Hỏi:
Mới
đây, tôi được một người bạn từ Lạng Sơn về cho thứ thuốc mới phát hiện,
có tên là "củ máu người", nói rằng đem sắc nước hoặc ngâm rượu uống có
tác dụng chữa đau nhức xương khớp rất tốt. Để bảo đảm an toàn, trước khi
sử dụng, tôi xin gửi mẫu thuốc đến "Thuốc vườn nhà", mong được chuyên mục giới thiệu đầy đủ hơn về tác dụng của vị thuốc này. Rất mong được hồi âm sớm nhất.
Lê Gia Tộc, Bình Giang, Hải Dương
Đáp:
Kê huyết đằng
Trước hết, nhìn mẫu thuốc do bạn gửi tới, chúng tôi nhận thấy:
-
Thứ nhất, đây là một vị thuốc Nam cổ truyền, đã được sử dụng và ghi chép
trong các sách thuốc từ lâu đời, chứ không phải mới được phát hiện
trong thời gian gần đây.
- Thứ hai, dược liệu là những lát thuốc thái ra từ thân leo (dây leo), chứ không phải là củ hay rễ củ.
Vị
thuốc bạn quan tâm, trong các sách thuốc có tên là "kê huyết đằng". Cây
còn có những tên khác, như "huyết đằng", "hoạt huyết đằng", "huyết
phong đằng", "phong đằng", "cửu tầng phong", một số địa phương dân gian
gọi là "dây máu người". Cây có tên như vậy, vì thân cây cắt ra có chất
nhựa màu đỏ như máu ("huyết" là máu, "đằng" là dây) "kê huyết đằng"
nghĩa là dây máu gà. Tên khoa học của cây là Spatholobus suberectus
Dunn., thuộc họ Đậu.
Ngoài cây Spatholobus suberectus Dunn.,
vị thuốc kê huyết đằng còn được khai thác từ một số cây khác. Dân gian
chủ yếu căn cứ vào khi chặt thân cây, thấy có nhựa màu đỏ, giống như
máu, thì lấy về dùng. Tại miền Bắc, kê huyết đằng những năm trước thường
được khai thác nhiều nhất tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây (cũ), Cao Bằng,
Lạng Sơn; còn thấy ở nhiều tỉnh miền núi khác nhưng ít được khai thác.
Theo kết quả điều tra sơ bộ:
Vị thuốc kê huyết đằng còn được khai thái từ cây kê huyết đằng Mucuna
birwoodiana Tutcher, hoặc một số loài Milletia như Milletia nitida
Benth, Miletia diesiana Harms, đều thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae).
Huyết
đằng và kê huyết đằng có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các
tháng 9-10, chặt toàn cây về, phơi khô, cắt bỏ lá và cành; có nơi cắt
thành từng đoạn ngắn hay miếng mỏng rồi mới phơi hay sấy khô.
Theo Đông y:
Kê huyết đằng có vị đắng, ngọt, tính ấm; vào 3 kinh Can, Tâm và Thận.
Có tác dụng bổ huyết hoạt huyết, thư cân thông lạc. Chủ trị bần huyết
(thiếu máu), phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa, bế kinh, phong tê thấp
khớp xương đau nhức, chân tay tê dại. Những năm gần đây còn được sử dụng
để trị liệu chứng giảm bạch cầu do xạ trị.
Kê huyết đằng có
tính năng đặc biệt là bổ huyết mà không gây nê trệ; hành huyết mà không
phá huyết (xúc tiến tuần hoàn máu nhưng không quá mạnh), thích hợp với
những người huyết hư kèm theo ứ trệ. Có điều, tác dụng bổ huyết của kê
huyết đằng tương đối yếu, nên khi dùng làm thuốc bổ huyết thường kết hợp
với bài "Tứ vật thang". Tác dụng thư cân hoạt lạc của kê huyết
đằng tương đối mạnh, nên là thứ thuốc thường dùng chữa phong thấp khớp
xương đau nhức, lưng gối đau mỏi, gân cốt tê dại. Với những người huyết
vốn hư, lại mắc các chứng đau nhức nói trên là càng thích hợp.
Như
vậy, tuy không phải là vị thuốc mới, nhưng thứ thuốc bạn được biếu đúng
là có thể sử dụng để bồi bổ khí huyết và chữa trị các chứng đau nhức
xương khớp.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số cách sử dụng kê huyết đằng để bạn tham khảo:
(1) Chữa thiếu máu:
Dùng kê huyết đằng 60-120g, trứng gà 2-4 quả, hồng táo 10 trái; thêm
nước 8 bát, sắc còn già nửa bát, trứng chín bóc bỏ vỏ cho vào đun tiếp;
ăn trứng và uống nước thuốc, mỗi ngày 1 thang; liệu trình 10 ngày.
Thường sử dụng 4-5 liệu trình.
(2) Rượu kê huyết đằng tửu:
- Công thức 1: Dùng kê huyết đằng 30g, rượu trắng 500ml; ngâm ít nhất 3 ngày; ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.
- Công thức 2: Dùng kê huyết đằng 120g, đường phèn 80g, rượu trắng
1000ml; kê huyết đằng thái lát mỏng, cho vào nồi gốm sạch, đổ rượu vào,
đặt lên bếp đun nhỏ lửa cho đến khi sôi lăn tăn thì ngừng, chờ nguội đậy
kín vung, đặt vào nơi râm mát; sau 5 ngày chắt lấy rượu, lọc bỏ cặn bã;
đường phèn thêm chút nước đun cho tan đều, lọc bỏ cặn, hợp với rượu
ngâm kê huyết đằng; cất trong lọ, nút kín, dùng dần; ngày uống 3 lần vào
lúc đói bụng, mỗi lần 15-25ml.
Rượu có tác dụng: Bổ
huyết hành huyết, thông kinh lạc, cường cân cốt. Dùng chữa xương khớp
đau nhức và chân tay tê dại do phong thấp. Có thể sử dụng chữa phụ nữ
kinh nguyệt không đều, bế kinh; còn dùng trong trường hợp đòn ngã tổn
thương.
(3) Chữa cơ thể suy yếu, mồ hôi trộm: Dùng kê huyết đằng 90g, sắc lấy nước; đập 1-2 quả trứng gà vào ăn; ăn như món canh; liên tục 5-7 ngày.
(4) Chữa phụ nữ khí hư bạch đới hạ: Dùng kê huyết đằng 250g, chân giò lợn lượng thích hợp; hầm chín, bỏ bã thuốc, ăn chân giò và uống nước hầm.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcLương y cho hỏi muốn mua cây huyết đằng thì ở đâu bán,cảm ơn