Hỏi:
Tôi bị viêm xoang mũi đã nhiều năm, đã đi khám nhiều nơi và đã dùng rất
nhiều loại thuốc Tây y cũng như Đông y, nhưng bệnh chỉ đỡ được một thời
gian sau lại tái phát. Gần đây, có người mách, phải dùng vảy tê tê mới
có thể chữa khỏi tận gốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, vảy tê tê
có tác dụng gì? Có thể dùng để chữa viêm xoang và có độc không?
Lê Thị Mai, Thái Bình và một số bạn đọc khác
Đáp:
Tê tê
Vảy tê tê, còn gọi là vảy con trút; Đông y gọi là "xuyên sơn giáp". Vị
thuốc "xuyên sơn giáp" (Squama Manidis) là vảy phơi khô của con tê tê
hay con trút (tên khoa học là Manis pentadactyla L.). Vì con tê tê hay
đục núi (xuyên sơn) và mình có vảy cứng như áo giáp, do đó có tên "xuyên
sơn giáp".
Tê tê là một loại động vật sống hoang dã, trước
đây có ở khắp các vùng miền núi nước ta. Bề ngoài, con tê tê tuy giống
con thằn lằn, nhưng thực ra là một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi
con bằng sữa. Tê tê có thân dài, chân ngắn và thấp, đầu nhỏ nhọn, đuôi
rất dài. Nếu cắt ngang đuôi, mặt cắt sẽ có hình bán nguyệt. Phần trên
lưng, từ mũi đến đuôi con, có phủ một lớp vảy hình vỏ trai. Lớp vảy này
thực ra chỉ là những cụm lông nhỏ, dính bết vào nhau tạo thành. Vảy tê
tê xếp cái nọ đè lên cái kia giống như ngói lợp, thành từng dải dài,
theo một trật tự rất phức tạp. Má, ngực, bụng tê tê không có vảy, chỉ
lớt phớt một ít lông cứng. Da bụng tê tê trắng mềm. Lưỡi là một bộ phận
kỳ lạ nhất của tê tê, hình con giun dài bằng nửa chiều dài của toàn thân
con vật. Để bình thường lưỡi dài từ mõm cho đến hai chân sau.
Mắt
tê tê bị cận thị, nhưng tai và mũi lại rất thính; là con vật hiền lành,
chậm chạp, rất khỏe. Tê tê ăn kiến và mối, là những loài côn trùng phá
hoại cây cối và gỗ ở trong rừng. Tê tê dùng vuốt phá vỡ các tổ kiến, tổ
mối để bắt mối. Nhờ một thứ bột dính ở dưới lưỡi, tê tê có thể loại đất
cát ra khỏi thức ăn một cách tài tình. Nếu đem mùn cưa trộn với thức ăn
rồi cho tê tê ăn, sau một lúc sẽ thấy thức ăn biến mất, chỉ còn thừa lại
có mùn cưa.
Vảy tê tê (xuyên sơn giáp) đã được đã sử dụng để
làm thuốc trong Đông y từ rất lâu đời. Hiện tại, vị thuốc xuyên sơn giáp
được xếp trong loại thuốc "Hoạt huyết hóa ứ" (thúc đẩy huyết lưu thông,
tiêu ứ trệ).
Theo Đông y:
Xuyên sơn giáp có vị mặn, tính hơi lạnh; vào 2 kinh Can và Vị. Có tác
dụng hoạt huyết, hóa ứ, thông kinh, thông sữa. Chủ yếu được sử dụng để
chữa các chứng phong thấp đau nhức, tê liệt do trúng phong (tai biến
mạch máu não), phụ nữ bế kinh, sau khi sinh đẻ không có sữa, ung nhọt
chưa vỡ mủ, ... Liều dùng: Dùng trong 6-12g sắc uống, uống dưới dạng
thuốc bột; dùng ngoài nghiền mịn rắc, bôi lên vết thương. Kiên kỵ: Người
khí huyết bất túc (cơ thể suy yếu), ung nhọt đã vỡ mủ dùng phải thận
trọng.
Một số đơn thuốc có sử dụng vảy tê tê (xuyên sơn giáp):
(1) Thuốc thông sữa: Dùng chữa phụ nữ sau khi đẻ không có sữa, thiếu sữa
- Nướng xuyên sơn giáp, tán nhỏ; ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, có thể cùng uống với một ít rượu.
- Hoặc dùng bài thuốc: Xuyên sơn giáp (sao vàng) 5g, đương quy 7g, cát
cánh 5g, thược dược 5g, mộc thông 5g, phục linh 7g, xuyên khung 5g,
thiên hoa phấn 5g; sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày.
(2) Chữa mụn nhọt:
Xuyên sơn giáp 10g, bạch chỉ 5g, tạo giáp thích (gai bồ kết) 8g, hoàng
kỳ 6g, đương quy 6g; nước 600ml, sắc còn 200ml; chia 3 lần uống trong
ngày.
(3) Chữa tràng nhạc vỡ loét: Đốt xuyên sơn giáp, nghiền nhỏ đắp vào.
(4) Chữa lông quặm:
Xuyên sơn giáp sao vàng, xà thoái (xác rắn), địa long (giun đất) - 3
thứ dùng liều lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn. Cách dùng: Ngậm một
ngụm nước trong miệng, hít bột thuốc vào lỗ mũi (lông quặm ở mắt trái
thì hít bột thuốc vào lỗ mũi phải; lông quặm ở mắt phải thì hít vào lỗ
mũi bên trái).
Như vậy: Vẩy tê tê không phải là vị thuốc chuyên trị viêm xoang mũi. Để chữa trị viêm xoang mũi, có thể sử dụng một số vị thuốc khác, có sẵn trong vườn nhà, rẻ tiền và dễ kiếm hơn, như "Thuốc vườn nhà" đã từng giới thiệu với bạn đọc.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.