Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Nấm kim châm có tác dụng gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/10/2012 11:46 CH

Hỏi:

Gần đây, tôi đọc báo thấy nói "nấm kim chi" là một loại thức ăn rất tốt đối với sức khỏe, có tác dụng bồi bổ, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, chống ung thư, ... Tôi rất muốn có thêm những thông tin về loại nấm này. Nếu có thể được, đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết: Nấm kim chi thường mọc ở đâu, còn có những tên gọi gì khác và có thể sử dụng để chữa trị những loại bệnh gì?

Phạm Bình, Sơn Trà, Đà Nẵng

Đáp:

nấm kim châm, kim châm cô, kim cô, kim cô thái, phốc cô, câu khuẩn, mao bính kim tiền khuẩn, trường bính kim tiền khuẩn, đông cô, trí lực cô, Flammulina velutipes (Fr) Sing.

Loại nấm mà bạn quan tâm, thực ra có tên là "kim châm cô" (nấm kim châm); "kim" = vàng, "châm" = cái kim, "cô" = nấm, "kim châm cô" dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "nấm kim vàng". Trong sinh hoạt thường nhật, hai chữ "kim châm" thường bị gọi chệch là "kim chi" (do các bà nội trợ hay xem phim Hàn Quốc?), dần dần hình thành ra tên "nấm kim chi".

"Kim châm cô" còn có một số tên gọi khác như "kim cô", "kim cô thái", "phốc cô", "câu khuẩn", "mao bính kim tiền khuẩn", "trường bính kim tiền khuẩn", "đông cô", "trí lực cô", ... tên khoa học là Flammulina velutipes (Fr) Sing..

Kim châm cô là loài nấm tương đối nhỏ, mũ nấm có đường kính 1-5cm, cuống nấm dài khoảng 5-7cm và nhỏ tựa như cái châm. Nấm có màu vàng, phủ lông nhung ngắn. Ngoài loại màu vàng, còn có loài biến chủng màu trắng.

Kim châm cô vốn là một loài nấm mọc hoang trong các rừng thuộc vùng ôn đới và hàn đới. Nấm kim châm không có chất lục diệp, nên bản thân không thể tự tiến hành quang hợp, để tạo ra các chất dinh dưỡng, mà sống hoàn toàn bằng các chất dinh dưỡng hấp thụ từ đất mùn, gỗ mục, từ thân cây chủ, ... Trong điều kiện tự nhiên, nấm kim châm thường mọc bám trên thân các cây liễu, cây du, cây bạch dương, ...

Do là một thức ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, hiện nay nấm kim châm đã trở thành một loại nấm được trồng trong điều kiện nhân tạo với quy mô thuộc loại lớn nhất, ở hầu khắp các nước phát triển trên thế giới. Nấm nuôi trồng công nghiệp có kích thước nhỏ hơn loài mọc tự nhiên, nhưng nếu được trồng theo đúng kỹ thuật, thì nói chung vẫn có đủ các thành phần giống như loại nấm mọc hoang trong thiên nhiên.

Theo Đông y: Nấm kim châm có vị ngọt, tính bình, không độc; vào kinh Tỳ, Vị, Can và Thận. Có tác dụng kiện tỳ, bình can và bổ thận.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hàm lượng các loại acid amin trong nấm kim châm rất cao, gấp nhiều lần các loài nấm thông dụng khác; đặc biệt là hàm lượng lysine - một loại acid amin rất có lợi đối với sự phát triển trí lực ở trẻ nhỏ; vì vậy nấm kim châm còn có tên là "trí lực cô" (nghĩa là "nấm trí lực"). Ngoài ra, trong nấm kim châm còn chứa một số hoạt chất có tác dụng chống viêm gan, chống viêm loét đường tiêu hóa, làm hạ mỡ máu và phòng chống ung thư, ...

Muốn sử dụng nấm kim châm để chữa trị một bệnh cụ thể nào đó, tốt nhất nên tiến hành dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Còn hàng ngày, nếu có điều kiện, bạn có thể sử dụng nấm kim châm như một loại thức ăn bổ dưỡng, dùng dưới dạng rau sống, ăn với lẩu, cũng như chế biến một số món ăn khác tùy theo khẩu vị.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]