Hỏi:
Tôi
được người bạn cho đơn thuốc gia truyền chữa hen phế quản, trong đó có
vị thuốc tên là "đậu sị". Tôi tìm mãi mà không mua được vị thuốc này. Có
người bảo có thể dùng đậu đen thay thế, nhưng tôi còn băn khoăn. Đề
nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết đậu sị là vị thuốc như thế nào? Có thể dùng đậu đen thay thế được không?
N.V.T, Hà Nội
Đáp:
Đậu sị
Câu hỏi của bạn liên quan đến vị thuốc Đông y, có tên là "đạm đậu thị" - 淡豆豉. Âm Hán Việt của chữ 豉 có sách đọc là "thi" (không có dấu nặng). Ngoài Bắc thường gọi vị thuốc là "đậu sị" hay "đạm đậu sị", còn miền Nam thường gọi là "đậu xị" hoặc "đạm đậu xị".
"Đậu sị" (đậu xị) là một vị thuốc chế biến từ đậu đen (hoặc đậu tương), chứ không phải đậu đen nguyên chất.
Đậu sị được chế biến theo nhiều phương pháp, nhưng thông dụng nhất là 2 phương pháp sau:
1. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước một đêm. Sau đó đồ chín, tãi đều trên
nia, đợi cho ráo nước thì phủ lá chuối lên cho kín. Sau 3 ngày mở ra
xem, nếu thấy có mốc vàng là được. Vẩy nước cho ẩm đều, cho vào thúng
phủ lá dâu tằm cho kín, đợi cho lên mốc vàng, lại đưa ra phơi cho khô,
rồi lại tưới nước cho ẩm đều, lại phủ lá dâu tằm và ủ. Cứ làm như vậy
cho tới khi tất cả đậu có mốc vàng đều, thì lấy ra phơi ở nhiệt độ 50-60
độ C cho đến khô là được.
2. Sắc nước lá dâu và thanh cao
(cứ 100kg đậu đen thì dùng 4kg lá dâu và 7kg thanh cao). Lọc bỏ bã, cho
đậu đen vào trộn đều, nấu cho đến khi đậu đen hút hết nước sắc và chín
đều. Lấy ra đợi cho còn hơi ấm thì cho vào thúng. Rải bã lá dâu và thanh
cao lên. Ủ kín và chờ cho lên men màu vàng đều, lấy ra phơi hay sấy khô
là được.
Tuy phương pháp chế đậu sị khác nhau, nhưng cơ bản
là đậu đen sau khi nấu chín, ủ cho lên mốc vàng vài ngày, rồi phơi khô,
để dùng làm thuốc.
Trong đậu sị, có những thành phần của đậu
đen, nhưng sau khi đã nấu chín và cho lên men, còn xuất hiện thêm một số
men và thành phần khác. Vì vậy, tác dụng của đậu sị không hoàn toàn
giống như đậu đen.
Đậu sị là một vị thuốc đã được sử dụng
trong Đông y từ rất lâu đời. Hiện tại, trong các sách Đông dược lâm
sàng, đâu sị được xếp vào nhóm thuốc "Phát tán phong nhiệt" (thuốc giải trừ phong nhiệt), trong loại thuốc "Giải biểu" (Thuốc giải trừ tác nhân gây bệnh từ bên ngoài).
Theo Đông y:
Đậu sị có vị đắng, tính hàn, vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng giải
biểu trừ phiền. Dùng làm thuốc thanh nhiệt sơ khởi, khi sốt, khi rét,
đầu nhức, ngực đầy trướng, phiền nhiệt. Trên lâm sàng hiện nay đậu sị
thường được dùng chữa cảm mạo, thương hàn, đầu nhức, sốt, sốt rét, trong
người phiền muội, hai chân lạnh nhức; còn dùng chữa lỵ. Mỗi ngày dùng
12-24g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu thêm một số đơn thuốc có sử dụng đậu sị để bạn tham khảo:
(1) Chữa trẻ con lên đơn, chảy nước:
Đậu sị sao cho cháy có khói lên, hết khói thì lấy ra tán nhỏ, hòa dầu
vừng hay dầu lạc hoặc dầu thầu dầu hoặc mỡ lợn bôi lên nơi lở loét.
(2) Chữa mụn nhọt đinh độc: Nấu đậu sị cho nhừ nát, đắp vào nơi sưng đau; chừng 3-4 lần thấy đỡ và khỏi.
(3) Chữa hen suyễn (khi trở trời mưa thì phát), ăn uống không được, nằm ngồi không yên:
Đậu sị 40g, thạch tín 4g, khô phàn 12g; tất cả tán nhỏ viên bằng hạt
đậu xanh; mỗi lần uống 7-9 viên, uống trước khi đi ngủ. Theo kinh nghiệm
dân gian uống thuốc này không được dùng thức ăn nóng hay nước nóng.
Không nên dùng quá liều. Thường chỉ dùng trong vòng 7-8 ngày.
Lưu ý:
Trong đơn thuốc chữa hen này có sử dụng "thạch tín" - là vị thuốc rất
độc, phải bào chế rất tinh tế theo đúng phương pháp mới có thể phát huy
tác dụng và tránh ngộ độc. Đơn thuốc giới thiệu ở đây chỉ để tham khảo,
với mục đích mở rộng kiến thức. Nói chung, chỉ những thầy thuốc có kinh
nghiệm lâu năm mới sử dụng được, bình thường không tùy tiện sử dụng theo
lời mách bảo.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.