Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cam thảo đất: Thanh nhiệt, hạ đường huyết

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/08/2013 08:22 SA

Hỏi:

Tôi là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com và qua chuyên mục "Thuốc vườn nhà" tôi đã biết được tác dụng của thứ dây leo, có tên là "cam thảo nam" hay "dây chi chi". Gần đây, có người lại giới thiệu cho một loại "cam thảo nam" khác, là cây mọc đứng, ... không là dây leo chi chi. Vì vậy rất momg "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, loại cam thảo mọc đứng này có những tác dụng gì?

Nguyễn Văn Tân, Hà Nội

Đáp:

cam thảo nam, cam thảo đất, dã cam thảo, Scoparia dulcis L., họ Hoa mõm chó, Scrophulariaceae

Cam thảo đất

Loài "cam thảo nam" mà bạn hỏi, trong các sách thuốc ở nước ta còn gọi là "cam thảo đất", sách thuốc Trung Quốc thường gọi là "dã cam thảo". Ngoài ra, cây còn có rất nhiều tên gọi khác, nhưng tên khoa học chỉ có một, đó là Scoparia dulcis L., thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Cam thảo đất là một loại cây thân cỏ (thân thảo), mọc thẳng đứng, cao 30-80cm, thân nhẵn, rễ to hình trụ. Lá đơn, mọc đối hoặc vòng 3 lá một. Phiến lá hình mác hay hình trứng ngược, dài 1,5-3cm, rộng 8-12mm, phía cuống hẹp lại thành cuống ngắn, mép lá nửa phía trên có răng cưa to, phía dưới nguyên. Mùa Hạ ra hoa nhỏ nâu trắng ở kẽ lá, mọc riêng lẻ hoặc thành đôi. Quả nhỏ hình cầu, trong chứa nhiều hạt nhỏ.

Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam. Cũng có mọc cả ở miền Nam Trung Quốc, đặc biệt vùng Quảng Tây, nhân dân cũng dùng cây này làm thuốc, với tên "dã cam thảo". Tại Ấn Độ, Malaixia, Thái Lan, châu Mỹ đều có. Có thể thu hái quanh năm, có khi dùng tươi, nhưng phần nhiều dùng khô, đào toàn cây cả rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô là được.

Theo Đông y: Cam thảo đất có vị ngọt, tính bình, vô độc. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng. Dùng chữa phế nhiệt khái thấu (ho do nhiệt tích ở tạng phế), thử nhiệt tiết tả (tiêu chảy do nắng nóng), cước khí phù thũng, trẻ nhỏ lên sởi, chàm, rôm sảy, viêm họng, đơn độc sưng đỏ, ...

Trong dân gian, tại nhiều vùng ở Việt Nam, cũng như ở phía Nam Trung Quốc, người ta thường dùng cam thảo đất để chữa sốt, chữa say sắn độc, giải độc cơ thể. Thời bao cấp, cam thảo đất được một số người sử dụng để thay thế cam thảo bắc. Tuy nhiên, cách thay thế như vậy không thật phù hợp, vì tuy có vị ngọt, nhưng cam thảo đất không có hoạt chất của cam thảo bắc.

Tại Malaixia, dân gian dùng cam thảo đất làm thuốc chữa ho. Tại đảo Angti, rễ cam thảo đất được dùng làm thuốc chữa bệnh lậu, kinh nguyệt quá nhiều. Tại Braxin, dùng nước ép cam thảo đất thụt, để chữa bệnh đi ỉa lỏng và pha uống chữa ho. Tại Ấn Độ, cam thảo đất được dùng chữa triệu chứng axit (acidose) trong bệnh đái đường.

Về tác dụng dược lý, thí nghiệm trên động vật cho thấy, cam thảo đất có tác dụng hạ huyết áp và ức chế hô hấp ở mèo thí nghiệm đã gây mê. Dùng amellin với liều 15mg-20mg, theo đường uống, có tác dụng hoãn giải các triệu chứng bệnh lý ở bệnh nhân tiểu đường; trong vòng 1 tháng lượng đường trong nước tiểu và trong máu giảm xuống rõ ràng. Quá trình (giảm đường) diễn ra dần dần, không giống tác dụng của insulin: Không xảy ra hiện tượng lượng đường huyết hạ xuống quá mức (thấp hơn mức bình thường) như khi sử dụng insulin. Đối với những bệnh nhân bị albumin niệu, ketone niệu (acetone niệu) và acid huyết, các chứng trạng bệnh lý cũng thấy giảm nhẹ.

Một số cách sử dụng cam thảo đất cụ thể trong sinh hoạt:

    (1) Chữa trẻ nhỏ cảm sốt, viêm ruột, tiểu tiện khó khăn: Dùng cam thảo đất tươi 15g-30g; sắc nước uống.

    (2) Chữa phế nhiệt khái thấu (ho do nhiệt tích ở tạng phế): Dùng cam thảo đất tươi 30g-60g; sắc nước uống.

    (3) Chữa viêm họng: Dùng cam thảo đất tươi 120g; giã vắt lấy nước cốt, hòa thêm mật ong uống.

    (4) Chữa cước khí phù thũng: Dùng cam thảo đất tươi 30g, đường đỏ 30g; sắc lấy nước, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần.

    (5) Phòng trị mẩn tịt: Dùng cam thảo đất, sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục 3 ngày.

    (6) Chữa trẻ nhỏ cam tích (thể "can hỏa phiền nhiệt"): Dùng cam thảo đất tươi 15g, hãm nước sôi, hòa thêm chút đường phèn uống.

    (7) Chữa chàm (eczema), rôm: Dùng cam thảo đất tươi, giã vắt lấy nước xát vào những chỗ da bị bệnh.

    (8) Chữa đơn độc, da sưng đỏ tấy: Dùng cam thảo đất tươi 60g, thêm chút muối; giã nát, sắc nước uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Lê Xuân Sáu (25/08/2016 07:58 CH)

Rất cảm ơn lương y Huyên Thảo. Tôi là người ưa tìm tòi và gần gũi với cỏ cây. Tôi đang sinh sống và làm việc ở kon Tum, cây cam thảo đất ở đây khá nhiều. Tôi có dùng cây cam thảo đất kết hợp với cây diệp hạ châu, diệp minh châu (chó đẻ)để hỗ trợ cùng thuốc tây điều trị chứng mỡ nhiễm máu, gan nhiễm mỡ thấy thấy có tác dụng tốt. Cũng bài thuốc ấy hỗ trợ điều trị bệnh sưng khớp gối do phong thấp cũng có hiệu quả cao.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]