Hỏi:
Tôi nghe nói, cây bông mã đề dân gian thường dùng chữa đái rắt có thể làm rau ăn. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, ăn mã đề có bị ngộ độc không? Ngoài tác dụng chữa đái rắt, cây mã đề còn có thể sử dụng để chữa những bệnh gì khác?
Nguyễn Văn Tám, Thanh Hóa
Đáp:
Câu hỏi của bạn rất thiết thực. Hiện nay nhiều người thích đi tìm những vị thuốc hiếm, lạ, trong khi đó mã đề là loài cây sẵn có, mọc hoang khắp nơi, vừa có thể sử dụng làm rau ăn, vừa có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứng bệnh và tác dụng của nó đã được kiểm chứng trên thực tế qua hàng ngàn năm.
Mã đề trong Đông y gọi là "xa tiền thảo". Cây còn có những tên khác, như "mã đề thảo", "ngưu thiệt thảo", người Thái gọi là "nhả én dứt", người Thổ gọi là "su ma", ... tên khoa học là Plantago asiatia L. (Plantago major L. var. asiatica Decaisne), thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae).
Trước hết xin nhắc lại truyền thuyết liên quan tới tên "xa tiền thảo", cùng với tác dụng chính của vị thuốc này:
"Tương truyền, vào thời Tây Hán, danh tướng Mã Vũ của nhà Hán
bị quân Khương đánh bại và phải lánh vào một nơi hoang vu và khí hậu
lại rất khắc nghiệt. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, mà đêm đến mưa như
chút nước. Binh sĩ hết lương ăn và không có nước uống. Hết người này đến
người khác, bụng trướng lên đau buốt, đái nhỏ ra từng giọt máu và chết
dần. Xung quanh không có dân sinh sống, thì lấy đâu ra thức ăn và thuốc
chữa bệnh? Tình cảnh đúng là đành phải chịu bó tay!
Một hôm, có người lính bỗng phát hiện thấy những con ngựa do
mình trông coi lại không đái ra máu. Anh để ý thấy chúng thường ăn một
thứ cỏ có lá có hình dạng giống như tai trâu. Người lính đó hái mấy cây
ăn thử và bệnh đi đái ra máu cũng khỏi luôn. Biết được tin đó, Mã Vũ
liền hạ lệnh cho tất cả binh sĩ hái thứ cỏ lạ đó để ăn. Vài ngày sau,
binh sĩ và ngựa đều trở lại khỏe mạnh như thường.
Mã Vũ hỏi binh lính kiếm ra thứ cỏ đó ở đâu?
Họ trả lời: Thưa tướng quân, nó mọc ngay ở trước bánh xe của ngài!
Mã Vũ cười lớn: Đúng là ông Trời đã giúp ta, cho thứ cỏ mọc ngay trước xe!
Từ đó tác dụng chữa bệnh của thứ "cỏ mọc trước xe" bắt đầu lan truyền đi khắp nơi và về sau được ghi chép trong các sách thuốc. Cái tên "xa tiền thảo" đã xuất xứ từ truyền thuyết này, vì "xa" = xe, "tiền" = trước, "thảo" = cỏ."
Mã đề là một loại cỏ sống lâu năm, thân ngắn lá mọc thành cụm ở gốc, cuống dài, phiến lá hình thìa hay hình trứng, có gân dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá. Hoa mọc thành bông, có cán dài, xuất phát từ kẽ lá. Hoa đều, lưỡng tính, với 4 đài, xếp chéo, hơi đính nhau ở gốc, tràng màu nâu tồn tại, gồm 4 thùy nằm xen kẽ ở giữa các lá đài. Nhị 4 chỉ nhị mảnh, dài, 2 lá noãn chứa nhiều tiểu noãn. Quả hộp trong chứa nhiều hạt màu nâu đen bóng.
Mã đề mọc hoang khắp nơi, từ trên các ngõ xóm cho đến bờ rào, bờ ruộng, ven đê, ... đâu đâu cũng có thể tìm được thứ cây này. Mã đề có sức sống rất mạnh, hàng ngày bị người đi đường và trâu bò giẫm lên mà nó vẫn cứ mọc xanh tốt. Mã đề vừa có thể dùng làm rau ăn, lại cũng là một vị thuốc quý, nhưng hiện nay nhiều người do không biết nên rất coi thường.
• Dùng làm thức ăn:
(1) Lá mã đề: Có thể dùng làm thức ăn, vì có nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học có lợi đối với cơ thể. Mỗi 100g lá mã đề có 4g protein; 1g chất béo; 5,85mg carotene; 0,09mg vitamin B1; 0,25mg vitamin B2; 23mg vitamin C; 309mg canxi; 175mg phospho; 23,3mg sắt.
(2) Cháo mã đề: Cho đến nay vẫn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Món này nấu bằng lá mã đề, gạo tẻ, hành, muối và một chút mì chính. Có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, lợi tiểu và sáng mắt rất tốt.
(3) Canh mã đề: Món canh nấu bằng lá mã đề, hành, gừng và chút muối ăn có tác dụng chữa đái ra máu, niệu đạo đau buốt rất hiệu nghiệm (Theo Sách Thánh Tuế Tổng Lục quyển thứ 190).
• Dùng làm thuốc:
Theo Đông y: Mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc; vào 3 kinh Can, Thận và Tiểu trường. Có tác dụng lợi tiểu, thanh phế can, trừ phong nhiệt, thẩm thấp khí trong bàng quang, chữa đẻ khó, ho, trừ đờm, chỉ tả (cầm đi ngoài), sáng mắt và bổ dưỡng cơ thể. Trên thực tế, mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lỵ, mắt đỏ đau. Có thể dùng làm thuốc ho cho trẻ em, nhưng nhược điểm của loại thuốc này là dễ gây cho trẻ đái dầm.
Liều dùng: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ: Phàm những người đi tiểu quá nhiều, đại tiện táo, không có thấp nhiệt, thận hư, dương khí hạ giáng thì không nên dùng.
Một số bài thuốc tương đối đơn giản có sử dụng đến cây mã đề:
(1) Thuốc lợi tiểu: Xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, cam thảo 2g; nước 600ml (3 bát), sắc và giữ sôi trong nửa giờ; chia 3 lần uống trong ngày.
(2) Chữa phù thũng: Mã đề tươi 30g, đại phúc bì 15g, phục linh bì 20g, đông qua bì (vỏ bí xanh) 20g; đem sắc uống thay nước trong ngày.
(3) Chữa viêm đường tiết niệu cấp: Mã đề 20g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, kim tiền thảo 20g, chi tử (dành dành) 15g, ích mẫu thảo 15g, cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 30g, cam thảo 6g; sắc với nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục trong 10 ngày.
(4) Chữa viêm bể thận cấp tính: Mã đề tươi, cỏ bấc đèn tươi, rễ cỏ tranh tươi - mỗi thứ 50g; tất cả rửa sạch, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống; liên tục trong 5-7 ngày.
(5) Chữa sỏi bàng quang: Mã đề, kim tiền thảo, ngư tinh thảo (diếp cá) - mỗi thứ 30g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần uống; liên tục trong 5 ngày.
(6) Chữa tiểu tiện ra máu: Mã đề tươi 50g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi tươi) 50g; đem 2 thứ giã lấy nước cốt, hòa nước sôi, chia thành 2-3 lần uống trong ngày; cũng có thể đem sắc lên để uống.
(7) Chữa chảy máu cam: Mã đề, rễ cỏ tranh - mỗi thứ 30g, chi tử 10g, ngó sen 15g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
(8) Chữa cao huyết áp: Mã đề tươi 30g, ích mẫu thảo 12g, hạ khô thảo 20g, hạt muồng (sao đen) 12; sắc với nước, uống dần trong ngày.
(9) Chữa rụng tóc: Hái mã đề, rửa sạch, phơi khô, đốt thành than; sau đó trộn than này với dấm, ngâm trong 1 tuần, rồi bôi lên chỗ bị rụng tóc.
(10) Chữa ho tiêu đờm: Xa tiền thảo (cỏ mã đề) 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml; đun sôi trong nửa giờ, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, thì có thể thay bằng đường cho đủ ngọt cho dễ uống.
(11) Chữa viêm phế quản: Mã đề tươi 150g, muớp non 5 quả; cắt nhỏ, sắc nước uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần uống; liên tục trong 3-5 ngày.
(12) Chữa đau mắt đỏ: Mã đề tươi 15g, lá dâu 20g, kinh giới 15g, cúc hoa 10g; sắc với nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống; liên tục trong 3-5 ngày.
(13) Chữa lỵ cấp tính và mạn tính: Mã đề tươi 30 g, rau sam tươi 30 g; 2 thứ đem rửa sạch, đun nước uống hàng ngày như uống trà xanh.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcCAY BONG MA DE