Hỏi đáp

Những vị thuốc quý từ cây sim

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/05/2014 09:20 SA

Hỏi:

Ở chỗ tôi, cây sim mọc hoang trên khắp các quả đồi và ven đường đi. Tôi rất thích bài thơ "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, cũng như cây sim. Tôi cũng nghe các cụ nói, sim là một cây thuốc quý, vậy sim có thể sử dụng để chữa những bệnh gì? Rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Lê Duy Thứ, Thái Nguyên

Đáp:

sim, cât sim, sơn nẫm, cương nẫm, nẫm tử, đào kim nương, Rhodomyrtus tomentosa Wight, họ Sim (Myrtaceae)

Sim

Sim là một cây thuốc đã được sử dụng trong Đông y từ rất lâu đời. Trong các sách thuốc Đông y, cây sim có tên là "sơn nẫm", "cương nẫm", "nẫm tử", "đào kim nương", ... tên khoa học là Rhodomyrtus tomentosa Wight, thuộc họ Sim (Myrtaceae).

Theo Đông y:

    - Quả sim: Có vị ngọt chát, tính bình. Có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), sáp trường, cố tinh. Dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, lỵ, thoát giang, tai ù, di tinh, băng huyết, đới hạ, ... Khi quả sim chín, có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Liều dùng: 12-15g khô (30-60g tươi) sắc với nước hoặc ngâm rượu uống; dùng ngoài thiêu tồn tính, nghiền mịn, bôi vào chỗ bị bệnh.

    - Lá sim: Có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng chỉ thống (giảm đau), tán nhiệt độc, chỉ huyết, hút mủ, sinh cơ. Dùng để chữa đau đầu, tả lỵ, cam tích, ngoại thương xuất huyết, ghẻ lở, chân lở loét, ... Lá có thể thu hái quanh năm. Liều dùng: Dùng trong từ 15-30g; dùng đắp ngoài không kể liều lượng.

    - Rễ sim: Có vị ngọt, hơi chua; tính bình. Có tác dụng trừ phong thấp, cầm máu, giảm đau. Dùng chữa viêm gan, đau bụng, băng huyết, phong thấp đau nhức, sán khí, trĩ lở loét, bỏng lửa, ... Rễ có thể thu hái quanh năm để dùng làm thuốc. Liều dùng: Dùng trong từ 30-50g; dùng ngoài thiêu tồn tính, nghiền mịn, bôi vào vết thương.

"Thuốc vườn nhà" xim giới thiệu phương pháp sử dụng các bộ phận của cây sim để chữa trị một số bệnh thường gặp:

Quả sim:

    (1) Chữa chảy máu mũi: Dùng quả sim khô 20g, nước 3 bát, sắc còn nửa bát, uống hết trong 1 lần.

    (2) Chữa đại tiện xuất huyết: Dùng quả sim khô 20g, nước 2 bát (khoảng 400ml), sắc còn 8 phần (khoảng 320ml), chia 2 lần uống trong ngày; liên tục trong 1 tuần.

    (3) Chữa thoát giang (lòi dom, trực tràng lòi ra ngoài hậu môn): Dùng quả sim tươi 30-60g (khô 15-30g) nấu với dạ dày lợn, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.

    (4) Chữa băng huyết, thổ huyết, đao thương xuất huyết: Dùng quả sim khô sao đen như than, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần; mỗi lần uống 12-15g, chiêu thuốc bằng nước sôi; đối với vết thương bên ngoài có thể dùng bột thuốc bôi vào.

    (5) Phụ nữ mang thai thiếu máu, mới khỏi bệnh cơ thể suy yếu, thần kinh suy nhược: Dùng quả sim khô 15- 20g, sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày.

    (6) Chữa bỏng: Dùng quả sim thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu lạc, bôi vào chỗ vết thương.

Lá sim:

    (7) Chữa đau đầu kinh niên: Dùng lá và cành sim tươi 30g, cho vào nồi đổ ngập nước, đun còn nửa bát (khoảng 100ml); uống liên tục 2-3 ngày.

    (8) Chữa viêm dạ dày, viêm ruột cấp: Dùng lá sim tươi 50-100g (lá khô 15-20g), sắc nước uống.

    (9) Chữa ngoại thương xuất huyết: Dùng lá sim tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ vết thương.

Rễ sim:

    (10) Chữa phong thấp đau nhức xương, lưng đau mỏi: Dùng rễ sim 40g, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày (buổi sáng và buổi tối); có người còn thêm rễ gắm 20g, chân chim (ngũ gia bì) 20g vào cùng sắc uống.

    (11) Chữa hen suyễn (thể hư hàn): Dùng rễ sim khô 60g, sắc nước uống.

    (12) Chữa sốt rét lâu năm, dưới sườn sinh khối tích (ngược mẫu): Dùng rễ sim khô 60g, đường đỏ 100g, có thể thêm ô dược 15g vào, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày vào buổi sáng và buổi tối.

    (13) Cao hoàn sa xuống, sưng đau (sán khí, sa đì): Dùng rễ sim khô 30g, gà sống 1 con (khoảng 500g), rượu trắng 250ml; thêm nước vào hầm kĩ trong khoảng 2 giờ, chia thành 2-3 lần ăn trong ngày.

    (14) Chữa trĩ, giang môn lở loét: Dùng rễ sim khô 40-50g, hoa hòe 15-20g; cùng nấu kĩ với lòng lợn, khi chín bỏ bã thuốc, ăn lòng lợn và uống nước canh; liên tục trong nhiều ngày.

    (15) Chữa bỏng lửa: Dùng rễ sim khô đốt thành than, nghiền thành bột mịn, trộn với mỡ bò bôi vào vết thương.

    (16) Chữa viên gan truyền nhiễm cấp: Dùng rễ sim khô 30g, sắc kỹ với nước, chia 2 lần uống sau bữa ăn; mỗi liệu trình 20 ngày. Trường hợp vàng da nặng thì thêm cốt khí củ, nhân trần, bạch hoa xà thiệt thảo - mỗi thứ 15g, kê cốt thảo 30g; cùng sắc uống.

    (17) Trúng độc benzene mạn tính: Dùng rễ sim, nữ trinh tử, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) - 3 thứ lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên, mỗi viên 6-9g; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên; mỗi liệu trình 10 ngày. Uống đến khi huyết tương trở lại bình thường. Tại Trung Quốc các thầy thuốc đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm lâm sàng, có kết quả tốt.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]