Hỏi:
Tôi bị cao huyết áp đã nhiều năm nay. Gần đây đọc báo thấy nói dùng hoa ngâu hãm trà hoặc sắc uống có thể chữa bệnh cao huyết áp. Tôi áp dụng thử, nhưng uống vào thấy người rất khó chịu. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, cây ngâu có thể sử dụng để chữa những bệnh gì? Vì sao tôi uống vào lại thấy khó chịu?
Khắc Bình, Hà Nội
Đáp:
Cây ngâu
Ngâu là một loài cây rất quen thuộc. Hoa ngâu thơm, nên thường được trồng để lấy hoa ướp trà uống. Cây ngâu có dáng đẹp, cành mềm, dễ uốn tỉa thành cây bonsai, nên còn hay được trồng làm cảnh trong vườn nhà, cơ quan và nhưng nơi chùa chiền.
Trong các sách thuốc, cây ngâu được gọi là "mễ tể lan"; còn rất nhiều tên khác nữa, như "thụ lan", "ngư tử lan", "thiên lý hương", "toái mễ lan", "lan hoa mễ", "chu lan", "mộc chu lan", ...
Ngâu là loại cây nhỡ, nếu không cắt tỉa, để mọc bình thường, cây có thể cao tới 5-7m. Lá kép lông chim lẻ, có 2-3 đôi lá chét nhỏ, hình trứng ngược, đầu tù, cuống lá có cánh. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, hình cầu nhỏ, cuống dài mảnh. Hoa nhỏ màu vàng, rất thơm, lưỡng tính, hoa đực do nhụy tiêu giảm thành. Quả hạch, hình cầu hay hình trụ; màu đỏ tươi hay vàng; chứa một hạt gồm 2 mảnh. Hạt có áo hạt mỏng; quả ngọt mát, ăn được.
Cành, lá và hoa ngâu có thể dùng làm thuốc. Hoa thu hái mùa Hè, phơi khô, bảo quản nơi khô thoáng để dùng dần; cành lá thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Theo Đông y:
- Cành, lá ngâu: Có vị cay, tính hơi ấm; vào 3 kinh Phế, Vị và Can. Có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng chỉ thống (tiêu sưng giảm đau), trừ phong thấp. Dùng chữa phong thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, gãy xương, ung nhọt lở loét, ...
Theo sách "Cây thuốc Việt Nam" của lương y Lê Trần Đức: Lá ngâu gây nôn mạnh. Có thể sử dụng chữa hen suyễn lên cơn, đờm tắc nghẹt thở; hoặc sốt rét do đờm tích lâu ngày; cũng có thể dùng giải ngộ độc. Dùng với liều 20g, giã vắt lấy nước cốt hay 30g sắc uống 1 lần. Sau khi xổ đờm ra, hay nôn được chất độc ra rồi, thì cho ăn cháo đậu xanh cho đỡ mệt và giải độc; sau đó dùng tiếp các thuốc khác để chữa bệnh.
Dân gian còn dùng lá chữa sốt vàng da, phối hợp với lá hay quả dành dành, cỏ mã đề, mỗi thứ 10-16g, sắc uống.
Lá còn dùng nấu nước tắm ghẻ.
- Hoa ngâu: Có vị ngọt cay, tính bình. Có tác dụng tuyên Phế chỉ khái (điều hòa chức năng tạng Phế, chống ho), hành khí, khoang trung, giải uất. Dùng chữa tức ngực, ngột ngạt do khí uất; bụng trướng đầy do thức ăn tích trệ, ho do cảm mạo.
- Cách dùng, liều dùng:
Cành, lá dùng từ 9-12g; sắc lấy nước uống; dùng ngoài hái lá tươi, giã nát, trộn với rượu, sao nóng đắp.
Hoa dùng từ 3-9g sắc uống hoặc hãm trà uống.
- Chú ý, kiêng kỵ: Theo sách "Tứ Xuyên trung dược chí", phụ nữ có thai kỵ dùng cành, lá ngâu.
Trở lại vấn đề sử dụng hoa ngâu để chữa cao huyết áp.
Muốn sử dụng Đông dược để chữa bệnh, cần tiến hành "biện chứng luận trị" - nghĩa là căn cứ vào các triệu chứng biểu hiện cụ thể, để nhận biết thể bệnh, trên cơ sở đó chọn dùng phép trị, bài thuốc, vị thuốc thích hợp.
Theo nguyên tắc "biện chứng luận trị", bệnh tăng huyết áp thường được chia ra một số các thể bệnh như sau:
1. Thể Can dương thượng cang;
2. Thể Can thận âm hư;
3. Thể Đàm thấp nội trở;
4. Thể Ứ huyết nội đình;
5. Thể Âm dương lưỡng hư.
Hoa ngâu, có thể sử dụng để chữa cao huyết áp thuộc các thể "Đàm thấp nội trở" và "Huyết ứ nội đình"; hai thể bệnh này thường gặp ở những người béo phì hay những người mắc bệnh lâu ngày.
Bạn cần tìm đến với thầy thuốc Đông y, để được chẩn bệnh và xách định chính xác thể. Như vậy, sử dụng thuốc mới có hiệu quả và tránh được những phản ứng phụ không như mong muốn.
Trong Đông y không có vị thuốc, bài thuốc nào có thể chữa khỏi được bệnh cao huyết áp cho tất cả mọi người. Hoa ngâu cũng chỉ có thể sử dụng để chữa cao huyết áp cho một số cá thể nhất định.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.