Hỏi:
Tôi xem giới thiệu sản phẩm VINAGA với rất nhiều tác dụng tốt. Có điều, hiện nay trong thiên nhiên có sẵn rất nhiều gấc nhưng cách sử dụng để chữa bệnh ra sao tôi lại chưa biết. Vì vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho một số bài thuốc có sử dụng gấc, nói rõ cách chế biến, liều lượng, bảo quản ra sao?
Câu hỏi của một số độc giả
Đáp:
Vinaga là loại viên nang chứa "dầu gấc", sử dụng để bồi bổ hoặc chữa bệnh đều rất tiện lợi. Loại "dầu gấc" có màu đỏ như máu này vốn có sẵn ở trong màng đỏ bao chung quanh hạt gấc. Khi chưa có thuốc viên Vinaga, trên thực tế chúng ta đã sử dụng thứ dầu này theo nhiều cách "thủ công" khác nhau như nấu xôi gấc, làm mứt gấc, kẹo gấc, ...
Cách sử dụng thông thường là: Quả gấc hái về, bổ lấy hạt với cả màng màu đỏ. Nếu để nấu xôi thì dùng tươi, đem xát với gạo. Nếu muốn dùng làm thuốc cần sấy hay phơi khô cả hạt và màng đỏ. Khi cầm hạt không thấy dính tay nữa thì dùng dao nhọn bóc lấy màng đỏ rồi đem phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp (60-70 độ C) là được. Thứ màng đỏ đã sấy khô này có chứa dầu gấc và cũng có tác dụng giống như viên vinaga. Vì vậy nếu trong vườn nhà có sẵn cây gấc thì bạn có thể tự chế biến như trên để dùng dần làm thuốc.
Cách chế dầu gấc trong điều kiện gia đình tương đối phức tạp mà thứ dầu này đã có sẵn trong viên Vinaga rồi, nên ở đây chỉ xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng những bộ phận khác của quả và cây gấc.
Theo Đông y:
(1) Hạt gấc (Mộc miết tử): có vị đắng hơi ngọt, tính ấm, có độc. Vào các kinh Can, Tỳ và Vị. Có tác dụng tiêu thũng, tán kết. Dùng chữa mụn nhọt, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng đau, bị đòn hoặc bị ngã chấn thương.
(2) Rễ gấc (Mộc miết căn): Có vị đắng, hơi ngọt, tính lạnh. Có tác dụng tiêu viêm, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống.
Một số bài thuốc có sử dụng các bộ phận của cây gấc:
(1) Chữa trĩ lòi dom: Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải đắp vào nơi bị trĩ (hậu môn) để suốt đêm.
(2) Chữa sưng vú: Giã nhân hạt gấc với một ít rượu (30-40 độ C) đắp lên nơi sưng đau.
(3) Chữa đau nhức do đòn, ngã: Dùng 100 hạt gấc, nướng lên, bóc bỏ vỏ, giã nát nhân, ngâm với 1 lít rượu trên 40 độ, sau khoảng 1 tuần là dùng được. Dùng thứ rượu này để xoa bóp chỗ đau nhức. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thứ rượu xoa bóp này có tác dụng không kém rượu mật gấu, vì vậy nhiều người gọi đó là "rượu mật gấu thảo mộc".
(4) Chữa ung nhọt, sưng hạch bạch huyết: Dùng rễ gấc tươi hoặc lá gấc tươi, rửa sạch, giã nát cùng với vài hạt muối, đắp lên chỗ sưng đau.
(5) Chữa lông quặm: Dùng hạt gấc 1 cái, bóc bỏ vỏ, nghiền mịn, dùng lụa bọc bột thuốc nhét vào lỗ mũi. Lông quặm ở mắt trái thì nhét lỗ mũi phải, lông quặm ở mắt phải nhét vào lỗ mũi trái. Mộc miết tử có tác dụng tiêu tán ứ nhiệt ở huyết phận, làm giảm sự co thắt kinh mạch, khiến lông mi khỏi đâm vào mắt.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.