Hỏi:
Gần đây tôi nghe nói, "cây mật gấu" là một loại cây rất quý hiếm và có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà"
cho biết có đúng hay không? Cây mật gấu có hình dạng như thế nào,
thường mọc ở đâu, có những tác dụng gì và cách sử dụng cụ thể thế nào?
Nguyễn Đình Trúc, Hưng Hà, Thái Bình
Đáp:
Cỏ mật gấu
Cây
mật gấu còn có tên là "cỏ mật gấu", "hùng đởm thảo", "nhị rối vằn",
"đằng nha sọc", "khê hoàng thảo", "sơn hùng đảm", "phong huyết thảo",
"hoàng chấp thảo", ... tên khoa học là Isodon lophanthoides (D. Don)
Hara, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Cây mật gấu là loại cây
thảo (cỏ) sống lâu năm, thân hóa gỗ, cao 15-100cm, thân có 4 góc, có
lông rậm; ở chỗ nhiều cây thân mọc đứng, ở chỗ thưa cây thân mọc bò;
phân ít hoặc nhiều nhánh tùy theo địa hình. Lá mọc đối, phiến lá hình
trứng, mép khía răng cưa, gân phụ 5-6 cặp, cuống dài khoảng 1,5cm. Cụm
hoa mọc ở ngọn, hình chùy thưa, dài 10-20cm; lá bắc rất nhỏ, rụng sớm.
Hoa có cuống dài, rất nhỏ, đài hình chuông, 5 răng, tràng hoa dài gấp
đôi đài hoa, cánh hoa màu trắng có chấm hồng, ống hình trụ, phiến hai
môi, môi trên 4 thùy, môi dưới nguyên; nhị 4, thò ra ngoài; vòi nhụy chẻ
đôi ít. Quả bế nhỏ, tù, nhẵn.
Cỏ mật gấu không phải là loại
cây quý hiếm như có người nói với bạn. Loại cây này mọc phổ biến ở các
đồi, ven rừng, từ Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái đến Lâm
Đồng; còn gặp ở những nước khác như ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc,
Miama, Lào, Thái Lan, ...
Để làm thuốc, thường dùng toàn cây. Có thể thu hái quanh năm, rửa sạch, chặt khúc; dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo Đông y:
Cỏ mật gấu có vị đắng, tính hàn; vào 3 kinh Can, Đảm và Đại tràng. Có
tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp thoái hoàng (chữa vàng da), tán
ứ, tiêu thũng. Chủ trị thấp nhiệt hoàng đản (vàng da do thấp nhiệt),
viêm túi mật, ỉa chảy (tiết tả), mụn nhọt sưng đau, đòn ngã tổn thương.
Kết quả nghiên cứu hiện đại đã phát hiện thấy: Thành phần
hóa học của cỏ mật gấu có các chất rabdoserrin A, excisanin A, 2α-hydroxyl-ursolic acid, ursolic acid,
β-sitosterol,
β-sitosterol
glucoside, ... Về tác dụng dược lý, ngoài các tác dụng chủ yếu là bảo vệ tế bào
gan, lợi mật và kháng viêm, nghiên cứu trên động vật thí nghiệm còn cho thấy,
các chất rabdoserrin A và excisanin A trong cỏ mật gấu có tác dụng ức chế nhất
định đối với sự phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tử cung.
Liều dùng: Ngày dùng 15-30g khô hoặc 30-60g tươi, sắc nước uống. Dùng ngoài giã đắp, hoặc nấu nước xông, rửa.
Kiêng kỵ: Người Tỳ Vị hư hàn sử dụng cần thận trọng.
"Tỳ Vị hư hàn"
thường có những biểu hiện như ăn kém, bụng trướng đầy, bụng đau âm ỉ,
thích ấm ghét lạnh, chân tay lạnh, thở yếu, tinh thần uể oải, người mệt
mỏi, mặt nhợt nhạt hoặc phù nhẹ; miệng nhạt không khát; đại tiện loãng
lỏng, tiểu tiện sẻn; chất lưỡi nhợt hoặc có vết răng, rêu lưỡi trắng
trơn, mạch trầm trì vô lực (chìm, chậm, yếu).
Một số bài thuốc có sử dụng cỏ mật gấu:
(1) Chữa viêm gan cấp tính, kèm theo vàng da:
Dùng cây mật gấu 40-100g tươi hoặc 20-50g khô; sắc nước uống thay trà
trong ngày. Hoặc có thể phối hợp thêm diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa)
12g, cỏ gà 15g, cùng sắc uống.
(2) Chữa viêm túi mật cấp tính:
Dùng cây mật gấu 40-100g tươi hoặc 20-50g, có thể phối hợp thêm mộc
thông 20g, chi tử (dành dành) 10g, nhân trần 8g; cùng sắc uống.
(3) Chữa bệnh lỵ:
Dùng lá cây mật gấu tươi, giã nát, chế thêm nước đã đun sôi, chắt nước
cốt, chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Hoặc có thể dùng lá cây mật gấu,
lá mua - mỗi thứ 20g, sắc nước uống.
(4) Chữa bí đái: Dùng lá cây mật gấu, xa tiền thảo (cỏ mã đề) - mỗi thứ 15-20g tươi; sắc nước uống.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcChuyên cung cấp lá cây mật gấu ( trị tiểu đường, đau nhức xương khớp, tim mạch, béo phì, hạ men gan...) với giá cực tốt, chỉ có 70.000đ/kg. Cây này do nhà trồng nên khách mua không sợ bị lừa đảo nhé. Có ship hàng ở khu vực TPHCM. Liên hệ 09627xxxxx hoặc page https://www.