Hỏi:
Trong các đơn thuốc Đông y, tôi thấy rất hay có vị thuốc tên là "Hoàng kỳ". Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, "Hoàng kỳ" có phải là "Kỳ nam" hay "Nam kỳ" hay không? Hoàng kỳ có tác dụng chữa những bệnh gì?
Đoàn Minh Thành, Hà Nội
Đáp:
Hoàng kỳ (Radix Astragali) là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ Astragalus menbranaceus (Fish) Bunge, hay cây Hoàng kỳ Mông Cổ (Astragalus mongholcus Bunge), đều thuộc họ Đậu (Fabaceae). Hai cây trên chưa phát hiện thấy mọc ở Việt Nam, vị thuốc Hoàng kỳ hiện tại vẫn phải nhập khẩu.
"Kỳ nam" là một loại "trầm hương" rất quý hiếm, cũng được sử dụng làm thuốc, nhưng với những tác dụng khác. Còn "Nam kỳ" là cách gọi tắt "Nam hoàng kỳ", chỉ những vị thuốc có sẵn ở Việt Nam, thường dùng để thay thế cho vị "Hoàng kỳ" (chính thống).
Trong sách thuốc Đông y: Hoàng kỳ được xếp vào loại thuốc "Bổ khí", là một trong số những vị thuốc được sử dụng với tần suất rất cao trong các đơn thuốc bổ.
Theo dược lý cổ truyền: Hoàng kỳ có vị ngọt, hơi ấm, vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng bổ khí thăng dương, ích vệ cố biểu, phù chính khu tà (tăng sức đề kháng), lợi thủy tiêu thũng, thác sang sinh cơ (trừ mụn nhọt lở loét, mau liền da thịt). Chủ trị các chứng nội thương suy nhược, tỳ hư khí nhược (chức năng tiêu hóa yếu), sắc diện nhợt nhạt hoặc vàng xạm, mệt mỏi đuối sức, kém ăn, ỉa lỏng, sa nội tạng, phù thũng, tiểu ít, băng lậu, ung nhọt không vỡ mủ, lở loét lâu ngày không liền da, da thịt tê dại, bán thân bất toại, méo miệng lệch mắt, ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hoàng kỳ có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể; thúc đẩy quá trình chuyển hóa sinh lý của tế bào, tăng cường chuyển hóa protit của huyết thanh và gan; tăng cường độ co bóp của tim bình thường, đối với trạng thái suy tim do mệt mỏi hoặc do nhiễm độc tác dụng cường tim của hoàng kỳ càng rõ. Đối với động vật thí nghiệm, nước sắc, cao lỏng và cồn thuốc hoàng kỳ đều có tác dụng hạ áp nhanh, nhưng thời gian tác dụng ngắn, có thể do làm giãn mạch ngoại vi; còn có tác dụng tăng sức đề kháng của mao mạch, do đó có thể đề phòng hiện tượng thẩm thấu của mao mạch tăng do clorofoc, histamin gây nên; bảo vệ tế bào gan; lợi tiểu, chống phù thũng; thí nghiệm lâm sàng cho thấy, hoàng kỳ dùng cùng với đảng sâm có tác dụng chữa protein niệu do viêm thận có kết quả tốt; kháng nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như trực khuẩn lỵ Shigella, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, tụ cầu vàng; ngoài ra còn có tác dụng kéo dài chu kỳ động tình ở chuột bạch, thông thường là 1 ngày kéo dài thành 10 ngày.
Xin giới thiệu 3 bài thuốc tiêu biểu có sử dụng hoàng kỳ:
(1) Bổ trung ích khí thang: Hoàng kỳ 24g, đảng sâm 15g, bạch truật 10g, chích cam thảo 6g, trần bì 9g, đương quy 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g; sắc nước uống. Dùng chữa các chứng suy nhược mạn tính do tỳ khí hư nhược (chức năng tiêu hóa yếu), mệt mỏi, kém ăn hoặc tiêu chảy kéo dài, sa tử cung, sa trực tràng, ...
(2) Ngọc bình phong tán: Hoàng kỳ 24g, bạch truật 8g, phòng phong 8g; tán bột, trộn đều; ngày uống 2 lần, mỗi lầy 6-8g, pha rượu hoặc sắc nước uống. Dùng chữa cơ thể suy nhược, hay vã nhiều mồ hôi; phòng ngừa cảm mạo và dị ứng.
(3) Đương quy bổ huyết thang: Hoàng kỳ 30g, đương quy 8g; sắc uống. Chữa chứng huyết hư sau khi mất nhiều máu; phụ nữ sau khi sinh nở cơ thể suy nhược, ...
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.