Hỏi:
Nhà tôi có cây nha đam (lô hội) và được biết cây này dùng rất tốt để chữa viêm họng, viêm VA. Con trai tôi năm nay 3 tuổi, bị viêm VA, uống rất nhiều thuốc cảm và thuốc kháng sinh nên bây giờ cháu bị thận yếu. Tôi thường xuyên cho cháu ăn lá nha đam sống (phần ruột) vào các buổi tối trước khi đi ngủ, nó rất thích ăn, hầu như ngày nào cũng ăn 1 lá. Tôi xin hỏi: Liệu ăn như vậy có ảnh hưởng gì đến gan thận hay không? Vì gần đây con trai tôi rất hay đi đái, đái liên tục, mỗi lần chỉ són ra một chút. Tôi đã mua các loại lá mát như cối xay, mã đề, kim ngân, râu ngô, ... cho cháu uống. Tuy đã giảm chút ít nhưng vẫn còn đi đái nhiều lần. Có cách gì chữa khỏi bệnh này không ạ?
Phạm Phương, Vân Đồn, Quảng Ninh
Đáp:
Lô hội
Lô hội (nha đam) không phải là thuốc bổ.
Trong sách thuốc Đông y hiện đại: Lô hội được xếp vào nhóm thuốc "tả hạ" (tẩy, thông đại tiện).
Theo Đông y: Lô hội có vị đắng, tính lạnh, hơi có độc (hữu tiểu độc); vào 4 kinh Can, Tâm, Tỳ và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, thông tiện (thông đại tiện), sát trùng. Chủ trị nhiệt kết tiện bí (bí đại tiện nhiệt kết đọng), phụ nữ bế kinh, tiểu nhi kinh giản (trẻ nhỏ kinh phong, lên cơn co giật).
Khi sử dụng lô hội, cũng như tất cả các vị thuốc khác, cần chú ý tới vấn đề nghi kỵ (nên và không nên) như sau:
- Đông y cho rằng: Lô hội là vị thuốc đắng lạnh, có tác dụng thanh nhiệt mạnh, thích hợp với các chứng bệnh cấp tính do hỏa nhiệt gây nên (thực hỏa). Những người tỳ vị hư hàn phúc tả (ỉa chảy do cơ thể suy yếu, thuộc thể hư hàn), người chán ăn, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần thận trọng trong khi sử dụng.
- Theo kết quả nghiên cứu hiện đại: Lô hội sử dụng với liều nhỏ (0,05-0,10g) là một vị thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, do có tác dụng kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ứ đọng lâu trong ruột. Với liều cao, lô hội trở thành thuốc tẩy mạnh, dễ gây sung huyết các cơ quan ở bụng, nhất là ở ruột già, do đó không dùng cho người lòi dom (sa trực tràng ra ngoài hậu môn) và có thai. Dùng liều quá cao (8g) có thể gây ngộ độc, thậm chí chết người (phân quá nhiều, yếu toàn thân, mạch chậm, thân nhiệt hạ thấp).
Nhân đây xin nói thêm, do có những tính năng và tác dụng như trên, nên lô hội cũng nằm trong danh sách các vị thuốc mà phụ nữ đang mang thai kỵ dùng.
Trở lại vấn đề chữa VA. Do có tính năng thanh nhiệt, giải độc và sát trùng, nên lô hội có thể sử dụng để chữa một số chứng viêm do nhiễm trùng, bao gồm viêm đường hô hấp trên và viêm VA. Tuy nhiên, như trên đã nói, chỉ nên sử dụng với các bệnh nhiệt, trong giai đoạn cấp tính (thực hỏa - theo Đông y) và chỉ sử dụng với liều nhỏ (theo nghiên cứu hiện đại).
Do họng bị khô rát sau thời gian dùng nhiều tân dược, ăn lô hội vào cảm thấy dễ chịu, nên con trai của bạn "rất thích ăn" lô hội. Tuy nhiên, lô hội là vị thuốc đắng, lạnh và hơi có độc, nên sử dụng lâu ngày ắt sẽ dẫn tới hậu quả xấu (khiến cho âm dương khí huyết mất cân bằng), chức năng tạng phủ bị rối loạn, chủ yếu là chức năng của Thận bị tổn hại. "Hay đi đái, đái liên tục, mỗi lần chỉ són ra một chút" là biểu hiện của tình trạng rối loạn đó.
Theo Đông y: Quá trình chuyển hóa dịch thể trong cơ thể liên quan chủ yếu tới 3 tạng là Phế, Tỳ và Thận, trong đó tạng Thận đóng vai trò chủ yếu, cho nên Đông y mới nói rằng "Thận chủ thủy" - nghĩa là tạng Thận chủ trì quá trình chuyển hóa nước toàn thân. Chức năng của Thận ở đây bao gồm 2 phương diện: "Phân thanh tiết trọc" và "Khai hợp". Khi vào Thận, thủy dịch vẫn còn là một thứ nước trong đục lẫn lộn. Dưới tác động của Thận, thành phần dịch thể cần thiết cho cơ thể (gọi là "thanh" = trong) được hấp thụ lại, còn phần dịch thể vô dụng (gọi là "trọc" = đục) được bài tiết ra ngoài. Đông y gọi đó là chức năng "phân thanh tiết trọc" của tạng Thận. Thủy dịch trong Thận sau khi được "phân thanh tiết trọc", thành phần hữu ích (thanh) sẽ được "hợp" (giữ lại, hấp thu, đồng hóa) - được đưa lên trên và giữ lại bên trong cơ thể; còn phần vô dụng (trọc) sẽ được "khai" (mở ra) - đưa xuống dưới (vào bàng quang) để bài tiết ra ngoài cơ thể. Một khi tạng Thận bị thương tổn, quá trình chuyển hóa thủy dịch bên trong cơ thể bị trở ngại, sẽ dẫn tới một số tình trạng bệnh lý. Ví dụ như, nếu "mở nhiều đóng ít" (khai đa hợp thiểu), thì sẽ xuất hiện hiện tượng đái nhiều, đái són, nước tiểu tự chảy ra (niệu thất cấm); ngược lại, nếu "đóng nhiều mở ít" (hợp đa khai thiểu), sẽ xuất hiện đái ít, phù thũng, ...
Sử dụng lô hội, cũng như tất cả các vị thuốc Đông y khác, cần tuân theo nguyên tắc "Biện chứng thi trị" - nghĩa là sử dụng đúng với tình trạng bệnh, phù hợp với đặc điểm thể chất, độ tuổi từng người.
Thuốc Nam và thuốc tân dược rất khác nhau. Hiện nay, y học đã thừa nhận, muốn sử dụng thuốc Nam hiệu quả, cần tuân theo những nguyên tắc, phương pháp dùng thuốc của Đông y. Nếu có điều kiện, bạn nên tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Con trai bạn mới 3 tuổi, các cơ quan và chức năng của cơ thể còn chưa phát triển đầy đủ. Âm dương còn non nớt, khí huyết chưa ổn định, rất dễ bị tổn thương. Cối xay, mã đề, kim ngân, râu ngô, ... là những vị thuốc mát, có tác dụng lợi tiểu, tạm thời có thể làm giảm nhẹ triệu chứng tiểu nhỏ giọt, nhưng nếu dùng lâu ngày chưa biết hậu sẽ ra sao.
Tác dụng phụ của thuốc Nam thường không nhanh và mạnh như tân dược, mà thường hay dẫn tới tình trạng suy nhược mạn tính, do Âm dương bị mất cân bằng, cần phải trải qua một thời gian dài và xử lý thật có bài bản, mới có thể khắc phục được hết.
Với trường hợp con trai bạn, chúng tôi nghĩ cần rất thận trọng. Bạn nên cố gắng sớm đưa cháu đến một phòng khám có uy tín, càng sớm càng tốt, để được chẩn đoán một cách có bài bản và hướng dẫn chữa trị cụ thể.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.