Hỏi đáp

"Cây mật gấu" và "cỏ mật gấu"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 03/09/2013 12:44 SA

Hỏi:

Gần đây, khi đi du lịch ở Bắc Kạn, tôi thấy một số người địa phương có bán vị thuốc gọi là "cây mật gấu", nói rằng có tác dụng giống như mật gấu. Có điều, thuốc là những mảnh thân cây, chứng tỏ "cây mật gấu" là loại cây gỗ, chứ không phải cây thân thảo như cây "cỏ mật gấu" trong bài viết "Cỏ mật gấu có tác dụng gì?". Vì vậy, tôi viết thư này mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết: Cây mật gấu (thân gỗ) có hình dạng như thế nào, thường mọc ở đâu, có những tác dụng gì và cách sử dụng cụ thể thế nào?

Lê Phúc Trạch, Nghệ An

Đáp:

cỏ mật gấu

Cỏ mật gấu

Cây thuốc có tên khoa học là Isodon lophanthoides (D. Don) Hara, họ Hoa môi (Lamiaceae), mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết "Cỏ mật gấu có tác dụng gì?" là một vị thuốc có tên chính thức (chính danh) ghi trong các sách thuốc, là "cỏ mật gấu" (hùng đởm thảo). Cỏ mật gấu (hùng đởm thảo) là vị thuốc đã được phát hiện và ghi chép trong các sách về thực vật làm thuốc đã từ thời xưa.

Còn "cây mật gấu" mà bạn đề cập trong thư, thực ra là một "tên mới", xuất hiện cách nay vài năm, mà người ta (dân địa phương hay người kinh doanh thuốc, không thể xác định) đặt cho một vị thuốc cũ (đã được biết và mô tả trong sách thuốc với một tên khác), khi mật gấu (động vật) được tôn vinh như một "thần dược".

cây mật gấu

Cây mật gấu

Những năm gần đây, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, như Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, ... xuất hiện một cây thuốc, mà người dân gọi là "cây mật gấu". Dược liệu được bán ở ngoài đường, trong các nhà hàng dọc quốc lộ thuộc các tỉnh nói trên, ... dưới dạng những đoạn thân cây, hay đã chặt nhỏ, hoặc thái thành lát, màu vàng, đựng trong túi ni lông, có ghi rõ là "cây mật gấu". Thời gian gần đây, chúng tôi cũng hay thấy vị thuốc này được một số đơn vị, từ các tỉnh miền núi phía Bắc, mang về giới thiệu, trong một hội chợ tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia về dược liệu, nếu đi thực địa, đến những nơi có "cây mật gấu" mọc, sẽ thấy ngay, thứ cây có tên là "cây mật gấu", thực ra là một cây thuốc quen thuộc, đã được phát hiện từ lâu và đã được đặt tên là "hoàng liên ô rô".

cây hoàng liên ô rô, tông plềnh, hoàng bá gai, thập đại công lao, Mahonia nepalensis DC., họ Hoàng liên gai (Berberidaceae)

Hoàng liên ô rô

Cây "hoàng liên ô rô" cũng đã được giới thiệu trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, từ nhiều năm trước.

• Để tiện tham khảo, xin giới thiệu một số thông tin liên quan tới "cây mật gấu - hoàng liên ô rô":

    - Đồng bào H’mông gọi cây cây hoàng liên ô rô là "tông plềnh". Trong sách thuốc, cây còn có tên là "hoàng bá gai", "thập đại công lao", ... tên khoa học là Mahonia nepalensis DC., thuộc họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).

    - Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": Cây này tại địa phương thường không có tên, hoặc được nhân dân gọi là cây hoàng liên, thổ hoàng liên hay thổ hoàng bá, ... Để tránh nhầm lẫn và vì lá của cây này giống lá ô rô, lại có công dụng gần như vị hoàng liên, cho nên từ năm 1967, chúng tôi mới đặt tên cây này là "hoàng liên ô rô". Tại Trung Quốc cây này có tên "thập đại công lao".

    - Đặc điểm thực vật: Hoàng liên ô rô là loại cây bụi hay gỗ nhỏ, cao 3-4m, cành không có gai. Lá mọc đối, mang 11-25 lá chét không lông, cứng, mép có răng nhọn, lúc non màu đỏ, lá kèm nhọn như hai gai nhỏ. Chùy hoa ở ngọn, hoa màu vàng nhạt, 6 phiến hoa có tuyến mật ở gốc. Quả mọng màu xanh lơ, hình cầu, đường kính cỡ 1cm, chứa 3-5 hạt.

    - Năm 1967, cây này mới được Đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Lào Cai, với sự giúp đỡ về chuyên môn của Trường đại học dược khoa Hà Nội, phát hiện lần đầu tiên ở vùng núi cao huyện Bát Xát. Nhân dân ở đây vẫn dùng như vị hoàng liên hay hoàng bá. Tên hoàng liên ô rô là do các chuyên gia ở Đại học dược đặt cho, vì lá giống cây ô rô, tác dụng như  hoàng liên. Thường hái thân về, thái thành từng đoạn ngắn phơi khô, hoặc sắc uống hay tán bột uống. Không có chế biến gì khác.

    - Nhưng năm gần đây, ngoài Lào Cai, còn phát hiện cây này mọc hoang ở các vùng núi cao, lạnh, ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ở phía Nam, cũng thấy cây này ở ven rừng, một số núi cao, tại Lâm Đồng.

    - Theo Đông y: Hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát; vào 3 kinh Phế, Đại tràng và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, giải độc.

    - Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": Hoàng liên ô rô được nhân dân dùng chữa lỵ, ăn uống không tiêu, vàng da, đau mắt. Dùng ngoài chữa mẩn ngứa mụn nhọt. Mỗi ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Tại Ấn Độ, quả được dùng làm thuốc lợi tiểu và làm dịu kích thích.

    - Phương pháp sử dụng để chữa bệnh thông thường:

        (1) Thanh nhiệt giáng hỏa: Dùng lá khô hay quả 8-12g, sắc nước uống trong ngày. Thường dùng trong các trường hợp sốt cơn, ho lao khạc ra máu do nhiệt độc; hoặc lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ do âm hư hỏa vượng. Tùy theo chứng trạng cụ thể, có thể phối hợp thêm với các vị thuốc khác.

        (2) Thanh nhiệt giải độc, kháng viêm: Dùng rễ hay thân cây khô 10-20g, sắc uống; dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Thích hợp với các trường hợp, như viêm ruột ỉa chảy, viêm da dị ứng, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ.

Một cây mật gấu khác:

    - Ngoài "cây mật gấu", phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, như đã nói trên, ở miền Trung và miền Nam nước ta, có một cây gỗ khác, cũng hay được gọi là "cây mật gấu". Cây này trong các sách thuốc thường gọi là "vàng kiêng"; trong các sách thuốc của Trung Quốc, cây thường được gọi tên là "đảm mộc" (nghĩa là "gỗ mật"; "đảm" = mật, "mộc" = gỗ), "hùng đảm thụ" (nghĩa là "cây mật gấu"; "hùng" = con gấu, "đảm" = mật, "thụ" = cây), "ô đàn", ... tên khoa học là Nauclea officinalis Pierre ex Pitard.

    - Như trên đã nói, "cây mật gấu - hoàng liên ô rô" là loại cây gỗ nhỏ (cây bụi), còn "cây mật gấu - vàng kiêng" là loại cây gỗ lớn, cao từ 4-12m, thân nhẵn, cành non có 4 cạnh, màu nâu, khi già thì tròn, màu xám nhạt, có nhiều lỗ bì. Gỗ cũng có màu vàng. Lá mọc đối, phiến mỏng, hình trái xoan dài, gốc hơi nhọn, đầu có mỏ hơi tù, dài 8-14cm, rộng 3,5-5cm, cả hai mặt màu lục, dai, 8 đôi gân bên song song, nổi rõ ở mặt dưới, cuống to có rãnh. Lá kèm hình bầu dục, dễ rụng. Hoa màu trắng, tập trung ở đầu lớn, cuống có đốt, mang 1-3 đầu mọc ở ngọn cành. Quả khô hình chóp ngược, hoặc hình cầu, có đài hoa còn lại ở đỉnh; khi chín màu vàng thẫm, mở theo 4 khe dọc.

    - Dân gian sử dụng cành và vỏ làm thuốc. Thu hái quanh năm, thái phiến, phơi khô.

    - Theo Đông y: "Cây mật gấu - vàng kiêng" có vị rất đắng, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, tiêu độc, tiêu sưng, giảm đau.

    - Phương pháp sử dụng để chữa bệnh thông thường:

        (1) Thuốc kháng viêm, giải độc: Dùng 20-40g cành cây hoặc vỏ cây, sắc uống. Để chữa đau họng, viêm amiđan cấp tính, sưng vú, viêm ruột, lỵ trùng, viêm túi mật, viêm đường tiết niệu, ...

        (2) Thuốc dùng ngoài: Dùng cành lá tươi, nấu nước ngâm rửa. Để chữa chân lở chảy nước, lở chàm da sần sùi, viêm da, rôm sảy, da lở ngứa, ...

Cây gấc cũng là ... "cây mật gấu": Xin lưu ý thêm, hạt gấc, tên Đông y là "mộc miết tử", đem nướng lên, bóc vỏ, giã nát, ngâm với rượu, có tác dụng chữa đau nhức do đòn ngã rất tốt; một số người ca tụng tác dụng giảm đau chẳng kém gì rượu ngâm mật gấu. Vì vậy hiện nay, một số người đã đặt thêm cho cây gấc cái tên là "cây mật gấu".


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]