Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Sử dụng cây mướp chữa thiếu sữa và các chứng xuất huyết

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/07/2013 08:46 SA

Hỏi:

Dân gian có kinh nghiệm dùng trái mướp cho sản phụ thiếu sữa ăn, tôi áp dụng cho người nhà thấy kết quả tốt. Gần đây tôi lại nghe nói, trái mướp còn có thể dùng chữa các chứng xuất huyết. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không?

Kim Anh, Hà Nội

Đáp:

cây mướp, mướp, lá mướp, ty qua diệp, dây mướp, ty qua đằng, hoa mướp, ty qua hoa, trái mướp, ty qua, xơ mướp, ty qua lạc, rễ mướp, ty qua căn, hạt mướp, vỏ quả mướp

Mướp hương

Mướp là loài cây rất dễ trồng. Nhưng nói chung người ta chỉ trồng mướp để lấy quả làm rau ăn, ít người biết sử dụng cây mướp để làm thuốc chữa bệnh. Thực ra, tất cả các bộ phận của cây mướp, đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh.

Theo Đông y:

    - Lá mướp (ty qua diệp): Có tác dụng thanh nhiệt giải độc; dùng chữa trị bỏng, ung nhọt, lở ngứa, rắn cắn, ...

    - Dây mướp (ty qua đằng): Có tác dụng thư cân, hoạt huyết, kiện tỳ, sát trùng; dùng chữa trị lưng gối và tứ chi tê mỏi, kinh nguyệt không điều hòa, thủy thũng, sâu răng, viêm mũi, ...

    - Hoa mướp (ty qua hoa): Có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; dùng chữa ho, viêm họng sưng đau, viêm xoang mũi, đinh nhọt, ...

    - Trái mướp (ty qua): Có vị ngọt, tính mát, không độc; có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, lương huyết, giải độc; dùng chữa chứng sốt nóng khát nước, ho, hen suyễn, trĩ lở loét, rong huyết, băng huyết, tiểu ra máu, tắc sữa, mụn nhọt lở loét ngoài da, ...

    - Xơ mướp (ty qua lạc): Có vị ngọt, tính bình; có tác dụng trừ phong, thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết; dùng chữa trị phong thấp khớp xương đau nhức, gân mạch co rút, chân tay tê đau, đòn ngã tổn thương, sản phụ tắc sữa, thiếu sữa, vú sưng đau, đại tiện xuất huyết, ...

    - Rễ mướp (ty qua căn): Có tác dụng hoạt huyết, thông lạc, tiêu thũng; dùng chữa trị chứng đau nửa đầu, đau thắt lưng, viêm tuyến vú, viêm ruột, trĩ lở loét, ...

Ngoài ra, hạt mướp, vỏ quả mướp, cũng có thể sử dụng làm thuốc.

Đúng như bạn viết, trái mướp có tác dụng chữa sản phụ thiếu sữa cho con bú khá tốt. Thông thường, dân gian hay dùng trái mướp nấu với chân giò lợn cho sản phụ ăn. Ngoài ra, còn có thể dùng trái mướp để chế biến nhiều món ăn khác. Để tham khảo, "Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu thêm một số cách sử dụng khác tương đối đơn giản, cụ thể như sau:

    (1) Dùng cá diếc 2 con (khoảng 500g), trái mướp (thịt quả) 200g; nấu canh ăn.

    (2) Dùng trái mướp 250g, hạt sen 60g, trứng gà 1 quả, dầu vừng, mắm muối gia vị lượng thích hợp; mướp thái sẵn thành miếng nhỏ, hạt sen ninh nhừ, cho mướp vào nấu tiếp 5 phút, đập trứng gà vào, thêm dầu vừng, mắm muối gia vị cho hợp khẩu vị; ngày ăn 1 lần, liên tục 7-10 ngày.

    (3) Dùng mướp 10 trái (thái nhỏ, sấy khô), vừng đen (mè đen) 120g, đường đỏ 60g, hạt óc chó (hạch đào nhân) 60g; tất cả cùng nghiền mịn, trộn đều; ngày dùng 10-15g bột thuốc, sắc lấy nước uống.

Mướp còn có thể sử dụng chữa nhiều chứng bệnh khác; với các chứng xuất huyết, có thể sử dụng theo một số cách sau:

    (1) Chữa các loại xuất huyết: Dùng trái mướp già 100-120g, đường trắng 50g; mướp rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước, hòa đường trắng vào, để nguội; chia ra nhiều lần uống trong ngày. Hoặc dùng xơ mướp thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất thuốc), sau đó tán thành bột mịn, cất vào lọ nút kín dùng dần; khi có bệnh, ngày 3 lần, mỗi lần uống 2g. Có tác dụng chữa nhiều loại xuất huyết, như đổ máu cam, trĩ xuất huyết, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, tử cung xuất huyết, ...

    (2) Chữa phụ nữ băng huyết: Dùng lá mướp sao cháy đen, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-15g, chiêu thuốc bằng nước sôi pha thêm chút rượu trắng. Hoặc dùng trái mướp và tông lư (cuống lá hay bẹ móc của cây cọ cảnh) - lượng bằng nhau; thiêu tồn tính, tán mịn, trộn đều; hòa với rượu, uống lúc đói bụng, ngày 3 lần, mỗi lần uống 3- 6g.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]