Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam thường dùng chữa đái đục

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/09/2013 12:47 SA

Hỏi:

Gần đây, nước tiểu của tôi cứ để một lúc là vẩn đục và có cặn trắng lắng ở dưới đáy. Tôi đã đi khám, bác sĩ nói không phải là bệnh "đái dưỡng chấp", mà là do "rối loạn chuyển hóa", cho uống thuốc theo đơn nhưng không thấy đỡ. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, bệnh của tôi có thể dùng rau dừa nước để chữa hay không?

Trần Đình Tam, Thái Bình

Đáp:

ngô, cây ngô, râu ngô, bắp ngô

Nước tiểu đục thường biểu hiện dưới hai dạng chính:

    - Thứ nhất là, trước trong sau đục: Trong sinh hoạt, nếu như thỉnh thoảng thấy nước tiểu lúc đầu trong suốt, nhưng để khoảng từ 2-5 tiếng sau, thấy hơi vẩn đục và có một ít cặn màu trắng hoặc hơi vàng lắng xuống, thì nói chung là hiện tượng sinh lý bình thường, không đáng lo ngại. Thứ cặn trắng đọng ở dưới đáy là do các loại muối trong nước tiểu kết tủa, lắng xuống. Tuy nhiên, nếu hiện tượng như trên xảy ra hàng ngày, ngày nào cũng có một lượng lớn cặn đọng dưới đáy, thì nên đến bệnh viện kiểm tra. Hiện tượng như vậy có thể do thường ngày uống ít nước, nên nước tiểu quá đặc và có nhiều cặn; tuy nhiên cũng có thể do sỏi đường tiết niệu hoặc do bệnh gút, phải đi làm xét nghiệm mới có thể xác định chính xác nguyên nhân.

    - Thứ hai là, đục ngay từ đầu: Vừa tiểu xong, nhìn nước tiểu đã thấy vẩn đục, thì nói chung là do bệnh lý. Nước tiểu trắng như nước vo gạo hay như sữa, hoặc có lẫn màng keo hay những cục lầy nhầy, có váng mỡ nổi lên ở trên, thì có thể là "đái dưỡng chấp" hoặc là "đái mủ". Đái mủ thường kèm theo các triệu chứng của viêm bàng quang như đái rắt, đái buốt; hoặc kèm theo các triệu chứng ở thận, như đau vùng thắt lưng, cơn đau quặn thận có kèm theo sốt, các triệu chứng viêm niệu đạo, ...

Đối với trường hợp "đái dưỡng chấp" và rối loạn tiểu tiện do viêm bàng quang, sử dụng rau dừa nước có thể mang lại kết quả rất khả quan.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Vài chục năm trước, Bệnh viện Đông y Hà Nội đã tiến hành thử nghiệm dùng nước sắc rau dừa nước (100g khô trong một ngày, uống liên tục từ 5-10 ngày) chữa 25 người (23 nữ, 2 nam) bị viêm bàng quang có những triệu chứng đái buốt, đái rắt, đái ra máu, mà không do sỏi, hoặc lao bàng quang hay lao thận gây nên. Kết quả thu được rất tốt, sau 1-2 tuần điều trị, bệnh nhân hết đái buốt, đái rắt, nước tiểu bình thường; sau 6 tháng hay hơn không thấy tái phát. Các tác giả còn mở rộng điều trị 37 trường hợp đái ra dưỡng chấp (chylurie)  và huyết dưỡng chấp (hemochylurie) mắc bệnh từ 1 tháng đến 1-2 năm. Bệnh nhân đi tiểu đục kéo dài, có bệnh nhân sáng dậy đái bật ra từng miếng màu trắng như thạch hoặc màu hồng như miếng thịt. Kiểm tra máu không thấy ấu trùng giun chỉ. Kết quả thu được rất tốt. Cách dùng cũng như trên, mỗi ngày uống 100-200g rau dừa khô dưới dạng thuốc sắc (thêm 1,5-2 lít nước, đun sôi 2-3 giờ còn 0,5 lít, chia 2 lần uống trong ngày). Thời gian điều trị từ 4-64 ngày liên tục. Trong thời gian điều trị bệnh nhân kiêng mỡ, trứng, ít ăn mặn hoặc ăn nhạt. Không những làm hết dưỡng chấp mà còn hết cả anbumin, hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.

Trở lại câu hỏi cụ thể của bạn. Trong thư bạn không nói rõ khi đi tiểu có cảm giác nóng rát, đau buốt hay cảm giác gì khác hay không, nên chúng tôi không thể đưa ra một khuyến cáo cụ thể.

Trong Đông y, trường hợp nước tiểu đục, nhưng tiểu tiện nói chung bình thường, không đau buốt, gọi là "niệu trọc"; còn trường hợp nước tiểu đục như nước vo gạo, có lẫn mủ, ... đồng thời khi tiểu tiện có kèm theo cảm giác nóng rát, đau buốt, nước tiểu không thành tia mà tiết ra ngắt quãng, nhỏ giọt, ... thì lại thuộc phạm vi của chứng "cao lâm". "Niệu trọc" và "cao lâm" là hai chứng bệnh khác nhau, nên cần dùng những phương pháp, bài thuốc, vị thuốc khác nhau để chữa.

Dưới đây chỉ xin đề cập vài nét về trường hợp "niệu trọc", vì đó là hiện tượng tương đối phổ biến, thường hay gặp hơn:

    - Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới chứng "niệu trọc" - "đái đục", có thể do "thấp nhiệt ứ đọng" ở hạ tiêu gây nên. Trường hợp mạn tính, bệnh kéo dài lâu ngày, thường là do "Tỳ hư" - chức năng tiêu hóa của tạng Tỳ hư tổn hoặc do "Thận suy" - chức năng khí hóa của tạng Thận suy yếu, gây nên.

    - Để chữa trị, có thể sử dụng thử một số bài thuốc đã kinh nghiệm như sau:

        (1) Bài thuốc 1: Dùng ý dĩ (sao vàng) 50g, tỳ giải 20g, củ mài (sao vàng) 20g, lá và bông mã đề 12g, rễ cỏ tranh 12g, rễ cây bấn trắng (bạch đồng nữ, sao vàng) 12g; cho thuốc vào ấm đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, sau khi sôi đun nhỏ lửa 15-20 phút; chia ra uống trong ngày.

        (2) Bài thuốc 2: Dùng kim tiền thảo 20g, mía giò 20g, giá đỗ xanh 30g, lá tre 30g; sắc nước uống giống như Bài thuốc 1.

        (3) Bài thuốc 3: Dùng hạt sen 60g, sinh cam thảo 10g; sắc nước uống thay trà trong ngày, ăn hạt sen và uống nước thuốc.

        (4) Bài thuốc 4: Dùng râu ngô 50g, hạt bo bo (ý dĩ nhân )50g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Nếu bệnh kéo dài lâu ngày, kèm theo đau lưng, mỏi gối, đầu choáng mắt hoa, có thể thêm thỏ ty tử 10g hoặc dây tơ hồng 15g, đảng sâm 10g, trần bì 8g, cùng sắc uống. Trong thời gian điều trị cần uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]