Hỏi:
Tôi nghe các cụ nói, rễ cây gai có tác dụng an thai rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không và cần sử dụng như thế nào?
Trần Hà, Gia Lộc, Hải Dương
Đáp:
Cây gai
Rễ cây gai đúng là một vị thuốc an thai quan trọng, đã được sử dụng trong dân gian và Đông y từ rất lâu đời.
Cây
gai nói ở đây, là cây mà lá ta vẫn dùng làm bánh gai ăn và sợi dùng để
dệt, làm lưới đánh cá. Cây gai trong Đông y gọi là "trữ ma", tên khoa
học là Boehmeria nivea (L) Gaud. (Urtica nivea).
Gai là cây
sống lâu năm, có thể cao tới 1,5-2m. Lá lớn, mọc so le, hình tim, dài
7-15cm, rộng 4-8cm, mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt
dưới trắng vì có nhiều lông trắng, mặt trên màu lục sẫm, ráp, có 3 gân
chạy từ cuống ra. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị.
Hoa cái có đài hợp, chia làm 3 răng.
Cây gai mọc hoang và được
trồng khắp nơi, trước kia để lấy sợi, hiện tại để lấy lá làm bánh. Rễ
chỉ được khai thác để sử dụng làm thuốc. Người ta đào rễ về rửa sạch đất
cát, thái miếng hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô. Rễ có thể khai
thác vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất vào Thu Đông.
Theo Đông y:
Rễ cây gai (trữ ma căn) có vị ngọt, tính hàn; vào 2 kinh Tâm và Can. Có
tác dụng lương huyết (mát máu) chỉ huyết (cầm máu); an thai; thanh
nhiệt giải độc. Dùng chữa các chứng xuất huyết do huyết nhiệt (huyết
nhiệt bức huyết vọng hành); thai động bất an, thai lậu hạ huyết; nhiệt
độc ung thũng.
Đơn thuốc an thai: Dùng rễ cây
gai mới hái 60g (hoặc rễ đã phơi khô 30g) sắc với 600ml nước, cô đặc
còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng trong trường hợp thai
nhiệt, đau bụng, chảy nước vàng đỏ ri rỉ, hay động thai rong huyết. Nếu
ra máu nhiều, có thể gia thêm lá huyết dụ 15-20g.
So sánh rễ gai và ngải cứu:
- Rễ
gai và ngải cứu đều là những vị thuốc an thai truyền thống quan trọng,
nhưng được sử dụng trong những trường hợp trái ngược nhau.
- Rễ gai tính hàn, được sử dụng trong trường hợp "thai nhiệt bất an" (động thai do nhiệt); còn ngải cứu tính ôn, được sử dụng trong trường hợp "thai hàn bất an" (động thai do hàn). Cần phân biệt chính xác hàn - nhiệt, thì sử dụng mới có kết quả tốt và tránh được biến chứng bất lợi.
- "Thai nhiệt bất an"
do "nhiệt thịnh" dẫn tới động thai. Chứng trạng chủ yếu là người nóng,
phiền táo, miệng khát, có cảm giác thai động không yên, thai khí xung
ngược lên trên, bụng đau như muốn xệ xuống, hoặc kèm theo hạ huyết, sốt
cơn, chảy máu cam, ... Thường gặp ở thai phụ thể chất "dương thịnh",
thích ăn những thứ béo ngọt cay nóng, hoặc bị nhiễm nhiệt tà, hoặc do
tình chí không thoải mái, khiến "can uất khí trệ" hóa thành hỏa (nhiệt)
mà gây nên bệnh.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.