Hỏi:
Tôi nghe một số người nói, con nhộng trong Đông y gọi là "bạch cương tàm", dùng để chữa nám da rất tốt. Ngoài ra, trong nhiều đơn thuốc Đông Y, tôi thấy cũng hay sử dụng "bạch cương tàm". Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết rõ hơn về tác dụng của "bạch cương tàm" và phương pháp sử dụng để chữa nám da.
Lê Bình, Hà Nội
Đáp:
Bạch cương tàm
Con tằm là ấu trùng của một loài côn trùng biến thái hoàn toàn.
Quá trình biến thái đó diễn ra như sau: Đầu tiên, bướm ngài đẻ ra trứng. Trứng nở, thành ấu trùng (thường gọi là con tằm). Ấu trùng ăn lá dâu, sinh trưởng nhanh, lột xác vài lần. Sau mỗi lần lột xác tằm thêm 1 "tuổi". Đến tuổi thứ 5, thì "tằm chín", tuyến tơ phát triển và tằm bắt đầu nhả tơ. Tằm nhả tơ, làm kén trong 2-3 ngày, hóa nhộng. Nhộng tằm nằm im không hoạt động trong 2-3 tuần, rồi lột xác và biến thành bướm ngài. Ngài đực và ngài cái giao phối với nhau để thụ tinh cho trứng của ngài cái. Mỗi ngài cái đẻ vài trăm trứng và chu trình biến thái mới lại bắt đầu, ...
Tại những nơi nuôi tằm, nên nhặt lấy những con tằm (ấu trùng) tự nhiên bị chết cứng, cong queo, màu trắng nhờ hay hơi lốm đốm trắng, đem sấy khô, cất vào lọ nút kín dùng dần. Dân gian gọi loại tằm đó là "tằm vôi", Đông y gọi là "bạch cương tàm", "cương tàm", "cương trùng", "thiên trùng", ...
"Bạch cương tàm" thực tế là con tằm (ấu trùng) bị bệnh, chết cứng, do bị nhiễm phải khuẩn Botrytis bassiana (Bals) hoặc khuẩn Beauveria bassiana (Bals) Vuill.
"Bạch cương tàm" hình dạng như con tằm, thường cong queo, dài chừng 3,5cm, đường kính khoảng 5mm, bề ngoài màu trắng bẩn, hay màu nâu bẩn hơi lốm đốm trắng; khi bẻ đôi, vết bẻ có màu xanh nâu, mùi hơi khắm, vị hơi đắng.
Như vậy, con nhộng không phải là "bạch cương tàm". Đáng tiếc là, sự nhầm lẫn này không chỉ xuất hiện trong sinh hoạt, mà đôi khi còn xuất hiện cả trên đài báo.
Con nhộng là thức ăn giàu chất dinh dưỡng, đồng thời còn có thể sử dụng như một loại "thực phẩm chức năng"; còn "bạch cương tàm" chỉ sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y: Bạch cương tàm có vị mặn, cay, tính bình và không độc; vào 4 kinh Tâm, Can, Tỳ và Phế. Có tác dụng trừ phong hóa đờm. Dùng chữa chứng kinh giản co giật ở trẻ nhỏ, mất tiếng, cổ họng sưng đau, con trai liệt dương, con gái băng huyết, khí hư trắng hay đỏ, đẻ xong đau bụng; còn dùng chữa những vết đen xạm trên da mặt.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số đơn thuốc có dùng "bạch cương tàm":
(1) Chữa mẩn tịt, lở ngứa: Bạch cương tàm sấy khô, tán thành bột mịn; mỗi lần uống 3g với chút rượu ("Thái bình Thánh huệ phương").
(2) Chữa da mặt đen sạm: Bạch cương tàm tán nhỏ, hòa với nước bôi vào, vết sạm sẽ mất dần ("Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam").
(3) Chữa nám da: Bạch cương tàm, hắc khiên ngưu (hạt bìm bìm đen) - 2 thứ bằng nhau; tán thành bột mịn, làm mặt nạ, đắp lên mặt 15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm ("Đẩu môn phương").
(4) Trẻ nhỏ khóc dạ đề: Trước khi trẻ ngủ, lấy mấy con tằm vôi (bạch cương tàm), cho vào bát, giã nát, hòa với chút rượu, hơ cho ấm, đắp vào hai gan bàn chân trẻ, rồi dùng băng hoặc băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.