Hỏi:
Gần
chỗ tôi ở có rất nhiều cây rau mũi cày mọc hoang. Có người nói, đó là
một cây thuốc chữa mụn nhọt rất tốt và được sử dụng để chữa nhiều bệnh
trong thời bao cấp. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cây còn có những tác dụng gì khác và cách sử dụng cụ thể như thế nào?
Lê Thu Hà, Hà Nội
Đáp:
Bồ công anh Việt Nam
Cây
mũi cày (lá giống mũi mác) còn có rất nhiều tên gọi khác, như "cây mũi
mác", "rau bồ cóc", "diếp hoang", "diếp dại", "diếp trời", "rau chuôi",
"rau bao", "phắc bao", "lin bấn" (đồng bào Tày), "lày máy kìm" (dân tộc
Dao), ... tên khoa học của cây là Lactuca indica L., thuộc họ Cúc
(Asteraceae).
Trong sách thuốc ở nước ta, cây có tên "bồ công
anh mũi mác" hay "bồ công anh Việt Nam" (để phân biệt với "bồ công anh
Trung Quốc").
Bồ công anh mũi mác là một cây nhỏ, cao 0,6-1m,
có thể cao tới 3m. Thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá
có nhiều hình dạng; lá ở phía dưới to và dài hơn, dài khoảng 30cm, rộng
5-6cm, gần như không cuống, có răng cưa lớn xen lẫn răng cưa nhỏ, sâu,
thưa, không đều - tựa như xẻ thùy, đầu chót nhọn; lá ở phía giữa và phía
trên ngắn và hẹp hơn; lá ở ngọn giống như mũi mác, mép nguyên, không
chia thùy. Bấm vào lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục
như sữa, vị hơi đắng. Hoa màu vàng, mọc thành chùm dài, với nhiều nhánh
rộng, các nhánh nhỏ mang hoa từ gốc tới ngọn. Lá bắc bao ở bên ngoài
hình trái xoan đầu tù, lá bắc phía trong hình dải, đầu tù hơn. Quả bế,
màu đen, có mỏ trắng và 2 cạnh lồi dạng cánh và 2 gờ, nhiều lông tơ.
Cây
mọc hoang ở các bãi hoang, ruộng hoang, từ miền núi, trung du cho đến
đồng bằng, tại khắp các tỉnh miền Bắc, vào tới tận Tây Nguyên.
Để làm thuốc, dân gian thường dùng lá, lá hái về dùng tươi hay phơi
hoặc sấy khô dùng dần. Thường hay dùng tươi, không phải chế biến gì đặc
biệt. Một số người hái cả cây, cả rễ, cắt nhỏ phơi khô để dùng.
Tại Trung Quốc, khi dùng làm thuốc, cành và lá gọi là "sơn oa cự" (rau diếp núi), còn rễ gọi là "bạch long đầu".
Theo Đông y:
Bồ công anh mũi mác có vị đắng ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh Can và Vị.
Có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dân gian thường dùng chữa bệnh sưng
vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ hay đinh râu. Còn dùng uống trong
chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu.
Liều dùng hàng ngày:
20-40g lá tươi hoặc 10-15g lá khô hay cành và lá khô. Dùng riêng hoặc
phối hợp với các vị thuốc khác; thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm
đường cho dễ uống. Còn dùng giã nát đắp ngoài, không kể liều lượng.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số đơn thuốc có sử dụng bồ công anh mũi mác, để bạn và các Quý bạn đọc khác tham khảo:
(1) Chữa sưng vú, tắc tia sữa:
Hái 20-40g lá bồ công anh mũi mác tươi, rửa sạch, thêm ít muối giã nát,
vắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau; thường chỉ dùng 2-3
lần là đỡ; cũng có thể dùng lá tươi giã nhỏ, chế thêm nước, vắt lấy
nước cốt uống, bã đắp.
(2) Chữa viêm a-mi-đan: Dùng bồ công anh mũi mác, sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
(3) Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt:
Lá bồ công anh mũi mác khô 10-15g; nước 600ml (3 bát), sắc còn 200ml (1
bát) (có thể đun sôi kỹ và giữ sôi trong vòng 15 phút); uống liên tục
trong 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn.
(4) Chữa đau dạ dày:
Lá bồ công anh mũi mác khô 20g, lá khôi 15g, lá khổ sâm 10g; thêm 300ml
nước, sắc đun sôi trong vòng 15 phút; thêm ít đường vào, chia 3 lần
uống trong ngày; uống liên tục trong vòng 10 ngày, nghỉ 3 ngày rồi lại
tiếp tục cho đến khi khỏi.
(5) Chữa đau mắt đỏ sưng đau: Bồ công anh mũi mác 40g, dành dành 12g; sắc uống trong ngày.
(6) Chữa mụn nhọt sưng đau: Dùng lá bồ công anh, nếu có điều kiện nên phối hợp với lá phù dung, rễ vông vang hoặc rễ gai, giã đắp.
(7) Chữa viêm cổ tử cung: Dùng bồ công anh mũi mác, bong bóng lợn 1 cái; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.