Hỏi:
Tháng trước, tôi được anh bạn đi du lịch ở miền Nam về cho chai rượu thuốc. Nói rằng đó là loại rượu bổ, chiết từ cây mỏ quạ (một loại cây đặc sản ở đảo Phú Quốc), có tác dụng chữa nhức mỏi, đau lưng, đàn ông yếu sinh lý và xuất tinh sớm. Tôi rất thắc mắc, vì cây mỏ quạ ở quê tôi thường trồng làm hàng rào, và chỉ thấy một số người dùng để chữa chấn thương, lở loét ngoài da. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, ngoài tác dụng chữa chấn thương và bệnh ngoài da, cây mỏ quạ còn có những tác dụng gì khác?
Đoàn An Ninh, Phú Thọ
Đáp:
Trước hết, "mỏ quạ" là cách đặt tên theo kiểu dân gian, thường chỉ những loài cây mà một bộ phận nào đó, có hình dạng giống như mỏ con quạ. Trên thực tế, có khá nhiều cây cùng có cùng tên dân gian là "mỏ quạ"; tại các địa phương khác nhau, "mỏ quạ" có thể là những cây khác nhau rất xa về phương diện phân loại thực vật.
Những năm gần đây, có hai loài mỏ quạ tương đối thông dụng. Loài thứ nhất, ở đây "Thuốc vườn nhà" xin tạm gọi đó là cây "mỏ quạ gai" - là cây có gai giống như mỏ con quạ, phân bố rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc, Đông y gọi là "xuyên phá thạch". Loài thứ hai, ở đây "Thuốc vườn nhà" xin tạm gọi là "mỏ quạ quả" - là cây có quả giống như mỏ con quạ, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.
Cả hai loài mỏ quạ nói trên, đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng với những công dụng không giống nhau. Để tiện phân biệt, dưới đây xin giới thiệu về đặc điểm thực vật, dược tính và tác dụng cụ thể của từng loài.
• "Mỏ quạ gai" - xuyên phá thạch:
Cây mỏ quạ này mọc hoang và hay được trồng làm hàng rào, ở những đồi hoang hay đất vườn. Có thể trồng bằng cách cắt những đoạn thân bánh tẻ, đường kính 1-2cm, dài 15-25cm, cắm nghiêng, phủ đất ngập 2/3, tưới nước thường xuyên cho tới khi cây bén rễ thì thôi.
Dược liệu trong Đông y gọi là "xuyên phá thạch"; tuy nhiên theo địa phương, cây còn có những tên như "hoàng lồ", "vàng lồ", "chá căn", "địa cẩm căn", "la ngưu nhập thạch", "hoàng xà", ... tên khoa học là Cudrania cochinchinensis (Lour.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Mỏ quạ là loài cây nhỏ, thân mềm yếu, nhiều cành, tạo thành bụi, có khi mọc thành cây nhỡ, chịu khô hạn rất khỏe, có nhựa mủ trắng. Vỏ thân màu tro nâu, trên có nhiều bì khổng màu trắng, thân và cành có rất nhiều gai; gai già hơi cong xuống trông như mỏ con quạ (do đó cây được đặt tên là "mỏ quạ"). Lá mọc cách, hình trứng thuôn, hai đầu nhọn, mặt lá nhẵn, bóng, mép nguyên, nhấm có vị tê tê ở lưỡi (đặc điểm). Cụm hoa hình cầu, đường kính 7-10mm, màu vàng nhạt, mọc thành đôi hay mọc đơn độc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, đực cái khác gốc. Quả màu hồng họp thành quả kép. Mùa hoa tại Hà Nội (thời trước mọc hoang nhiều ở quanh Hồ Tây) là tháng 4, mùa quả tháng 10-11. Rễ hình trụ, có nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài, nếu gặp đá có thể xuyên qua được; do đó có tên "xuyên phá thạch" - có nghĩa là phá chui xuyên qua đá.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc, thường hay dùng nhất là lá tươi; người ta thường hái cả cành mang về nhà, rồi mới bứt lá riêng ra để sử dụng. Còn dùng thân, rễ, thu hái về rửa sạch, cắt thành từng mẩu 30-50cm, phơi hay sấy khô; vỏ ngoài màu vàng đất, vết cắt màu vàng nhạt, vị hơi tê tê.
Theo Đông y: Mỏ quạ có vị đắng nhẹ, tính mát. Có tác dụng lương huyết (làm mát máu), hoạt huyết phá ứ (thông mạch máu, tan máu tụ), chủ trị chấn thương sưng đau, phong thấp lưng gối đau mỏi, phụ nữ kinh bế, còn chữa lao phổi, viêm gan, ... Thường dùng chữa chấn thương do đòn ngã, gân cơ bầm dập ứ máu. Dùng lá giã đắp có tác dụng hoạt huyết tán ứ giảm đau. Đồng thời dùng thân cành 20-40g, sắc uống có tác dụng hoạt huyết tán ứ. Khi chữa phong thấp thường phối hợp với các vị thuốc có tác dụng khu phong trừ thấp, như cành dâu, quế chi, thiên niên kiện. Chữa viêm gan vàng da hoặc không vàng da thể thấp nhiệt (theo Đông y), thường dùng độc vị mỏ quạ hoặc phối với các vị thuốc có tác dụng thanh can như rau má, chó đẻ răng cưa, móp gai, quả dứa gai, ...
Một số ứng dụng cụ thể trong chữa bệnh của "mỏ quạ gai":
(1) Chữa vết thương phần mềm:
- Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lương y Nguyễn Văn Long (thôn Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), đã dùng lá mỏ quạ chữa cho hàng trăm thương binh, cán bộ và dân của tỉnh nhà. Sau kháng chiến, năm 1954, cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông y thời đó), đã mời ông Long về để thừa kế kinh nghiệm quý báu nói trên.
- Cách sử dụng cụ thể như sau: Lá mỏ quạ tươi lấy về rửa sạch, bỏ cọng, giã nhỏ đắp vào vết thương; nếu vết thương xuyên thủng thì phải đắp cả hai bên, băng lại; mỗi ngày rửa và thay băng 1 lần. Tùy theo vết thương, có thể thêm 1-2 vị thuốc khác. Thuốc rửa vết thương: Dùng là trầu không nấu với nước (40g lá trầu, 2 lít nước, nấu sôi, để nguội, thêm vào đó 8g phèn phi, hoà tan, lọc và dùng rửa vết thương). Thông thường sau 3-5 ngày đã thấy đỡ, sau đó 2 ngày mới cần rửa và thay băng một lần.
- Trường hợp vết thương tiến triển tốt, nhưng lâu đầy thịt thì sử dụng thuốc như sau: Lá mỏ quạ tươi và lá thòng bong - 2 vị lượng bằng nhau; giã lẫn cả 2 thứ, đắp lên vết thương, mỗi ngày rửa và thay băng một lần. Sau 3-4 ngày thì lại thay thuốc: Lá mỏ quạ tươi, lá thòng bong, lá hàn the (Desmodium heterophyllum DC.) - ba thứ lượng bằng nhau; cứ 3 ngày mới thay băng một lần để vết thương chóng lên da non. Sau 2-3 lần thay băng bằng 3 vị thuốc trên, thì rắc lên vết thương thuốc bột chế bằng phấn cây cau (sao khô) 20g, phấn cây chè (sao khô) 16g, ô long vĩ (bồ hóng) 8g, phèn phi 4g; các vị tán mịn, trộn đều rắc lên vết thương rồi để yên cho vết thương đóng vẩy và róc thì thôi.
(2) Chữa lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu: Rễ mỏ quạ 40g, dây rung rúc (rút rế) 30g, bách bộ 20g, hoàng liên ô rô 20g; sắc uống.
(3) Chữa kinh giản (lên cơn hàng ngày, hay 3-4 ngày phát một lần): Dùng cây vàng lồ, hạt cau, thảo quả - mỗi vị 20g; sắc uống (Hoạt nhân toát yếu).
• "Mỏ quạ quả" - mộc tiền to:
Cây này hay gặp ở rừng thưa, vùng bình nguyên và trung nguyên, độ cao từ 0-100m, ở miền Nam nước ta, hiện phân bố nhiều trong các khu rừng ở đảo Phú Quốc. Còn thấy mọc ở Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, ...
Loài mỏ quạ này còn có tên là "dây mỏ quạ to", "mộc tiền to", "song ly to", ... tên khoa học là Dischidia rafflesiana Wall. (D. major (Vahl) Merr.), thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Loại mỏ quạ này, là loài dây leo phụ sinh, thường ký sinh trên cây cổ thụ, có mủ trắng, thân không lông, mịn, đỏ và trăng trắng lúc khô. Lá đơn, mọc đối, và đặc biệt là có hai dạng. Loại lá thứ nhất là "lá thường" có phiến hình bầu dục, chóp nhọn, mập, dai, có lông mịn ở mặt trên. Loại thứ hai là "lá hình bầu", dài 5-7cm, có cạnh và miệng nhỏ ở gần cuống, mặt ngoài có tầng cutin dày, mặt trong có rễ. Hoa màu vàng tái, hợp thành tán, ít hoa ở nách, tràng hình bầu. Quả đại, dài 5-8cm, không lông, hạt nhỏ có lông mào dài 2-5cm. Hoa ra quanh năm.
Thời trước, dân gian vùng Cà Mau có kinh nghiệm dùng lá hình bầu, để chữa rắn hổ mang cắn. Tại Ấn Độ và Malaysia, dân gian dùng rễ lấy trong lá hình bầu, phối hợp với lá trầu không, làm thuốc trị ho; các thân bò cũng có thể dùng thay thế cho rễ.
Những năm gần đây, người ta còn dùng quả, hoặc một số bộ phận khác của cây, như lá, thân, ... đem ngâm với rượu đế, để chế thành thứ rượu có tên là "Rượu mỏ quạ". Một số người còn cho thêm vào đó một số vị thuốc Nam hoặc thuốc Bắc, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết và có vị ngọt để làm giảm bớt vị đắng của mỏ quạ. Theo như giới thiệu, rượu này có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa yếu sinh lý và đau nhức xương khớp, .... Tuy nhiên, theo chúng tôi biết, hiện tại chưa có kết quả nghiên cứu hoặc khảo sát một cách bài bản về tác dụng của loại rượu này. Khi nào có thêm tài liệu mới, "Thuốc vườn nhà" sẽ thông tin đến bạn đọc sau.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.