Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách dùng tía tô và gừng chữa viêm mũi mạn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/11/2013 09:17 CH


Hỏi:

Tôi bị viêm mũi mãn tính lâu năm, rất khổ sở mỗi khi thời tiết thay đổi, mặc dù đã dùng nhiều loại thuốc cả Tây y và Đông y nhưng không khỏi. Mới đây được người quen mách bảo lấy cây tía tô cùng gừng tươi nướng thái lát sắc uống thay nước trà. Qua một đợt dùng thuốc nay tôi thấy bệnh thuyên giảm rất nhiều. Vậy có nên tiếp tục uống nữa không? Người có thai và đang cho con bú có uống được những vị thuốc này không? Bài thuốc này còn chữa được bệnh gì nữa? Mong "Thuốc vườn nhà" cho biết cụ thể, xin cảm ơn.

Đàm Chiến, Tràn Định, Lạng Sơn

Đáp:

tía tô, tô diệp

Tía tô

Để trả lời đầy đủ câu hỏi của bạn, trước hết chúng ta cần tìm hiểu thêm một số vấn đề về căn bệnh "viêm mũi mạn tính".

Triệu chứng đặc trưng nhất của viêm mũi mạn tính là nghẹt mũi (tắc mũi). Trường hợp viêm nhẹ, thì mũi thỉnh thoảng mới bị nghẹt, hoặc chỉ bị tắc ở một bên, khi nằm nghiêng sang bên nào thì lỗ mũi bên đó mới tắc. Trường hợp bệnh nặng, thì mũi tắc liên tục, chảy nước nhiều, thường là chất nhầy, có khi lẫn máu, mùi hôi thối vô cùng khó chịu.

Đông y thường gọi viêm mũi mạn tính là "tỵ trất", cũng chính vì triệu chứng chủ yếu của bệnh là tắc mũi ("tỵ" = mũi, "trất" = bế tắc, không thông).

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu của "tỵ trất" là "Phế vệ hư nhược" (chức năng hô hấp và khả năng phòng vệ của cơ thể suy yếu); "tà khí" (tác nhân gây bệnh) nhân đó thâm nhập vào cơ thể theo đường hô hấp, khiến cho khí huyết bị ứ trệ, ứ đọng ở vùng  mũi mà sinh ra.

Trên lâm sàng, Đông y thường căn cứ vào triệu chứng biểu hiện cụ thể phân ra 3 loại hình chính dưới đây, để tiến hành dùng thuốc chữa trị:

1. Loại phong hàn:

    - Biểu hiện: Mũi thường chảy nước trong, mũi hay tắc, lúc bệnh phát nặng có thể dẫn tới đầu đau trướng; gặp mưa hoặc lạnh bệnh tăng thêm; rêu lưỡu trắng; bắt mạch thấy nhỏ yếu (nhu tế). Loại này thường tương ứng với "viêm mũi đơn thuần" trong Y học hiện đại.

    - Trên lâm sàng Đông y sử dụng những loại thuốc có tác dụng "tuyên phế thông khiếu", "sơ phong tán hàn" để tiến hành điều trị.

    - Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng những Món ăn - Bài thuốc như sau:

        (1) Món ăn - Bài thuốc 1: Búp đa 6g, tía tô 9g, gừng 5 lát, hành 3 củ; tất cả đem sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày; uống liên tục trong 5 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu 1 liệu trình khác.

        (2) Món ăn - Bài thuốc 2: Trứng gà 2 quả, búp đa 6g; đem trứng gà luộc với búp đa, khi chín bóc trứng ăn và uống nước; liên tục trong 5 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày rồi lại bắt đầu liệu trình khác.

2. Loại phong nhiệt:

    - Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, chảy nước mũi đặc, đầu trướng đau, tai ù, phiền táo; rêu lưỡi vàng, mạch nhanh. Loại này thường tương ứng với "viêm mũi phì đại" trong Tây y.

    - Trên lâm sàng Đông y sử dụng những loại thuốc có tác dụng "thanh nhiệt tán phong" và "tuyên phế thông khiếu" để điều trị.

    - Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng những Món ăn - Bài thuốc như sau:

        (1) Món ăn - Bài thuốc 1: Lá dâu 9g, hoa cúc 6g, hạnh nhân 9g, gạo tẻ 60g; trước hết đem lá dâu và hoa cúc sắc kỹ, chắt lấy nước rồi cho hạnh nhân và gạo vào nấu cháo ăn; mỗi ngày 1 tễ (1 thang), liên tục trong nhiều ngày.

        (2) Món ăn - Bài thuốc 2: Tổ ong 30g; sau khi vắt hết mật, lấy sáp cho vào miệng nhai, nuốt dần; mỗi ngày hoặc cách ngày ăn 1 lần; liên tục trong 5-6 ngày (1 liệu trình).

3. Loại âm hư:

    - Biểu hiện: Mũi tắc liên tục, nước mũi có nhiều vảy, mũi dễ xuất huyết, miệng đắng, hơi thở hôi, phiền táo khó ngủ; chất lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng, mạnh nhỏ nhanh. Loại này thường tương ứng với "viêm mũi dạng khô" trong Tây y.

    - Trên lâm sàng Đông y sử dụng những loại thuốc có tác dụng "dưỡng âm thanh nhiệt" để điều trị.

    - Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng những Món ăn - Bài thuốc như sau:

        (1) Món ăn - Bài thuốc 1: Mai rùa 15g, thục địa 9g, vỏ quýt lâu ngày (trần bì) 6g, mật ong tùy thích; đem 3 vị đầu sắc kỹ, chắt lấy nước, pha thêm chút mật ong vào uống; mỗi ngày 1 tễ (1 thang), liên tục trong 7-10 ngày (1 liệu trình).

        (2) Món ăn - Bài thuốc 2: Dầu vừng 30g, hoàng liên 3g; đem hoàng liên ngâm trong dầu vừng, sau 1 tuần có thể dùng dầu đó để nhỏ mũi; mỗi ngày nhỏ 3-5 lần, mỗi lần vài giọt; liên tục cho đến khi khỏi.

Trở lại bài thuốc dùng tía tô và gừng mà bạn quan tâm:

    - Về phương diện phân loại Đông dược, cả 2 vị tía tô và gừng tươi đều được xếp trong loại thuốc "phát tán phong hàn" - những vị thuốc dùng chữa các chứng ngoại cảm do khí lạnh gây nên. Tuy trong thư không nói rõ về những triệu chứng kèm, nhưng dùng tía tô và gừng có tác dụng tốt, chứng tỏ bệnh viêm mũi mạn tính của bạn thuộc loại "phong hàn". Những người bị viêm mũi mạn tính thuốc loại "phong hàn", có kèm theo những triệu chứng như mô tả ở trên, cũng có thể sử dụng. Nhưng những người viêm mũi thuộc các loại hình "phong nhiệt" và "âm hư" không sử dụng được.

    - Ngoài tác dụng tán hàn giải cảm, tía tô còn có tác dụng "hành khí khoan trung" (thúc đẩy và điều hòa khí cơ), "thuận khí an  thai" (chữa động thai do khí cơ uất trệ) và giải độc của cá. Cành lá tía tô thường được sử dụng để an thai, chữa trị động thai trong trường hợp khí trệ, khí uất. Gừng tươi, ngoài tác dụng giải cảm phong hàn, còn có tác dụng "ôn trung chỉ ẩu" (ấm bụng chống nôn), "ôn phế chỉ khái" (ấm phổi trừ ho) và giải độc. Do đó có thể sử dụng đối với phụ nữ đang mang thai. Đối với phụ nữ sau khi sinh, tía tô và gừng cũng không phải là những vị thuốc cần phải kiêng kỵ, do đó cũng có thể sử dụng. Tuy nhiên, tốt nhất nên có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]