Hỏi:
Tôi làm nghề lái xe, phải ngồi nhiều, nhưng lại bị mắc bệnh đau lưng. Thời gian qua tôi đã sử dụng rất nhiều loại thuốc mà bệnh chỉ cải thiện rất ít. Gần đây có người nói, ở Quảng Ninh có củ mã kích chữa đau lưng rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Mã kích có độc không? Sử dụng thế nào có hiệu quả nhất?
Đăng Tâm, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Thứ rễ có tên là "mã kích" mà bạn hỏi, thực ra là vị thuốc "ba kích", đã được sử dụng trong Đông y từ rất lâu đời.
Cây ba kích còn có tên là "ba kích thiên", "ba kích nhục", "liên châu ba kích", dân gian thường gọi là "cây ruột gà", "chẩu phóng xì", "thao tầy cáy", ... tên khoa học là Morinda offcinalis How., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Ba kích là loài cây thảo, sống lâu năm, thân leo, lá mọc đối, hình mác, cứng, nhọn, dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lá non có màu xanh, lá già có màu trắng mốc. Hoa lúc đầu trắng, sau vàng, từ 2-10 cánh, 4 nhị. Quả hình cầu, khi chín màu đỏ.
Vị thuốc ba kích (Radix Morindae) là rễ củ của cây ba kích. Rễ có thể đào quanh năm, nhưng tốt nhất vào hai mùa Thu và Đông. Đào về rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô; khi gần khô thì đập dẹt rồi lại phơi tiếp tới khi thật khô.
Ba kích là vị thuốc được sử dụng trong Đông y và dân gian từ rất lâu đời. Trong "Thần Nông bản thảo kinh" - cuốn sách thuốc cổ nhất của Đông y, được viết thành sách từ cách đây khoảng 2000 năm, đã có những ghi chép về tác dụng làm thuốc của rễ ba kích. Còn trong các sách thuốc dùng trong lâm sàng của Đông y hiện đại, ba kích được xếp vào nhóm thuốc bổ dương.
Theo Đông y: Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ấm; đi vào kinh Thận. Có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Dùng chữa dương nuy (liệt dương), phong thấp, cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Dân gian thường dùng ba kích như một vị thuốc bổ trí não và tinh khí; dùng để chữa các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Còn dùng làm thuốc mạnh gân cốt, chữa đau nhức do phong thấp.
Liều dùng: Thường dùng từ 10-15g sắc nước uống, khi cần thiết cũng có thể dùng liều cao hơn.
Kiêng kỵ: Người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón cấm dùng.
Như vậy, đúng như có người đã mách bạn, có thể sử dụng ba kích chữa đau lưng.
Để chữa đau lưng, bạn có thể sử dụng ba kích theo những cách sau:
1. Cách thứ nhất: Dùng độc vị rễ ba kích (đã bỏ lõi) 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.
2. Cách thứ hai: Dùng rễ ba kích (bỏ lõi) 100g, thục địa 40g, đỗ trọng 30g; ngâm với 2 lít rượu trắng tốt, ít nhất một tháng; sau đó hàng ngày sử dụng 2-3 lần, mỗi lần 1 chén con (20-30ml).
3. Cách thứ ba: Ba kích 10g, thục địa 10g, nhân sâm 4g, đỗ trọng 10g, ngưu tất 6g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Trong Đông y, ba kích là một vị thuốc bổ thận tráng dương, nên còn thường được sử dụng để phòng trị tình trạng yếu sinh lý, một vài cách sử dụng cụ thể:
(1) Chữa dương nuy (liệt dương): Ba kích 12g, bổ cốt chi 6g; sắc nước uống trong ngày. Dùng chữa liệt dương do thận dương hư; với những biểu hiện như rối loạn cương dương (ED), đầu choáng mắt hoa, tai ù, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng nát, lưng đau gối mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện nhiều về đêm, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.
(2) Chữa hoạt tinh do thận dương hư: Ba kích 12g, ngũ vị tử 6g, nhâm sâm 8g (hoặc đảng sâm 16g), thục địa 16g, nhục thung dung 12g, mẫu lệ 12g, cốt toái bổ 12g; tất cả tán bột mịn, luyện với mật làm viên; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 12g.
(3) Canh ba kích lòng gà: Lòng gà 2-3 bộ, ba kích 15g; lòng gà làm sạch, thêm nước, cùng ba kích nấu canh ăn. Có tác dụng bổ thận cố tinh, dùng chữa di tinh và tảo tiết (xuất tinh sớm).
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.