Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Sói rừng: Kháng khuẩn tiêu viêm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/05/2014 07:27 SA

Hỏi:

Trong vườn nhà tôi có trồng vài gốc sói làm cảnh và lấy hoa ướp trà. Gần đây có người đến chơi nói, ngoài cây sói cảnh, còn có cây "sói rừng" dùng chữa các chứng bệnh viêm nhiễm rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không?

Nguyễn Kim Minh, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Đáp:

sói rừng, sói nhẵn, cửu tiết trà, thảo san hô, quan âm trà, tiếp cốt mộc, cửu tiết phong, cửu tiết lan, sơn hồ tiêu, cốt phong tiêu, mãn sơn hương, kê cốt hương, tiếp cốt trà

Sói rừng

Ở nước ta, ngoài loài sói cảnh, hay trồng để lấy hoa ướp trà, có tên khoa học là Chloranthus spicatus (Thunb.) Makino, thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae), còn thường gặp 3 cây sói khác, đó là các cây:

    1. Sói đứng, tên khoa học là Chloranthus erectus (Bunch. - Ham) Verdc. (C.elatior Link.), cũng họ Hoa sói (Chloranthaceae).

    2. Sói Nhật, tên khoa học là Chloranthus japonicus Sieb., cũng thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae).

    3. Sói rừng, tên khoa học là Sarcandra glabra (Thunb.) Nakai, thuộc họ Hoa sói (Chloranthaceae.).

Trong số các cây kể trên, sói rừng là loài cây có dược tính mạnh và thường hay được khai thác để sử dụng làm thuốc nhất.

"Sói rừng" còn gọi là "sói nhẵn", "cửu tiết trà", "thảo san hô", "quan âm trà", "tiếp cốt mộc", "cửu tiết phong", "cửu tiết lan", "sơn hồ tiêu", "cốt phong tiêu", "mãn sơn hương", "kê cốt hương", "tiếp cốt trà", ...

Sói rừng là loài cây nhỏ, cao 1-2m; đốt phồng to, nhánh tròn, không lông, mọc đối. Lá mọc đối, có phiến dài xoan bầu dục, dài 7-18cm, rộng 2-7cm, đầu nhọn, mép có răng nhọn, gân phụ 5 cặp; cuống ngắn 5-8mm. Bông kép, ít nhánh, nhánh ngắn; hoa nhỏ, màu trắng, không cuống; nhị 1. Quả nhỏ, đỏ gạch, mọng, gần tròn 6x4mm. Mùa hoa vào tháng 6-7, mùa quả tháng 8-9.

Cây mọc hoang ở nhiều nơi, từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây (cũ) đến Kon Tum, Lâm Đồng, ... Hay gặp nhất ở các vùng núi đất, bìa rừng và ven đồi ẩm ướt. Một số nơi cũng trồng sói rừng để lấy hoa ướp trà. Để làm thuốc, có thể thu hái toàn cây vào mùa hạ thu, dùng tươi hay phơi khô trong râm. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, cắt đoạn phơi trong râm, cũng có thể dùng tươi.

Theo Đông y: Sói rừng có vị đắng, cay, tính hơi ấm, hơi có độc. Có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm, khu phong trừ thấp, hoạt huyết chỉ thống. Chủ trị viêm phổi, viêm phế quản, viêm ruột thừa cấp tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, lỵ nhiễm khuẩn, phong thấp đau nhức, đòn ngã tổn thương, gãy xương, ...

Trong dân gian, thường dùng rễ ngâm rượu uống để chữa tức ngực, đau nhức xương khớp; còn dùng toàn cây sắc uống trị cảm mạo, kinh nguyệt không đều và viêm phổi. Lá sắc uống trị ho, giã đắp chữa rắn cắn.

Tại Hương Cảng (Trung Quốc) cây được dùng chữa viêm não B; lỵ trực trùng; viêm ruột thừa cấp, ung nhọt, đòn ngã tổn thương, gãy xương; những năm gần đây còn dùng chữa một số loại ung thư, như ung thư dạ dày, trực tràng, gan, ...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Sói rừng có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn vàng staphylococcus aureus, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn bacillus coli, trực khuẩn mủ xanh bacillus pyocyaneus; trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn salmonella typhosa, ... Lá có tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất; rễ và cành tươi có tác dụng mạnh hơn rễ và cành khô.

Liều dùng hàng này: Sắc nước uống từ 10-15g khô (30-40g tươi). Hoặc ngâm rượu. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước rửa.

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng và phụ nữ có thai kỵ dùng.

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng sói rừng để chữa trị một số bệnh thường gặp như sau:

    (1) Phòng cảm mạo: Dùng sói rừng 10-15g, mùa Đông thêm tía tô 6g, mùa Hè thêm kim ngân hoa 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Chữa các chứng viêm: Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, mỗi ngày dùng 30-40g cành lá sói rừng tươi, sắc lấy nước, chia 3 lần uống, liên tục 2-3 ngày hoặc dài ngày hơn. Có tác dụng chống viêm rất tốt. Đối với các loại tụ cầu khuẩn và trực khuẩn đều có tác dụng ức chế ở mức độ nhất định. Thử nghiệm đối với các bệnh nhân viêm phổi, viêm phế quản, viêm dạ dày ruột cấp tính, lỵ trực trùng, ... hiệu suất trung bình tới 75-80%. Một số bệnh nhân, chỉ sau 1-2 ngày dùng thuốc, thân nhiệt khôi phục bình thường.

    (3) Chữa đau lưng: Dùng cành lá sói rừng 10-15g, sắc với nửa rượu nửa nước, chia ra uống trong ngày.

    (4) Chữa đòn ngã tổn thương, gãy xương, viêm khớp xương do phong thấp: Dùng cây tươi, giã nát, sao rượu, đắp; hoặc dùng 15-30g rễ sắc với nước hoặc ngâm rượu uống.

    (5) Chữa ngoại thương xuất huyết: Dùng cây tươi, giã nát, đắp; hoặc dùng 15-30g rễ, ngâm rượu uống.

    (6) Chữa vết thương loét, không liền miệng: Dùng cành lá, lượng thích hợp, nấu nước rửa, ngày 1-2 lần.

    (7) Chữa bỏng: Dùng lá sói rừng, phơi khô, tán mịn, trộn thêm 2 phần dầu hạt sở hoặc dầu vừng; hàng ngày bôi vào chỗ bị bỏng.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]