Hỏi đáp

Củ ấu dự phòng, hỗ trợ điều trị ung thư

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/12/2012 07:42 CH

Hỏi:

Có lần tôi nghe chương trình thông tin khoa học nói củ ấu có tác dụng tốt đối với người bệnh bị ung thư. Nhưng bản tin chỉ nói chung chung, nên muốn biết thêm về tác dụng phòng ung thư và chữa bệnh của loại củ này. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Trần Mạnh Thắng, Nam Định

Đáp:

cây củ ấu, quả ấu, củ ấu, ấu trụi, ấu nước, lăng, lăng giác, thủy lăng giác, Trapa bicornis L.

Cây củ ấu là loài cây được trồng ở các ao, đầm, khắp các nơi từ Bắc chí Nam. Cây còn có tên là "củ ấu", "ấu trụi", "ấu nước", "lăng", "lăng giác", "thủy lăng giác", ... tên khoa học là Trapa bicornis L., thuộc họ Ấu.

Cây ấu là một loài thủy sinh nổi, sống ở dưới nước, thân ngắn có lông, gốc dính vào bùn. Lá có hai loại, loại lá nổi trên mặt nước hợp thành hình hoa thị, có cuống dài phình to thành phao, phiến lá hình quả trám, mép có răng cưa, dài 4-5cm, rộng 6-7cm, mặt trên bóng, mặt dưới có lông ở các gân; loại lá chìm ở dưới nước có hình lông chim, tiêu giảm thành những mảnh hình sợi, dài 1-4cm. Hoa trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá, với 4 lá đài, cánh hoa nhẵn. Quả nạc, hình nón ngược, thường có hai "sừng", còn gọi là "gai", do các lá đài phát triển thành. Quả ấu dân gian thường gọi nhầm là "củ", vì chìm ở dưới nước. Tương tự như nhầm lẫn về quả lạc. "Củ lạc" thực ra cũng là một thứ "quả", quả lạc chín ở dưới đất nên thường gọi là "củ", lâu ngày thành quen. Khi trái ấu đã thành thục, nhưng chưa quá già, vỏ có màu nâu và lá không còn nằm ngang mà chếch lên so với mặt nước, dân gian gọi là "ấu nâng gương", thu hoạch  lúc này dễ, vì quả chưa bị rụng xuống bùn. Tới khi quả đã già, màu vỏ đã chuyển từ nâu sang đen sẫm và cứng như sừng, gọi là "ấu sừng trâu", nhân nhiều bột, cần thu hoạch ngay, để thêm nữa quả rụng xuống bùn khó thu hoạch.

Cây củ ấu là loài cây dân dã, từ lâu đã gắn bó với người dân ở những vùng đất trũng. Quả ấu bề ngoài đen đúa, méo mó và gai góc, nhưng phần thịt quả bên trong thì trắng nõn, ngọt, bùi.

Ca dao có câu:

    "Thân em như củ ấu gai,

    Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

    Ai ơi nếm thử mà xem,

    Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

Câu ca dao này nói về tố chất tiềm ẩn ở bên trong quả ấu, về phương diện dinh dưỡng, cũng như dược tính. Củ ấu ăn sống hay luộc ăn đều rất ngon, lại có thể dùng chế thành bột, trộn với mật hay đường làm bánh. Mặt khác, quả ấu, vỏ quả, cuống quả, cũng như tất cả các bộ phận như thân, lá của cây ấu, đều có thể sử dụng làm thuốc.

Tính năng và tác dụng chữa bệnh của cây ấu được ghi chép sớm nhất trong sách "Danh y biệt lục" của danh y Đào Hoằng Cảnh (456-536), cách nay đã hàng ngàn năm.

Theo Đông y: Củ ấu (thịt quả) để sống có vị ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải thử (chống nắng nóng), trừ phiền chỉ khát. Củ nấu chín có vị ngọt, tính bình; có tác dụng ích khí, kiện tỳ, tiêu thực, ích huyết, sinh tân dịch, thông Thận thủy, bình Can khí. Nói theo cách ngày nay, củ ấu là một loại "thực phẩm chức năng" có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ máu, tăng dịch thể và điều hòa chức năng của gan và thận.

Ngoài ra, cành, lá và cuống củ ấu có thể dùng chữa loét dạ dày, thịt thừa, mụn cơm (mụn cóc) và một số loại lở loét ngoài da. Vỏ củ chữa ỉa chảy, thoát giang, trĩ lở loét, ...

Về tác dụng phòng chống ung thư, theo sách "Ẩm thực trị liệu chỉ nam": Dùng quả ấu phòng ung thư là kinh nghiệm dân gian lưu truyền ở Nhật. Mỗi ngày dùng 20-30 quả ấu tươi, bóc lấy phần thịt quả, thêm lượng nước nhất định; nấu nhỏ lửa cho đến khi nước thuốc có màu nâu đặc; chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Sử dụng trong một thời gian dài có tác dụng dự phòng và hỗ trợ trị liệu tốt đối với ung thư thực quản và ung thư dạ dày.

Thử nghiệm tuyển chọn thảo dược chống ung thư tại Trung Quốc cho thấy, dung dịch rượu ngâm củ ấu có tác dụng chống ung thư gan, xơ gan cổ trướng. Để hỗ trợ trong chữa trị ung thư thực quản, ung thư vú, người ta thường dùng "cháo bột ấu" (lăng giác phấn chúc), chế biến như sau: Dùng gạo tẻ 50-100g nấu cháo; cháo gần chín, cho thêm 30-60g bột ấu, đường đỏ lượng thích hợp, nấu lại cho chín; dùng làm bữa sáng hoặc ăn điểm tâm. Có tác dụng ích khí kiện tỳ, phòng trị tiết tả mạn tính, tăng cường thể chất; còn dùng như biện pháp "thực liệu", hỗ trợ trong điều trị ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, còn sử dụng bài thuốc "Lăng thực tử đằng thang": Lăng thực, tử đằng, kha tử, ý dĩ nhân - mỗi thứ 9g; sắc uống ngày 2 lần. Có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư thực quản, ung thư dạ dày (Thực vật trung dược dữ tiện phương).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]