ nữ có thai kỵ dùng.
Ở nước ta, lan gấm đất cao chủ yếu được trồng để làm cảnh, còn ít được sử dụng làm thuốc. Tại Trung Quốc, cây được sử dụng chữa viêm khí quản, viêm phế quản, háo suyễn (hen suyễn), phong thấp đau xương tê liệt, viêm nhiễm đường niệu, đau dạ dày.
Đặc biệt thường được sử dụng để chữa liệt nửa người (bán thân bất toại), di chứng do tai biến mạch máu não.
Cách sử dụng chữa liệt nửa người (thiên than) như sau: Dùng lan gấm đất cao 9-15g, thiên ma 12g, ngưu tất 12g, thịt bò 500g; hành, gừng tươi, muối tinh, mì chính, lượng thích hợp; các vị thuốc rửa sạch, nghiền nhỏ, cho vào túi lụa, buộc kín lại; thịt bò rửa sạch, thái lát, cùng túi thuốc cho vào nồi đất; đặt hành cắt khúc, gừng thái lát lên trên, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa đến khi thịt bò chín nhừ; bỏ hành, gừng và túi thuốc ra, thêm muối tinh, mì chính vào là được; dùng làm thức ăn trong bữa ăn.
Món ăn - Bài thuốc này có tác dụng khư phong trừ thấp, dưỡng huyết thư cân; ngoài sử dụng chữa bán thân bất toại, còn có thể sử dụng để chữa đau nhức, tê bì do phong thấp (Theo "Trúng phong hậu di chứng - Gia đình điều dưỡng").
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.