Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Vừng đen có tác dụng xúc tiến đông máu?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/12/2014 04:50 SA

Hỏi:

Trong bài viết "Hạt vừng đen: Cường thân kháng lão" đã được đăng tải trên "Thuốc vườn nhà", có nói về tác dụng của hạt vừng đen là cải thiện tuần hoàn máu, phòng trị bệnh xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não. Tuy nhiên trong bài này lại có câu "vừng đen cũng là một loại thuốc xúc tiến đông máu". Vậy "xúc tiến đông máu" nghĩa là thế nào? Có thể hiểu "xúc tiến đông máu" là nó tạo điều kiện cho việc đông máu được dễ dàng? Đề nghị lương y Huyên Thảo giải thích giúp điều này. Xin chân thành cám ơn.

Nguyễn Tuấn, Cần Thơ

Đáp:

vừng, hạt vừng, hạt vừng đen

Về tác dụng xúc tiến đông máu của vừng đen, trong bài viết mà bạn đề cập, "Thuốc vườn nhà" đã viết nguyên văn như sau: "Vừng đen cũng là một loại thuốc xúc tiến đông máu, có tác dụng điều trị nhất định đối với bệnh tử điến do giảm tiểu cầu (thrombocytopenic purpura)".

Tác dụng xúc tiến đông máu - chữa bệnh tử điến do giảm tiểu cầu của vừng đen được ghi chép trong nhiều bộ sách về dinh dưỡng học. Tài liệu mà "Thuốc vườn nhà" sử dụng ở đây là sách "Doanh dưỡng bách khoa" do Hội dinh dưỡng thành phố Thượng Hải biên soạn, Trung Quốc Đại Bách khoa toàn thư Xuất bản xã, Thượng Hải phân xã, ấn hành năm 1992; trang 103.

Tử điến - Ban xuất huyết (Purpura) là tình trạng xuất huyết ở trong da, máu chảy ra từ những mạch máu nhỏ. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là, ở dưới da hoặc dưới niêm mạc, có những nốt đỏ tía, ấn vào không thay đổi màu sắc, do các mạch máu nhỏ (mao mạch) bị tổn thương, máu thấm ra ngoài, tích đọng lại thành các nốt huyết ứ, gọi là nốt ban. Nốt ban có thể chỉ nhỏ như đầu tăm, và cũng có thể thành mảng lớn, lồi lên mặt da. Ban đầu các nốt ban có màu đỏ tía, sau chuyển sang màu tím, cuối cùng biến thành màu nâu rồi biến mất.

Nguyên nhân dẫn đến Ban xuất huyết chủ yếu do máu thiếu tiểu cầu hoặc là do dị ứng. Đối với trường hợp Ban xuất huyết do máu thiếu tiểu cầu, vừng đen có tác dụng trị liệu nhất định.

Để giải đáp toàn diện hơn về thắc mắc của bạn, ở đây cần nhắc lại một tính chất, liên quan đến cơ chế tác dụng của Đông dược.

Trong trạng thái sinh lý bình thường (khỏe mạnh), cơ thể được duy trì trong trạng thái Âm Dương cân bằng. Nếu như, do nhân tố ngoại lai, hoặc do bản thân chức năng của cơ thể thất thường, dẫn tới Âm Dương thiên thịnh hoặc thiên suy, trạng thái cân bằng Âm Dương bị phá vỡ, thì cơ thể sẽ bị lâm vào trạng thái bệnh lý, mắc bệnh.

Mỗi một vị thuốc có sự thiên lệch ở mức độ nhất định về Âm Dương. Tư tưởng cơ bản trong việc dùng thuốc để chữa bệnh của Đông y là "lấy sự thiên lệch Âm Dương của vị thuốc, để điều chỉnh sự thiên lệch về Âm Dương của cơ thể". Do đó, tác dụng của thuốc không chỉ phụ thuộc vào tính năng của bản thân vị thuốc, mà còn phụ thuộc vào trạng thái sinh lý, bệnh lý của cơ thể. Trạng thái cơ thể khác nhau, tác dụng của thuốc cũng khác nhau, điều này đã được chứng thực trong thực nghiệm và trên lâm sàng.

Thí dụ, đối với chuột nhắt trong trạng thái bị kích thích, nước sắc "cam thảo" có tác dụng tăng cường chức năng của đại thực bào (macrophage), nhưng đối với chuột nhắt trong trạng thái yên tĩnh, nước sắc "cam thảo" lại có tác dụng ức chế đối với đại thực bào.

Quan sát lâm sàng cho thấy, với phụ nữ đang mang thai, "ích mẫu thảo" có tác dụng ức chế đối với tử cung. Nhưng đối với tử cung ở phụ nữ sau khi đẻ, "ích mẫu thảo" lại có tác dụng gây hưng phấn.

Hay như, trong trạng thái sinh lý bình thường (cơ thể khỏe mạnh), vị thuốc "hoàng cầm" và vị thuốc "xuyên tâm liên" không có tác dụng làm giảm nhiệt độ của cơ thể; chỉ đối với cơ thể đang phát sốt, hai vị thuốc đó mới bắt đầu có tác dụng làm hạ thân nhiệt.

Trở lại tác dụng xúc tiến đông máu của vừng đen. Đối với những người bình thường, nói chung vừng đen có tác dụng như một loại thực phẩm giầu chất dinh dưỡng, có khả năng cải thiện nhất định đối với một số chức năng sinh lý của cơ thể.

Còn đối với những người bị ban xuất huyết, thì vừng đen có thể có tác dụng như một vị thuốc chống chảy máu. Do đó, mới nói "Vừng đen cũng là một loại thuốc xúc tiến đông máu, ... ". Chữ "thuốc" ở đây ngụ ý vừng đen trở thành một loại thuốc đối với người mắc bệnh tử điến do giảm tiểu cầu.

Tóm lại, có thể hiểu là: Vừng đen có thể "tạo điều kiện cho việc đông máu được dễ dàng" đối với những bệnh nhân bị mắc chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Thắc mắc của bạn, theo chúng tôi nghĩ, có lẽ còn liên quan đến một lý do nữa, đó là vừng đen đã có tác dụng "cải thiện tuần hoàn máu", lại có thể "xúc tiến đông máu". Thực tế, do mỗi vị thuốc Đông dược đều có thành phần rất phức tạp, bao gồm rất nhiều loại hoạt chất, với rất nhiều tác dụng khác nhau, bao gồm cả một số tác dụng tương phản. Ví dụ như tam thất, vừa có tác dụng hoạt huyết (thúc đẩy tuần hoàn máu), lại có tác dụng cầm máu; ...

"Thuốc vườn nhà" sẽ trở lại vấn đề này, trong một bài viết chuyên sâu trên chuyên mục "Dùng thuốc cần biết", mời bạn và Quý bạn đọc gần xa đón đọc.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]