Hỏi:
Là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com, tôi đã có thêm những kiến
thức bổ ích về thuốc Nam trong vườn. Nay tôi xin hỏi về tác dụng của
cây dừa cạn, hay trồng làm cảnh; có lần tôi nghe nói có tác dụng chữa
ung thư; cách sử dụng cây đó như thế nào?
Nguyễn Mai Thanh, Thái Nguyên
Đáp:
Dừa
cạn vốn là cây mọc hoang dại ở nhiều nước nhiệt đới. Ở nước ta, cây mọc
hoang hay gặp nhất ở các tỉnh gần biển; cây còn được trồng ở khắp nơi.
Trước đây dừa cạn chỉ được trồng làm cảnh, gần đây đã được trồng để làm
dược liệu chế thuốc.
Cây dừa cạn còn có những tên khác, như
"trường xuân", "trường xuân hoa", "hoa hải đằng", "bông dừa", "dương
giác", ... tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don, họ Trúc đào
(Apocynaceae).
Cây dừa cạn cao 0,4-0,8m, có bộ rễ rất phát
triển, thân gỗ ở phía gốc, mềm ở phần trên. Mọc thành bụi dầy, có cành
đứng. Lá mọc đối, thuôn dài, đầu lá hơi nhọn, phía cuống hẹp nhọn, dài
3-8cm, rộng 1-2,5cm. Hoa thơm, mọc riêng lẻ ở các kẽ lá phía trên, quả
gồm 2 đại, dài 2-4cm, rộng 2-3mm, mọc thẳng đứng, hơi ngả sang hai bên;
trên vỏ có vạch dọc, đầu quả hơi tù, trong quả chứa 12-20 hạt nhỏ màu
nâu nhạt, hình trứng, trên mặt hạt có các hột nổi, thành đường chạy dọc.
Mùa hoa quả gần như quanh năm. Cả 3 loài dừa cạn (hoa màu hồng nhạt,
màu trắng và màu vàng), đều sử dụng làm thuốc với cùng tác dụng.
Phát hiện tác dụng chữa ung thư và cao huyết áp:
Một
số tác dụng chữa bệnh mới của dừa cạn, được phát hiện trên cơ sở nghiên
cứu kinh nghiệm dân gian. Từ nhiều thế kỷ trước, ở Ấn Độ, châu Úc, nam
Châu Phi, quần đảo Antilles, ... dân gian đã có kinh nghiệm sử dụng dừa
cạn để chữa bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Ngoài ra, người ta còn
dùng rễ dừa cạn để tẩy giun, chữa sốt; dùng thân và lá làm săn da
(astringent), lọc máu (dépuratif) và chữa một số bệnh ngoài da.
Từ những năm giữa thế kỷ 20, khi tiến hành nghiên cứu về tác dụng chữa
trị tiểu đường của cây dừa cạn, các nhà khoa học đã phát hiện thấy: Hoạt
chất chính của dừa cạn là những ancaloit (muối sinh vật) có nhân indol.
Chúng có trong tất cả các bộ phận của cây, nhiều nhất trong rễ và lá.
Tùy theo nơi thu hái, hàm lượng các ancaloit này thay đổi từ 0,2-1%, và
có thể có những giống có hàm lượng cao hơn. Đặc biệt, các nhà khoa học
còn phát hiện, trong số các ancaloit trên, có một số loại có tác dụng
làm hạ huyết áp và kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Năm 1958, khi thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học Canada tình cờ
tách ra được một ancaloit có tinh thể, gọi là vincaleucoblastin, có tác
dụng làm giảm bạch cầu trong máu chuột thí nghiệm. Về sau còn phát hiện
thêm 3 chất khác, có tác dụng chống ung thư là leurosin, leurocristin và
leurosidin. Ngoài ra người ta còn phát hiện tác dụng tẩy giun khá mạnh,
tác dụng lợi tiểu của catharanthin, vindolinin và vidolidin.
Những thí nghiệm sử dụng trên người bệnh được bắt đầu vào những năm
1960 ở Mỹ, Pháp và một số nước khác. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, ở
phương Tây người ta đã chế ra 2 loại thuốc chữa ung thư từ cây dừa cạn,
được bán trên thị trường từ nhiều năm trước. Thứ nhất là thuốc "Vincaleucoblastin" (hay "Vinblastin"),
dưới dạng muối sulfat (thuốc độc bảng A), đựng trong ống tiêm gắn kín
(mỗi ống có 10mg) và bảo quản trong tủ lạnh. Dùng tiêm mạch máu với liều
lượng 0,1-0,15mg/kg thể trọng. Dùng chủ yếu trong bệnh Hodgkin
(Hodgkin's disease; Ung thư ác tính ở các mô bạch huyết). Thứ hai là
thuốc "Leucocristine" (hay "Vincristin"), cũng dưới
dạng muối sulfat; dùng tiêm mạch máu, với liều lượng 0,03-0,1mg/kg; chữa
các bệnh về máu (hemopathie), bệnh bạch huyết leucemie lymphoblastique.
Hiện tại, dừa cạn là vị thuốc được sử dụng cả trong Đông y và Y học hiện đại.
Theo Đông y:
Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có độc; có tác dụng hoạt huyết, tiêu
thũng, giải độc, giáng huyết áp, trấn tĩnh an thần. Dân gian thường dùng
chữa cao huyết áp, đái tháo đường, điều kinh, tiêu hóa kém, lỵ, thông
tiểu tiện, tiểu tiện sẻn. Một số người dùng chữa ung thư máu, ung thư
phổi, bệnh Hodgkin và một số dạng ung thư khác; thường phối hợp với một
số vị thuốc khác, cho phù hợp cơ địa người bệnh. Liều dùng hàng ngày: Từ
10g-16g, sắc nước uống. Khi chữa cao huyết áp, thường phối hợp thêm "hy
thiêm" và "thảo quyết minh" - mỗi thứ 8-12g.
Tóm lại:
Dừa cạn là cây thuốc đã được sử dụng từ lâu trong dân gian và đã được Y
học hiện đại nghiên cứu, kiểm chứng tương đối toàn diện; thường sử dụng
để chữa tiểu đường, tăng huyết áp và một số dạng ung thư. Tuy nhiên đây
là một vị thuốc có độc; khi sử dụng cần có sự hướng dẫn và theo dõi của
thầy thuốc chuyên khoa.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.