Hỏi:
Những năm gần đây, tôi thấy báo chí nói tới việc một số thầy lang có thể chữa khỏi bệnh cổ trướng. Xin hỏi, trên thực tế có đúng như vậy hay không? Mong được "Thuốc vườn nhà" cho lời giải đáp.
Trần Tuyết Mai, Ba Đình, Hà Nội
Đáp:
Bệnh "cổ trướng" trong Đông y tương ứng với bệnh "xơ gan" trong Y học hiện đại - Nhu mô gan, tổ chức liên kết, hệ thống tĩnh mạch, ống dẫn mật, ... bị tổn thương, dẫn đến thoái hóa nhu mô gan và xơ hóa tổ chức liên kết.
Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cổ trướng là do:
1. Ăn uống không điều độ, no đói thất thường, uống rượu quá nhiều, khiến cho Tỳ vị bị thương tổn;
2. Lo nghĩ quá độ, tình chí uất ức, khiến cho tạng Can bị thương tổn;
3. Sốt rét lâu ngày không được chữa trị triệt để hoặc do mắc phải một số bệnh nhiễm trùng khác.
Cổ trướng thời kỳ đầu, bệnh còn nhẹ, có thể sử dụng một số vị thuốc Nam quanh nhà để chữa trị, kết quả đạt được tương tối khả quan.
• Giai đoạn bệnh mới phát:
- Người sốt nhẹ, bụng to đầy, da hơi vàng, gan bàn tay nóng, kém ăn, lợm giọng, nôn ọe, lưỡi nhờn, mạch huyền hoạt (căng như giây đàn và trơn như hạt châu lăn trên đĩa).
- Có thể dùng các bài thuốc Nam có tác dụng sơ can (điều hòa chức năng gan mật), kiện tỳ (tăng cường chức năng tiêu hóa), tiêu tích trệ sau đây để chữa:
(1) Bài thuốc 1: Rau má 20g, lá mơ 16g, cỏ mần trầu 12g, dành dành (chi tử) 12g, cỏ nhọ nồi 12g, củ sả 20g, rễ cỏ tranh (bạch mao căn) 16g, vỏ quít 12g, gừng tươi 12g, cam thảo đất 12g; cho vào ấm đất, đổ ngập nước, sắc cạn còn một nửa; chia 3 lần uống lúc đói và trước khi đi ngủ.
Gia giảm: Nếu đại tiện táo bón thêm lá muồng trâu 16g; nếu ỉa lỏng thêm củ mài 16g, hạt đậu ván trắng 16g; cùng sắc uống. Cũng có thể tán thô các vị thuốc, hãm trong phích nước nóng để uống dần trong ngày.
(2) Bài thuốc 2: Cỏ roi ngựa (cả cành, lá và hoa) 30g, binh lang (hạt cau) 20g, vỏ quít 20g, hạt tía tô 16g, hạt củ cải 16g, củ gấu 20g, nghệ đen 16g, sa nhân 12g, bông mã đề 12g; tất cả các vị thuốc trên đều sấy khô, tán thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ nút kín dùng dần; mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g, chiêu thuốc bằng nước sôi để nguội.
• Giai đoạn bụng bắt đầu có nước:
- Bụng bắt đầu trướng to, da vàng khô, người mệt mỏi, hay buồn ngủ, mặt phờ phạc, mắt hõm, gò má nhô cao, đái ít, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch trầm tế huyền sác (chìm, nhỏ, căng, nhanh - trên 90 lần/phút).
- Có thể sử dụng kết hợp đồng thời các Bài thuốc 3 và Bài thuốc 4 để chữa:
(1) Bài thuốc 3: Hạt bìm bìm 40g, mộc hương
20, binh lang (hạt cau) 16g, vỏ quít 20g, chỉ thực 16g, hạt củ cải 20g,
rễ cỏ tranh 20g; tất cả các vị thuốc trên đều phơi hoặc sấy khô, tán
thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ nút kín dùng dần; mỗi ngày uống 2
lần, mỗi lần 12g, chiêu thuốc bằng nước sôi để nguội.
(2) Bài thuốc 4:
Củ mài 20g, củ sả 16g, rễ cây vú bò (tẩm mật sao) 16g, củ cốt khí 12g,
rau má tươi 20g, hạt ý dĩ 20g, rễ đinh lăng (tẩm nước cốt gừng, sao
vàng) 20g; sắc kỹ, chia nhiều lần uống thay nước trong ngày.
Thực
tế cho thấy, khi bệnh mới phát, sử dụng những bài thuốc nói trên có thể
mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc
chuyên khoa Đông y.
Nói chung, bệnh cổ trướng thường diễn biến
rất phức tạp. Nếu uống các bài thuốc Nam trên không thấy đỡ, cần vào
bệnh viện để khám chữa kịp thời. Đặc biệt, đối với cổ trướng thời kỳ
cuối - bệnh nặng - bụng trướng to, gân xanh nổi lên, mặt xanh bợt hoặc
đen xạm, người gầy còm, ăn vào đầy tức không chịu nổi, tứ chi thũng
trướng, đại tiểu tiện thất thường, vã mồ hôi, co giật, hôn mê, ... cần
kết hợp Đông Tây y để tiến hành chữa trị, cấp cứu.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.