Hỏi:
Tôi bị rối loạn mỡ máu, đã uống nhiều thuốc nhưng tình trạng bệnh chưa được cải thiện. Gần đây có người giới thiệu dùng "cây mỡ máu" phơi khô sắc uống rất tốt đối với bệnh rối loạn mỡ máu. Song tôi chưa dám dùng, nay tôi gửi thư này đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết: "Cây mỡ máu" có tên là gì? Uống vào có tác dụng giảm mỡ máu hay không? Có cây cỏ nào khác chữa được rối loạn mỡ máu?
Phạm Thị Hòa, 52 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ
Đáp:
Bạn đọc thường xuyên của "Thuốc vườn nhà" có thể nhận thấy, hiện nay dân gian thường gọi tên cỏ cây theo tác dụng chữa bệnh, hoặc theo một đặc tính nào đó. Thí dụ, vài năm trước có Quý bạn đọc gửi tới "Thuốc vườn nhà" một nhánh cây tươi có tên "cây tiểu đường"; chúng tôi đem về trồng trong vườn, sau một thời gian cây ra hoa và đã xác định được, đó thực ra là cây "bầu đất" - một loại rau dại, rất thông dụng ở các miền quê; giảm đường huyết là tác dụng mới phát hiện được ở cây bầu đất khoảng 10 năm gần đây. Một trường hợp khác, có Quý bạn đọc gửi tới mẫu dược liệu, nghe nói đó là loại "thần dược" mới phát hiện, có tên "cây mật gấu"; sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã xác định được, đó chỉ là "tên mới" do những người buôn thuốc đặt ra với mục đích thương mại; vì trên thực tế đó là loài cây vốn có tên trong Dược điển là "hoàng liên ô-rô" - một cây thuốc đã được sử dụng từ lâu đời.
Trường hợp "cây mỡ máu" mà bạn quan tâm, cũng có thể là là một cây quen thuộc nào đó, vốn có tên khác do các cụ đặt tên từ xưa. Bạn nên hỏi các các cụ cao tuổi, để biết dân địa phương thường gọi cây thuốc đó là gì. Một cây thuốc thường có những tên khác nhau, tùy theo địa phương. Đó cũng là một manh mối rất quan trọng để xác định cây, vì những tên địa phương đó cũng thường được ghi lại trong các sách thuốc.
Cuối cùng là câu hỏi: Có những cây cỏ nào chữa được rối loạn mỡ máu?
Trên "Thuốc vườn nhà" chúng tôi đã giới thiệu nhiều loại thảo dược, sẵn trong vườn nhà, có tác dụng chữa trị rối loạn chuyển hóa mỡ máu rất tốt. Một trong số những cây mọc hoang, sẵn có ở khắp nơi, đó là cây muồng ngủ.
Trong Đông y, hạt muồng ngủ gọi là "thảo quyết minh" hoặc "quyết minh tử", còn có tên là "đậu ma", "giả lục đậu", "giả hoa sinh", "lạc giời", "mã đề quyết minh", "hoàn đồng tử", ... tên khoa học là Cassia tora L.
Muồng ngủ (thảo quyết minh) là loại cây nhỏ cao 30-90cm, có khi cao tới 1,5m. Lá mọc so le, kép, xẻ lông chim, gồm 2-4 đôi lá chét. Quả giáp, hình trụ dài 12-14cm, rộng khoảng 4mm, trong chứa chừng 25 hạt, cũng hình trụ ngắn chừng 5-7mm, rộng 2,5-3mm, hai đầu vát chéo, trông hơi giống viên đá lửa, màu nâu nhạt, bóng.
Để dùng làm thuốc, thường đem hạt muồng sao nhỏ lửa, khi thấy bốc mùi thơm như cà phê, màu hạt vàng thẫm, thì bắc xuống, tãi mỏng ra cho nguội; trong một số trường hợp cần sao thật kỹ cho tới khi cháy đen thành than.
Lưu ý: Chớ nhầm lẫn cây "muồng ngủ" với cây "muồng trâu", còn gọi là "muồng truổng", thân mang nhiều gai lởm chởm, cành cũng nhiều gai thẳng đứng và ngắn; trong dân gian chủ yếu dùng chữa bệnh ngoài da.
Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy, ngoài những tác dụng truyền thống, như sáng mắt, an thần, chống mất ngủ, ... hạt muồng còn có một số tác dụng khác đối với hệ tim mạch và hệ miễn dịch, cụ thể:
- Giảm lipid máu: Thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy, hạt muồng sử dụng dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc đều có tác dụng hạ cholesterol và triglycerin máu, tăng hàm lượng cholesterol mật độ cao và cải thiện tình trạng phân bố cholesterol trong cơ thể.
- Hạ huyết áp: Hạt muồng có tác dụng hạ huyết áp rõ ràng, đối với cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Tác dụng hạ huyết áp của hạt muồng mạnh hơn thuốc reserpine, đồng thời hầu như không có ảnh hưởng tới nhịp tim và hô hấp.
- Đối với chức năng miễn dịch: Hạt muồng có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch thể dịch, tăng cường hoạt tính của đại thực bào trong hệ miễn dịch.
Để làm giảm mỡ máu và điều hòa huyết áp, có thể dùng muồng ngủ theo số phương pháp như sau: Loại bỏ tạp chất, sao nhỏ lửa, khi nghe thấy tiếng nổ lách tách thì đảo liên tục, sao đến khi có màu vàng thẫm là được; mỗi lần dùng 5-10g, cho vào ấm, hãm như pha trà, uống dần trong ngày; dùng liên tục 10-15 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-5 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.