Hỏi:
Tôi
có người nhà trước kia nghiện rượu nặng. Nay đã cai rượu, nhưng cơ thể
vẫn còn rất yếu. Theo các bác sĩ nói, đó là do nhiễm độc cồn mạn tính.
Gần đây tôi nghe nói, củ đậu có tác dụng giải độc rượu rất tốt. Đề nghị
"Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cách dùng để giải độc như
thế nào?
Nguyễn Thị Nhung, Nam Định
Đáp:
Củ
đậu còn có rất nhiều tên gọi khác, như "củ sắng", "củ sắn", "sắn nước"
(miền Nam), "mằn cát", "mằn phao" (dân tộc Tày), "thổ qua", "lương qua",
"lương thự", "cát qua", "cát thự", "thổ la bặc", "địa la bặc", ... tên
khoa học là Pachyrrhizus erosus (L.) Urb., thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Củ
đậu được trồng ở nhiều nơi, cả đồng bằng cũng như miền núi, để lấy rễ
củ ăn. Cây củ đậu là một loại cây leo, có rễ củ hình như con quay lớn.
Lá kép gồm 3 lá chét, mỏng, hình quả trám dài 4-8cm, rộng 4-12cm, những
lá phía dưới không đối xứng. Hoa màu tím nhạt, khá lớn, mọc thành chùm
dài ở kẽ lá. Quả hơi có lông, không cuống, dài 12cm, rộng 12mm, ở khe
các hạt hơi lõm xuống. Trong quả có tới 9 hạt, đường kính chừng 7mm,
hình thấu kính. Hạt cứng khó giã nhỏ.
Củ đậu được sử dụng làm thuốc trong Đông y và dân gian từ rất lâu đời.
Theo Đông y:
Củ đậu có vị ngọt, tính mát; vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng sinh tân
chỉ khát (tăng dịch sinh lý, chống khát) và giải độc rượu.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy:
-
Trong rễ củ (củ đậu), sau khi đã bóc vỏ có tới 90% nước, 2,4% tinh bột,
4,51% đường toàn bộ; 1,46% protid, 0,39% chất vô cơ, không thấy có chất
béo, không thấy có tanin, không có axit xyanhydric; có men peroxyđaza,
amylaza và photphataza.
- Trong hạt củ đậu có 12,27% độ
ẩm, 20,13% chất béo, 30,61% chất protid, 4,8% tanin, 5,85% tinh bột,
3,25% đường toàn bộ. Trong hạt của cây củ đậu có các chất độc tên là
rotenon và tephrosin. Trong lá cũng có các chất như trong hạt.
Như vậy: Cây củ đậu cho ta rễ củ (thường gọi là củ) ăn được, nhưng lá và hạt có chất độc.
Hạt
củ đậu có chất độc nên chỉ được dùng để chữa bệnh ngoài da; một số nơi
người ta giã nhỏ hạt rồi hòa vào nước để duốc cá. Lá rất độc đối với
trâu bò, nhưng đối với ngựa thì ít độc hơn; chú ý không cho trâu bò ăn
lá củ đậu để tránh bị ngộ độc; lá cũng độc với cá, nên cũng có thể dùng
để duốc cá. Một số nơi cũng dùng lá để chữa bệnh ngoài da, như hạt.
Trở lại tác dụng giải độc cồn của củ đậu.
Theo những tài liệu chúng tôi tiếp cận được, đây là một kinh nghiệm đã
lưu truyền trong dân gian từ lâu đời và được ghi lại trong nhiều sách
Đông dược.
Thí dụ, theo sách "Tứ Xuyên trung dược chí" và "Trung dược đại từ điển", cách sử dụng củ đậu để giải độc rượu cụ thể như sau:
Dùng củ đậu lượng thích hợp; gọt vỏ, thái nhỏ, trộn với đường cát cho
đủ ngọt; chia ra ăn trong ngày. Hoặc cũng có thể ăn trực tiếp củ đậu. Có
tác dụng giải say rượu khi uống quá chén. Nếu sử dụng thường xuyên, có
tác dụng giải độc do nhiễm độc cồn mạn tính, ở những người nghiện rượu
lâu ngày.
Theo sách "Thực vật dược dụng chỉ nam", còn có thể sử dụng củ đậu để chữa một số chứng bệnh khác:
(1) Bệnh nhiệt, miệng khát:
Dùng củ đậu sống 100-200g; gọt bỏ vỏ, thái thành miếng nhỏ, giã nát,
thêm chút nước đã đun sôi, vắt lấy nước, thêm chút đường, hòa với nước
sôi uống; mỗi ngày 2-3 lần.
(2) Viêm dạ dày mạn tính: Dùng củ đậu 500g; giã vắt lấy nước cốt, thêm mật ong lượng thích hợp; hấp chín ăn. Sử dụng thường xuyên sẽ thấy có tác dụng.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.