Hỏi đáp

Phòng cảm cúm với cành lá Bọ mẩy

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/01/2012 02:17 SA

Hỏi:

Tôi bị viêm phế quản lâu năm, đã sử dụng rất nhiều kháng sinh mà bệnh không khỏi hẳn, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi bệnh lại tái phát. Gần đây được một người bạn mách cho một bài thuốc gia truyền: Dùng lá và cành non của cây bọ mẩy, phối hợp với lá nhót, mỗi thứ một nắm, sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống thay trà trong ngày. Người bạn tôi nói rằng, uống như vậy sau một tháng thì bệnh sẽ khỏi hẳn. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết làm như vậy có cơ sở hay không? Ngoài ra, cây bọ mẩy còn có thể sử dụng để chữa những bệnh gì? Vì chỗ tôi ở cây bọ mẩy mọc hoang rất nhiều.

Lê Chiến Thắng, Định Hóa, Thái Nguyên

Đáp:

bọ mẩy, bọ nẹt, đắng cảy, lạo dực, mạy kỳ cáy, co khi cáy, lộ biên thanh, thanh thảo tâm, sơn vĩ hoa, sơn tất, lục đậu thanh, xú đại thanh, đại bách giải, Clerodendron cyrtophyllum Turcz.

Bọ mẩy là một cây thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong dân gian và trong Đông y.

Ở nước ta, cây còn có tên là "bọ nẹt", "đắng cảy", "lạo dực" (miền Nam), "mạy kỳ cáy" (dân tộc Tày), "co khi cáy" (dân tộc Thái), ... Trong sách thuốc Trung Quốc, cây có tên chính thức là "lộ biên thanh", còn có tên khác như "thanh thảo tâm", "sơn vĩ hoa", "sơn tất", "lục đậu thanh", "xú đại thanh", "đại bách giải", ... Tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz., họ Cỏ roi ngựa.

Bọ mẩy là loại cây nhỏ, cao khoảng 1m. Cành tròn, lúc non có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác, đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục thẫm, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, gân nổi rõ ở mặt dưới, khi vò lá thấy có mùi hôi đặc trưng. Hoa màu trắng, hợp thành ngù, mọc ở đầu cành trên ngọn cây, nhị thò dài. Quả hạch, hình trứng, bọc trong đài.

Đông y thường dùng lá kèm theo cành non để làm thuốc. Chỉ cần loại bỏ tạp chất và lá khô, rửa sạch, hong gần khô, cắt thành từng đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô, cất ở nơi khô mát dùng dần. Một số trường hợp còn sử dụng cả rễ.

Theo Đông y: Cành và lá bọ mẩy (gọi là "đại thanh diệp") có vị đắng, khí hàn; vào 2 kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, giải độc, lương huyết (mát máu), tán ứ, chỉ huyết (cầm máu). Thường dùng chữa các chứng bệnh do "hỏa độc" gây nên như sốt cao phiền khát, cảm, cúm, viêm gan cấp tính do nhiễm trùng, lỵ nhiễm khuẩn, viêm đường ruột cấp tính, viêm phổi, quai bị (viêm tuyến nước bọt), thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), đơn độc, mụn nhọt lở loét ngoài da, ...

Dân gian thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở: Cành lá bọ mẩy đem sao vàng, sắc nước uống, để giúp ăn ngon cơm và chóng lại sức. Một vài vùng thường hái lá non về nấu canh ăn.

Rễ có tính năng tương tự như cành lá, nhưng còn có thêm tác dụng trừ phong thấp và chống đau nhức.

Một số bài thuốc có sử dụng bọ mẩy:

    (1) Phòng cảm mạo: Mỗi ngày dùng 15-20g lá bọ mẩy tươi; sắc 2 nước, hợp hai nước lại, chia ra uống vào sáng và chiều; liên tục trong 6 ngày.

    (2) Phòng ngừa viêm não B, viêm màng não: Dùng lá cành bọ mẩy 15g, đậu tương 30g; sắc nước uống trong ngày; liên tục 7 ngày.

    (3) Dự phòng viêm đường hô hấp trên: Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm: Mỗi ngày dùng 15g đại thanh diệp (lá kèm cành non bọ mẩy); sắc 2 nước, hợp hai nước lại, chia ra uống vào sáng và chiều; liên tục trong 6 ngày. Tiến hành quan sát nhóm dối tượng được uống thuốc dự phòng bằng nước sắc lá bọ mẩy cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh đường hô hấp trên chỉ khoảng 10%. Trong khi đó nhóm đối chứng (không uống thuốc dự phòng) có tỷ lệ mắc bệnh tới 24%.

    (4) Chữa viêm phế quản mạn tính kèm theo ho, khó thở: Dùng cành lá bọ mẩy tươi 30g, lá nhót tươi 30g, hạt củ cải 15g; sắc nước uống trong ngày. Đây là một kinh nghiệm dân gian đã lưu truyền từ lâu đời ở Việt Nam và Trung Quốc. Bệnh viện Nam Thông (Trung Quốc) đã tiến hành kiểm nghiệm kinh nghiệm này. Kết quả cho thấy: Tác dụng chống ho và trừ đờm của bài thuốc trên tương đối tốt, nhưng tác dụng chống khó thở trong bệnh hen không rõ ràng. Tác dụng đối với viêm phế quản đơn thuần tốt hơn so với trường hợp viêm phế quản kèm theo phế khí thũng.

Như vậy, kinh nghiệm người bạn mách là có cơ sở. Tuy nhiên, bạn vẫn nên đến khám ở một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc cho biết bài thuốc trên có phù hợp với thể tạng và bệnh tình của bạn hay không.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]