Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng cá mực chữa phụ nữ bế kinh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/07/2013 12:37 SA

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, cá mực là loại thức ăn rất tốt đối với phụ nữ và có thể dùng để chữa khỏi vô kinh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng thì phải sử dụng như thế nào? Ngoài ra, thịt cá mực còn có thể dùng chữa những bệnh gì khác?

Lê Thị Mai, Nha Trang

Đáp:

con mực, cá mực, con cá mực, mực, ô tặc cốt, thịt cá mực, ô tặc ngư nhục

Cá mực

"Vô kinh" trong Đông y gọi là "bế kinh". Phụ nữ đang hành kinh bình thường, đột nhiên bị tắt kinh, mà không phải do có thai, đồng thời kèm theo một số chứng trạng bệnh lý toàn thân, thì Đông y gọi là bị "bế kinh" (Tây y gọi là "vô kinh thứ phát" - đang có kinh tự nhiên không có). Cần phân biệt với trường hợp "vô kinh nguyên phát" - là con gái đã đến tuổi dậy thì mà hoàn toàn không thấy có kinh, cần đi khám phụ khoa để xác định chính xác nguyên nhân, trong phạm vi bài viết này "Thuốc vườn nhà" xin được không đề cập.

"Bế kinh" trong Đông y chia thành 2 thể chính: "Hư bế" và "thực bế".

"Hư bế" là bế kinh do cơ thể suy nhược, khí huyết không đầy đủ, hoặc các tạng can thận bị hư nhược gây nên. "Thực bế" là do khí trệ huyết ứ, đàm thấp ứ đọng bên trong cơ thể, hoặc ngoại tà xâm phạm vào cơ thể mà gây nên bệnh. Nếu là "hư bế", thì có thể sử dụng thịt cá mực để chữa.

Trở lại với cá mực, một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và cũng là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Về mặt dinh dưỡng, thịt cá mực có hàm lượng cao các protein và các chất polypeptide; lượng chất béo rất thấp; còn có hàm lượng nhất định các hợp chất carbohydrate, muối vô cơ, các vitamin, can-xi, phốt-pho, sắt, ...

Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy: Các chất polypeptide trong cá mực, có tác dụng kháng vi-rút và chống tia phóng xạ rất tốt.

Về tác dụng chữa bệnh, từ xưa ở phương Đông, tất cả các bộ phận của con mực đều có thể sử dụng làm thuốc, hay sử dụng nhất là mai (vị thuốc gọi là "ô tặc cốt") và thịt cá mực (gọi là "ô tặc ngư nhục"). "Thuốc vườn nhà" đã có bài viết giới thiệu cách "Dùng mai mực chữa đau dạ dày", nay xin chỉ giới thiệu thêm về tác dụng chữa bệnh của thịt cá mực.

Trong y học cổ truyền, thịt cá mực được xem như một loại "Thức ăn - Vị thuốc" có tác dụng tư âm bổ máu (nuôi dưỡng âm dịch và bổ máu).

Theo Đông y: Thịt cá mực (ô tặc ngư nhục) có vị mặn, tính bình, vô độc; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng dưỡng huyết tư âm. Thường sử dụng chữa phụ nữ kinh bế do huyết hư (máu xấu, thiếu máu), băng lậu, khí hư đới hạ.

Các nhà dưỡng sinh cổ đại cho rằng, do có tác dụng dưỡng huyết tư âm, điều kinh đới (điều hòa kinh nguyệt, chữa khí hư, huyết trắng), lợi thai sản, nên thịt cá mực là món ăn rất quý đới với nữ giới, nếu điều kiện cho phép phụ nữ nên thường xuyên sử dụng.

Nói theo cách ngày nay, thịt cá mực là một loại "Thực phẩm chức năng" có nhiều tác dụng tốt, nhất là đối với sức khỏe của nữ giới.

Sách "Y lâm soạn yếu” - một cuốn y thư cổ nổi tiếng đã từng đánh giá: Thịt cá mực có tác dụng tốt đối với hệ tim mạch (bổ tâm thông mạch), trừ nhiệt tà và bảo vệ tinh khí (khư nhiệt bảo tinh), ... Xào ăn tác dụng dưỡng huyết tư âm càng mạnh, ... Là món ăn rất thích hợp với phụ nữ huyết hư, kinh bế, băng lậu, đới hạ. Nam giới huyết hư sử dụng cũng có tác dụng bổ dưỡng rất tốt. Còn người khỏe mạnh ăn vào thì thân thể sẽ càng khỏe mạnh.

Để chữa bế kinh, Đông y thường sử dụng bài thuốc "Ô tặc đào nhân ẩm", với thành phần chính là thịt các mực, cụ thể như sau: Thịt cá mực 120g (rửa sạch, thái lát), đào nhân (nhân hạt đào) 15g (giã nhỏ); cho 2 thứ vào nồi, thêm gừng, hành, muối, nước lượng thích hợp, nấu đến khi thịt cá mực chín nhừ là được; sử dụng theo từng liệu trình, mỗi liệu trình liên tục 5-7 ngày, giữa các liệu trình ngừng sử dụng 3-5 ngày.

Ngoài chữa bế kinh, còn thường sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh khác, cho cả nam giới và nữ giới, như sau:

    (1) Cháo cá mực: Cá mực 250g (rửa sạch, thái phiến), gạo tẻ 50-60g (vo sạch); cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, nấu cháo; cháo chín thêm gừng, muối, gia vị, ... chia ra ăn hết trong ngày. Cháo này có tác dụng kiện tỳ bổ thận, sáp tinh chỉ đới rất tốt. Có thể sử dụng để chữa nam giới bị di tinh hoặc sản phụ mới sinh con bị thiếu sữa (với trường hợp thiếu sữa, nếu có điều kiện thêm chân giò, cùng nấu cháo, tác dụng càng mạnh).

    (2) Chữa đau thắt lưng: Dùng mực khô 1-2 con, đỗ trọng 30g; cá mực thái nhỏ, đỗ trọng bọc lại; hai thứ cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp, mắm muối gia vị, ... hầm chín; ăn thịt cá mực và uống nước canh.

    (3) Mặc ngư đông qua xích tiểu đậu ẩm: Dùng cá mực tươi 1 con (khoảng 250g), bí đao liền cả vỏ 500g, xích tiểu đậu 100g; thêm hành không thêm muối, nước lượng thích hợp, nấu chín nhừ, ăn liên tục 3-5 ngày. Có thể dùng chữa phù thũng do viêm thận cấp tính, bụng tích nước do bệnh gan.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]