Hỏi đáp

Cây gai: Thanh nhiệt, cầm máu, an thai

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/03/2015 08:25 SA

Hỏi:

Vùng quê tôi, người ta hay trồng gai lấy lá làm bánh. Tôi nghe nói, rễ cây gai có tác dụng chữa sảy thai rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn  nhà" thông tin cho biết: (i) Phụ nữ có thai có nên uống rễ gai để phòng ngừa sảy thai hay không? (ii) Ngoài ra, cây gai còn có thể sử dụng để chữa trị những bệnh gì khác?

Nguyễn Thị Minh Hòa, Phú Thọ

Đáp:

cây gai, gai bánh, gai tuyết, hạc co pán, trữ ma, Boehmeria nivea (L) Gaud. (Urtica nivea)

Cây gai

Ở nước ta có nhiều loại gai; cây gai bạn quan tâm, là cây gai cho lá bánh gai ăn và cho sợi để đan, dệt lưới đánh cá.

Cây còn có tên là "gai bánh", "gai tuyết", "hạc co pán" (dân tộc Thái), "trữ ma" (Đông y), ... tên khoa học là Boehmeria nivea (L) Gaud. (Urtica nivea).

Gai bánh là loại cây nhỏ, sống lâu năm, có thể cao tới 1,5-2m, gốc hóa gỗ. Cành màu nâu nhạt, có lông. Lá lớn, mọc so le, hình trái xoan, dài 7-15cm, rộng 4-8cm; mép có răng cưa, đáy lá hình tim hay hơi tròn, mặt dưới trắng bạc vì có nhiều lông trắng, mềm và mịn; mặt trên có màu lục sẫm, ráp, có 3 gân từ cuống phát ra. Lá kèm hình dải nhọn, thường rụng. Cuống lá màu đo đỏ. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị. Hoa cái có đài hợp chia làm 3 răng. Quả bế mang đài tồn tại.

Rễ gai có dạng củ, hình trụ, thường cong queo, màu vàng, chứa nhiều nhựa gôm. Rễ có thể thu hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất mùa Thu, mùa Đông. Đào về rửa sạch đất cát, thái miếng hoặc để nguyên; dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.

Ngoài rễ, lá, vỏ thân và hoa của cây gai, đều có thể sử dụng làm thuốc; thường hay dùng nhất là rễ gai.

Trong Đông y, rễ gai được xếp vào loại thuốc "lương huyết chỉ huyết" (mát máu và cầm máu), dùng chữa các chứng xuất huyết do huyết nhiệt.

Theo Đông y:

    - Rễ gai (trữ ma căn): Có vị ngọt, tính hàn; vào hai kinh Tâm và Can. Có tác dụng lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu); an thai; thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa các chứng  xuất huyết do huyết nhiệt (huyết nhiệt bức huyết vọng hành); thai động bất an, thai lậu hạ huyết; nhiệt độc ung thũng.

    - Lá gai: Có vị ngọt, tính lạnh, không độc (cam, hàn, vô độc). Có tác dụng lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu), tán ứ (tan huyết ứ). Dùng chữa khạc huyết (khạc ra máu), thổ huyết (nôn ra máu), niệu huyết (tiểu tiện xuất huyết), giang môn thũng thống (hậu môn sưng đau), đao thương xuất huyết, nhũ ung sơ khởi (áp xe vú mới phát), ... Dùng 15-30g sắc nước uống, hay nghiền mịn hoặc giã vắt lấy nước uống. Dùng ngoài, giã nát hoặc nghiền nhỏ đắp.

    - Vỏ thân, cành (trữ ma bì): Có vị ngọt, tính lạnh, không độc (cam hàn vô độc). Có tác dụng thanh phiền nhiệt, lợi tiểu tiện, tán ứ, chỉ huyết. Dùng chữa ứ nhiệt, tâm phiền, tiểu tiện bất thông, giang môn thũng thống, sang thương xuất huyết, ... Dùng 4-10g sắc uống. Dùng ngoài giã đắp.

    - Hoa (trữ ma hoa): Theo sách "Sinh thảo dược thủ sách" có thể sử dụng chữa bệnh sởi, sắc uống từ 3-9g.

Trở lại vấn đề sử dụng cây gai để làm thuốc an thai:

    Phụ nữ có thai mà hàng tháng vẫn còn ra ít máu, hoặc cứ vài ngày từ âm đạo lại có máu tươi rỉ ra, là hiện tượng "có thai rong huyết". Rong huyết mà lưng, bụng không đau thì Đông y gọi là "thai lậu". Nếu đang có thai, bỗng nhiên thấy bụng đau, lưng mỏi, thai trong bụng giãy đạp rộn rạo có cảm giác như tụt xuống dưới, âm đạo xuất huyết, thì Đông y gọi là "động thai". Nếu lưng đau, hông mỏi, bụng đau kịch liệt, cửa mình chảy nước ối, ... nguy cơ bị sảy thai sẽ khó tránh khỏi, cần đưa ngay đến phòng sản ở bệnh viện để cấp cứu. Còn những trường hợp động thai tương đối nhẹ, có thể theo dõi ở nhà và áp dụng điều trị theo kinh nghiệm của Đông y.

    Để tiến hành "an thai", Đông y chia chứng động thai thành "hư chứng" và "thực chứng". "Hư chứng" là những biểu hiện về suy nhược cơ thể, còn "thực chứng" trong trường hợp này chủ yếu là "huyết nhiệt", với các triệu chứng bực bội vật vã, khát nước, da nóng không có mồ hôi, thai trộn rộn không yên, có cảm giác cồn cào, háo khô, đi tiểu nóng, ...

    Đối với trường hợp động thai do "huyết nhiệt", có thể dùng rễ cây gai bánh để chữa.

    Phương pháp sử dụng: Dùng rễ gai tươi 60g (hoặc rễ khô 30g), sắc với 600ml nước, cô đặc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Nếu ra máu nhiều, có thể gia thêm lá huyết dụ 15- 20g. Nên tiến hành dưới sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y.


Lương y HƯ ĐAN

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Cây gai


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]