Hỏi:
Trong những ngày rét đậm mùa đông, tôi thường hay bị phát cước. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn giúp một số bài thuốc Nam để chữa.
Lê Mây, Thái Nguyên
Đáp:
Những ngày giá lạnh trong mùa Đông cũng như những ngày đầu Xuân, thường xuất hiện một loại chấn thương cục bộ ở ngoài da, mà dân gian gọi là "phát cước" hay "lên cước", còn y học gọi là "bệnh cước" (chiblain).
Bệnh cước hay gặp nhất ở nữ giới, trẻ nhỏ và những người khí huyết suy nhược, chức năng thần kinh thực vật bị rối loạn, thiểu năng tuần hoàn ngoại vi, ... Cước hay phát sinh ở đầu mũi, hai má, vành tai, dái tai, ngón tay, ngón chân; thường phân bố đối xứng ở cả hai bên. Phát cước có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và trở ngại trong khi giao tiếp.
Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, bệnh cước thường được chia thành hai thể chính:
1. Cước cấp tính: Là thể bệnh nhẹ trong chấn thương do lạnh, nhanh khỏi và không tái phát. Là dạng tổn thương nông, ban đầu chỗ da bị bệnh thấy trắng nhợt, sau đó tấy đỏ, có cảm giác đau rát, hoặc ngứa, hoặc tê bì. Nói chung dễ xử lý, khoảng vài ngày bệnh sẽ tự khỏi.
2. Cước mạn tính: Là thể nặng trong chấn thương ngoài da do lạnh, hay gặp ở người có tuổi, mùa Đông nào cũng bị, tự khỏi trong mùa Hè và lại tái phát vào mùa Đông năm sau. Độ nặng của bệnh tùy thuộc vào mức độ và thời gian chịu lạnh. Ban đầu chỗ da tổn thương có màu trắng xám hoặc tím tái, trên da xuất hiện những mụn nước to nhỏ khác nhau hoặc những chỗ sưng tấy, đau kịch liệt hoặc mất cảm giác. Là dạng tổn thương sâu, có thể gây tổn thương lâu dài và để lại những vết sẹo, vết thâm trên da, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Cơ chế chủ yếu của bệnh phát cước là, khi da chịu tác động của khí lạnh, các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông kém, gây thiếu ô-xy ở vùng da cần nuôi dưỡng, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, đôi khi có mụn nước, xuất huyết, trợt loét, rất lâu lành, trường hợp nặng còn có thể dẫn đến hoại tử tế bào.
ĐIỀU DƯỠNG:
Khi vừa bị lên cước, cần chú ý không được sưởi ấm hoặc dùng lửa hơ nóng ngay, vì có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ, gây viêm loét và đau, ngứa hơn. Khi bị ngứa, chỉ nên xoa nhẹ, chớ gãi mạnh làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng và lở loét.
Khi bệnh mới phát, thấy da trắng nhợt hoặc có cảm giác tê bì, nói chung chỉ cần chú ý giữ ấm và chú ý ăn uống đủ nhiệt lượng và chất dinh dưỡng.
Trong thời gian phát bệnh, kiêng sử dụng loại đồ ăn sống lạnh như kem, dưa hấu, dưa muối, trà đá, bia ướp đá, ...
Người thể chất hư hàn, chịu lạnh kém, nên sử dụng thêm những món ăn, vị thuốc có tính ấm, để điều hòa khí huyết, ôn thông kinh mạch, phòng ngừa phát cước, ví dụ như thịt dê, thịt chó, thịt gà, gừng, mật ong, trần bì, sa nhân, nhục quế, ...
Đối với dạng mạn tính, lúc bệnh chưa phát cần chú ý bồi bổ khí huyết, thường xuyên rèn luyện thân thể, để tăng sức chịu lạnh của cơ thể, phòng bệnh tái phát nặng.
THUỐC BÔI RỬA BÊN NGOÀI:
Đối với những trường hợp tương đối nhẹ, có thể sử dụng thử một số thuốc kinh nghiệm dưới đây:
(1) Dùng giấm ăn: Dùng giấm ăn 50ml, đun nóng; nhân lúc còn ấm, lấy bông thấm giấm bôi đắp lên chỗ da bị bệnh; ngày 3-5 lần.
Giấm ăn có tác dụng giải độc, tán ứ, tiêu thũng, sát trùng. Bác sĩ Thiệu Cảnh Hoa đã thử nghiệm sử dụng dùng giấm nóng điều trị 30 ca lên cước, nói chung sau 2-4 lần điều trị là khỏi, tác dụng rõ ràng nhất là đối với những trường hợp mới bị đông cóng.
(2) Dùng củ gừng: Dùng gừng già 100g, rượu trắng 200ml; gừng thái nhỏ, ngâm trong rượu 3 ngày; lấy bông thấm rượu thuốc bôi vào chỗ da bị lạnh cóng, ngày bôi 3 lần.
Gừng khô có tác dụng ôn trung tán hàn, ôn kinh chỉ huyết; rượu trắng có tác dụng trừ phong chỉ thống hoạt huyết. Kinh nghiệm thực tế trong dân gian cho thấy, dùng phương thuốc này điều trị da lạnh cóng nói chung đều có hiệu quả tốt.
(3) Dùng củ gừng và vỏ quýt: Dùng gừng già 50g, vỏ quýt tươi 4 cái; gừng và vỏ quýt đem rửa sạch, thái nhỏ, nấu với nước khoảng 30 phút, chờ cho đỡ quá nóng, dùng bông thấm thuốc bôi lên chỗ bị bệnh, ngày vài lần, liên tục 2-4 ngày. Có tác dụng đặc biệt tốt đối với trường hợp đầu mũi và vành tai bị cước.
(4) Dùng nước sắc cành ớt, vỏ quýt và tỏi: Dùng cành cây ớt 60g, trần bì (vỏ quýt) 20g, tỏi 30g; cùng sắc lấy nước, dùng bông gạc thấm thuốc đắp lên chỗ bị cước, ngày 2-3 lần.
Thầy thuốc Cam Thiết đã sử dụng bài thuốc này chữa hàng chục ca lên cước, hiệu quả cực tốt (Tân trung y, 1984).
NỘI TRỊ:
Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là thể chất hư nhược, khí huyết lưỡng hư, nên dễ bị "hàn tà" từ bên ngoài xâm phạm, khiến khí huyết ngưng trệ, cơ phu thất dưỡng (da thịt không được nuôi dưỡng), mà sinh thành bệnh.
Để chữa trị, cần điều bổ khí huyết hoặc hòa doanh tán hàn. Tùy theo bệnh tình, có thể sử dụng một số thuốc uống trong như sau:
(1) Ôn kinh hoạt huyết thang:
- Thành phần: Đương quy 12g, quế chi 12g, thược dược 12g, cát căn 12g, thông thảo 8g, tế tân 3g, cam thảo 5g, đại táo 6 trái, đường đỏ lượng thích hợp.
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, hòa thêm đường, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; liên tục 5-7 ngày (1 liệu trình).
- Công hiệu: Ôn kinh hoạt huyết thông mạch. Dùng chữa lên cước thể "hàn tà trở lạc" (do khí lạnh gây nghẽ tắc kinh lạc).
(2) Quế thược khương táo thang:
- Nguyên liệu: Quế chi 10g, xích thược 10g, bạch thược 10g, cam thảo 6g, sinh khương 6g, đại táo 12 trái, rượu trắng 50ml.
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, hòa thêm rượu, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; đồng thời dùng bã thuốc đắp vào chỗ da bị bệnh; mỗi liệu trình 7 ngày.
- Công hiệu: Hoạt huyết thông mạch, tiêu đông sang (trừ cước).
Theo "Tứ Xuyên trung y, 1985": Đã thử nghiệm sử dụng phương thuốc này điều trị 42 ca; kết quả 13 ca khỏi bệnh sau 1 liệu trình; 24 ca khỏi bệnh sau 2 liệu trình; 4 ca sau 3 liệu trình; 1 trường hợp bị loét nặng phải sau 5 liệu trình mới khỏi.
(3) Quế viên đại táo khiếm thực thang:
- Nguyên liệu: Quế viên nhục 10g, sao toan táo 10g, khiếm thực 12g.
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc lấy nước, chia thành 2 phần uống trong ngày, uống ấm; liên tục 5-7 ngày.
- Công hiệu: Ích khí bổ huyết cường tinh; dùng chữa lên cước thể "khí huyết bất túc".
(4) Hoàng kỳ đương quy dương nhục thang:
- Nguyên liệu: Hoàng kỳ 30g, đương quy 10g, sinh khương 10g, dương nhục 500g.
- Cách dùng: Hoàng kỳ và đương quy bọc trong túi lụa; thịt dê (dương nhục) thái miếng; gừng thái lát, tất cả cho vào nồi gốm, thêm lượng nước thích hợp, nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa đến khi thịt dê chín nhừ; bỏ túi thuốc ra, thêm gia vị, chia ra làm thức ăn trong ngày.
- Công hiệu: Ôn trung tán hàn, bổ khí ích huyết; dùng chữa lên cước thể "khí huyết bất túc".
Lưu ý: Việc sử dụng các phương thuốc nội trị, nói chung cần tiến hành dưới sự hướng dẫn và giám sát của thầy thuốc Đông y.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.