Hỏi đáp

Cà rốt - Vị thuốc bổ thời bao cấp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/04/2013 07:38 CH

Hỏi:

Tôi nghe nói, củ cà rốt có thể sử dụng để chữa một số bệnh thông thường. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng, đề nghị hướng dẫn giúp một số cách sử dụng tương đối đơn giản, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình.

Nguyễn Thị Minh, Hà Đông, Hà Nội

Đáp:

cà rốt, củ cà rốt, cây cà rốt, carrot

Cà rốt

Đúng như bạn nói. Ngoài công dụng dùng làm thức ăn, cà rốt còn là một vị thuốc, có thể sử dụng để chữa trị khá nhiều chứng bệnh.

Trong Tây y, giá trị chữa bệnh của cà rốt gắn liền với hàm lượng lớn Caroten - nguồn vitamin A chứa trong củ tươi. Khi thiếu vitamin A, thường xuất hiện trạng thái mệt lả, giảm thị lực, chức năng tiêu hóa bị rối loạn; đồng thời sức chống bệnh của cơ thể cũng giảm, dễ cảm cúm và bị mắc các bệnh nhiễm trùng; còn da dẻ thì nhăn nheo, nứt nẻ nhiều chỗ, ...

Còn trong Đông y, từ nhiều thế kỷ trước, các thầy thuốc đã biết cách sử dụng cà rốt để chữa trị rất nhiều chứng bệnh, đặc biệt là các bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ.

Theo Đông y: Cà rốt có vị cay ngọt, tính bình, không độc; vào các kinh Thủ thái âm Phế và Túc thái âm Tỳ. Có tác dụng khoan trung hạ khí, yên ngũ tạng, tăng cường tiêu hóa; dùng chữa các chứng suy dinh dưỡng, tả lỵ lâu ngày.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc quý từ của cà rốt:

    (1) Thuốc bồi bổ sau khi bệnh nặng:

        - Những năm thời kỳ bao cấp, do thiếu dược liệu, một số lương y đã sử dụng cà rốt để thay thế một số vị thuốc bổ quý hiếm, có kết quả  tốt.

        - Thí dụ, trường hợp sau khi ốm nặng, kém ăn, mệt mỏi, suy yếu, có thể dùng: Cà rốt khô (thái thành miếng, tẩm mật sao) 30g, cây vú bò (thái lát, tẩm mật sao) 24g, hoài sơn (củ mài, sao) 24g, mạch môn (củ tóc tiên, bỏ lõi, sao) 12g, ngưu tất 12g, thổ tam thất 12g; sắc kĩ với nước, chia thành 3 lần uống hàng ngày; có tác dụng giúp bệnh nhân mau phục hồi sức khỏe sau khi ốm nặng.

    (2) Chữa ho khan: Củ cà rốt rửa sạch; ăn sống, nhai nuốt dần, nhiều lần trong ngày.

    (3) Chữa đau dạ dày: Dùng hạt cà rốt, sao chín, nghiền thành bột mịn; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5-6g, hoặc uống khi thấy lên cơn đau.

    (4) Chữa đại tiện táo bón: Củ cà rốt 500g, ép lấy nước, pha thêm chút mật ong vào uống; ngày uống 2 lần, vào sáng sớm và buổi tối.

    (5) Chữa cao huyết áp: Củ cà rốt ép lấy nước, uống sống; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 90-100ml; hoặc mỗi ngày ăn vài củ cà rốt sống.

    (6) Chữa viêm thận cấp: Cà rốt 150g, tề thái hoa 10g; cùng nấu chín thành món canh. Cũng có thể dùng cà rốt 200g, rửa sạch, thái nhỏ, thêm một lượng gạo thích hợp vào nấu cháo ăn (Thực vật dược dụng chỉ nam).

        Cây tề thái mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta, còn gọi là "địa mễ thái", tên khoa học là Capsella bursa pastoris (L.).

    (7) Chữa quáng gà:

        - Cà rốt thái lát, hấp chín ăn, ngày ăn 2-3 củ; ăn liên tục một số ngày sẽ kiến hiệu.

        - Hoặc dùng cà rốt 600g, thịt lươn 400g; tất cả đều thái thành sợi nhỏ, xào lên ăn; liên tục trong 6 ngày (1 liệu trình).

    (8) Chữa bệnh nhuyễn giác mạc (keratomalacia): Củ cà rốt 100g, trứng gà 2 quả; cà rốt gọt vỏ, thái thành lát nhỏ, luộc đến khi chín thì đập trứng gà vào, thêm mắm muối thành món canh; ngày ăn 1 lần, liên tục trong 1 tuần (1 liệu trình). Có tác dụng bổ gan, sáng mắt và hỗ trợ tốt trong điều trị chứng nhuyễn giác mạc.

    (9) Chữa trẻ nhỏ bị thủy đậu: Dùng lá cà rốt 90g, rau mùi 60g; sắc nước uống thay nước trong ngày.

    (10) Chữa trẻ nhỏ lên sởi: Củ cà rốt 150-200g, củ mã thầy (còn gọi là củ năn, bột tề) 150-200g, rau mùi 100g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Thứ trà này có tác dụng hỗ trợ tốt trong điều trị bệnh sởi, thường áp dụng vào thời kỳ cuối; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng âm sinh tân.

    (11) Chữa trẻ nhỏ ho gà:

        - Củ cà rốt 200g, táo tầu (hồng táo, đại táo) 12 quả; nước 1500ml, sắc còn 500ml, hòa thêm chút đường phèn vào cho dễ uống; chia 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình).

        - Hoặc có thể dùng 500g củ cà rốt ép lấy nước, thêm chút đường phèn vào rồi hấp nóng lên; uống ngày 2-3 lần.

        Bài thuốc này có tác dụng kiện tỳ, sinh tân, giải độc, nhuận phế, chỉ khát. Thường sử dụng như một biện pháp hỗ trợ trong điều trị trẻ nhỏ ho gà.

    (12) Chữa trẻ em ỉa chảy:

        - Cà rốt có tác dụng làm giảm nhu động ruột, hút chất nhầy và độc tố vi trùng, do đó có thể sử dụng để chữa ỉa chảy ở trẻ nhỏ.

        - Cách dùng: Lấy 50g bột cà rốt khô (hoặc 500g cà rốt tươi), đun sôi với 1 lít nước, được súp cà rốt. Trong những ngày đầu trẻ em bị ỉa chảy mỗi ngày cho ăn 100-150ml/kg thể trọng, chia làm 6 bữa ăn; nếu truyền hoặc uống nước thì bớt lượng tương đương súp cà rốt. Những ngày sau cho ăn kèm với sữa mẹ hay sữa bò với lượng súp cà rốt giảm dần.

        - Thời gian điều trị thường là 4 ngày, chia như sau: Ngày đầu cho ăn súp cà rốt 100%; ngày thứ hai ăm súp cà rốt 80%, sữa mẹ hay sữa bò 20%; ngày thứ ba ăn súp cà rốt 60%, sữa mẹ hay sữa bò 40%; ngày thứ tư ăn súp cà rốt 40%, sữa mẹ hay sữa bò 60%.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]